Sáng ngày hôm qua (25/4), tại Trung tâm truyền thông - Giáo dục sức khỏe TP Hồ Chí Minh, 59B Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1 đã diễn ra một buổi trao đổi về chủ đề "Chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai". Người chủ trì buổi trao đổi này là Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh (Bệnh viện Hùng Vương).

Buổi trao đổi
 
Thành phần tham dự chủ yếu là các phụ nữ trẻ, chưa có con hoặc mới có 1 cháu. Tuy nhiên, lác đác trong phòng cũng có sự xuất hiện của một vài đấng mày râu đến nghe. Buổi trao đổi được chia ra làm 4 phần, nhưng quan trọng nhất là phần thuyết trình của Bác sĩ Hạnh và phần hỏi đáp.

Theo như Bác sĩ Hạnh thì "Chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai" là những chăm sóc được thực hiện trước khi mang thai (preconceptional care), khác với chăm sóc trước sinh khi đã có thai (antenatal care). Đối tượng của việc chăm sóc này là những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và đang có nguyện vọng mang thai với mục đích có được sức khỏe tốt khi mang thai và sau khi sanh cũng như sinh ra một đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh.

Có cả cánh mày râu đến theo dõi
 
Trong suốt bài thuyết trình của mình, Bác sĩ Hạnh đã đi sâu vào khá nhiều vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, có thể tóm gọn lại trong một vài ý dưới đây.

Những việc cần làm trong chăm sóc trước khi mang thai là gì?

- Kiểm tra sức khỏe bà mẹ để tìm các bệnh lý mãn tính (nếu có) và tiên lượng/đánh giá bệnh lý dó sẽ thay đổi thế nào khi mang thai, ảnh hưởng ra sao đến thai nhi, qua đó đề ra các biện pháp giúp nâng cao sức khỏe trước khi mang thai.

- Kiểm tra khả năng mang thai bao gồm khảo sát những khó khăn trong việc mang thai, vấn đề hỗ trợ về sinh sản, tìm ra những bất thường về đường sinh dục hay khả năng sinh sản có thể dẫn đến thai kỳ nguy cơ cao.

- Kiểm tra khả năng có con bình thường nhằm tìm ra bệnh lý di truỳen hay không di truyền trong gia đình hoặc của bản thân có thể di truyền cho con hoặc làm con bị ảnh hưởng.
 
Bác sĩ Hạnh đang thuyết trình

- Khảo sát những thói quen, sinh hoạt yếu tố ngoại cảnh trong đời sống hàng ngày có khả năng ảnh hưởng đến việc mang thai hay ảnh hưởng sức khỏe mẹ - con.

- Dự phòng bất thường thai nhi.

Tuy nhiên, những việc trên đây chỉ áp dụng được cho đa số phụ nữ ở hoàn cảnh thông thường, khỏe mạnh và không có vấn đề về nội khoa hay sinh sản. Còn với những trường hợp thiểu số như hoàn cảnh gia đình có bệnh lý di truyền hay mẹ lớn tuổi thì cần phải có những kiểm tra khác.

Phần trả lời cầu hỏi
 
Trong phần trao đổi, đã có khá nhiều câu hỏi được các chị em đặt ra, đặc biệt trong đó là những thắc mắc về bệnh lý di truyền. Tuy nhiên, theo Bác sĩ Hạnh thì vấn đề này khá nhạy cảm. Việc xác định xem mình có mắc bệnh di truyền không chỉ nên được kiểm tra sau nhiều lần mang thai bất thành và cần được củng cố tâm lý vững vàng. Bởi khó ai chấp nhận được một sự thật rằng mình đang mang một mầm bệnh có thể gây hại đến con cái sau này. Tuy nhiên, vì đề cập đến vấn đề một cách tổng quát nên cần phải nhắc tới mọi yếu tố chứ không hề khuyến khích các phụ nữ trẻ, chưa gặp phải nhiều vướng mắc trong việc sinh nở đi kiểm tra bệnh lý di truyền.
 
Một bà mẹ đang đặt câu hỏi
 
Ngoài ra, với việc phần đông phụ nữ tham gia buổi trao đổi đều là dân văn phòng nên họ có chung một thắc mắc, không biết trong quá trình mang thai, việc ngồi nhiều trước màn hình máy tính có ảnh hưởng gì đến thai nhi không. Câu trả lời của Bác sĩ Hạnh về câu hỏi bên lề này là không, tuy nhiên, việc ngồi hàng giờ trước máy tính có thể khiến các bà mẹ đang lưng, đau cơ hơn người bình thường.
 
LinhD