“Đừng khóc nữa!”
Nhiều ông bố bà mẹ nổi điên lên khi thấy con khóc dai hoặc gào lên ầm ĩ. Bạn nên mừng vì điều này, vì ít ra trẻ đã bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài để cha mẹ biết chúng đang buồn bã hay tức giận. Nếu một ngày, trẻ không khóc trước mặt bạn nữa thì rất có thể con đã bị mắc chứng rối loạn lo âu.
Khi thấy con khóc, cha mẹ nên tìm hiểu lý do tại sao. Nếu trẻ khóc để ăn vạ, bạn không nhất thiết phải dỗ dành, hãy cứ tiếp tục làm công việc của mình, trẻ khóc chán sẽ thôi, nhưng đừng bắt trẻ phải nín bặt khi cảm xúc đang tuôn trào. Nếu trẻ khóc vì bị ai đó bắt nạt hay bị đau do ngã, hoặc do bị điểm kém ở lớp, hãy an ủi, động viên con.
“Con bị điếc à?”
Khi bạn gọi hoặc yêu cầu con làm một việc gì đó nhưng trẻ phớt lờ bạn, bạn tức giận quát to “Con bị điếc à?”. Chắc chắn trẻ không điếc, chỉ là điều bạn nói chúng không quan tâm nên cố tình giả điếc thôi. Tức giận hay mỉa mai không phải là cách hay để dạy trẻ. Trong trường hợp này, cha mẹ hãy đưa ra các yêu cầu cụ thể. Ví dụ: “Nếu 5 phút nữa con không xuống ăn cơm mẹ sẽ dọn bàn ăn đi/ Nếu 5 phút nữa con vẫn không xuống nhà thì ngày hôm nay con sẽ phải đi bộ đến trường”.
“Con đã làm tốt nhưng con có thể làm tốt hơn”
Câu nói này rất hay được các bậc cha mẹ sử dụng vì họ tưởng đó là lời động viên, khích lệ để lần sau trẻ nỗ lực, làm tốt hơn nữa. Ðiều này có thể đúng một phần, nhưng mặt khác, nó cũng khiến cho trẻ cảm thấy bị áp lực và chưa được ghi nhận. Trẻ đã làm tốt, “nhưng” - chữ “nhưng” này đã phủ định lại hoàn toàn điều tốt đẹp ấy. Thay vì nói điều đó, bạn có thể nói với trẻ rằng: “Con đã làm tốt và bố mẹ rất tự hào về con. Bố mẹ tin rằng, con sẽ ngày càng tiến bộ hơn nữa!”.
“Bằng tuổi con, bố mẹ đã…”
“Bằng tuổi con, bố vừa chăn trâu, cắt cỏ, vừa nấu cơm, băm bèo mà vẫn học hành giỏi giang/ Bằng tuổi con, mẹ đã biết phụ bà đan len kiếm tiền mà vẫn đạt danh hiệu học sinh giỏi…”. Rất nhiều bậc phụ huynh hay kể về thời xưa với hàm ý cho rằng trẻ bây giờ không bằng bố mẹ. Ðiều kiện sống bây giờ tốt hơn xưa rất nhiều, trẻ phải cố gắng học tập cho thật tốt. Tuy nhiên, điều trẻ nghĩ thường không giống điều cha mẹ nghĩ. Một số trẻ cho rằng, cha mẹ cố tình khoe khoang bản thân để hạ thấp trẻ, một số khác lại cảm thấy vô cùng áp lực khi mình không giỏi giang được như cha mẹ.
Bạn không nên so sánh con cái với cha mẹ, cũng không nên so sánh con mình với con người ta; nếu muốn trẻ nỗ lực trong học tập hay cuộc sống, hãy đi thẳng vào vấn đề, chỉ ra những điểm lợi nếu con cố gắng hết sức mình. Ðó là cách động viên, khích lệ tinh thần con tốt nhất mà không khiến trẻ cảm thấy khó chịu hay bị áp lực.
“Cái đó chỉ dành cho con trai/con gái”
Thực tế, trong cách dạy con, rất nhiều bậc phụ huynh vẫn vô thức tiêm nhiễm vào đầu trẻ những định kiến giới, ví dụ như phân chia ra những việc dành cho bé trai và những việc dành cho bé gái. Có những bố mẹ mặc định con gái thì phải nấu cơm, rửa bát, lau nhà… con trai thì rửa xe, quét sân… Hoặc ép con trai học võ thuật, con gái học múa ba lê. Ðiều này là không nên. Hãy để cho trẻ được làm những điều phù hợp với năng lực, sở thích của con.
“Cha/ mẹ quá thất vọng về con”
Còn gì buồn hơn khi trẻ nghe câu nói đó từ chính cha mẹ mình. Nhiều đứa trẻ đã tin rằng mình thực sự là nỗi thất vọng của cha mẹ và cảm thấy cuộc sống thật buồn chán. Dù cho con đã khiến bạn thất vọng nhường nào, đừng buông lời cay đắng với trẻ. Thay vào đó, hãy nói để trẻ hiểu rằng, bạn đã rất buồn hoặc không hài lòng về hành động của con. Sau này, con cần rút kinh nghiệm để tránh lặp lại.
“Ước gì mình chưa từng đẻ nó ra”
Khi tức giận, một số ông bố bà mẹ đã bật ra câu nói khủng khiếp này. Câu nói ấy có tính sát thương ghê gớm đối với tâm hồn một đứa trẻ.
Việc nuôi dạy con cái thật không mấy dễ dàng, đôi lúc bạn cảm thấy kiệt quệ, nhưng hãy nhớ một điều, trẻ không đòi ra đời, là bạn đã sinh ra trẻ. Ðừng để đứa trẻ cảm thấy có lỗi vì chúng đã được sinh ra. Nếu quá mệt mỏi, bạn hãy tự thưởng cho mình những phút giây thư giãn hoặc nói ra điều ấy với con để được con chia sẻ.
Ðừng khiến trẻ nghĩ rằng cha mẹ không cần chúng, vì cảm giác bị bỏ rơi có thể khiến cho trẻ ngày càng trở nên xa cách với cha mẹ, thậm chí có suy nghĩ và hành động tiêu cực.
“Cha/ mẹ không muốn nhìn thấy con nữa”
Câu nói này khiến trẻ đau lòng chẳng khác gì câu nói “Ước gì mình chưa từng đẻ nó ra”. Trẻ sẽ hiểu rằng, cha mẹ hẳn đã vô cùng khó chịu khi nhìn thấy mặt mình, vậy thì từ giờ mình sẽ tránh mặt đi để cha mẹ khỏi phải nhìn thấy; thậm chí, một số trẻ đã bỏ nhà ra đi hoặc đến nhà ông bà/ người thân ở để cha mẹ không nhìn gặp mặt nữa.
Nếu trẻ làm cho bạn tức giận, tại thời điểm cơn tức đang lên tới đỉnh điểm, bạn thực sự không muốn nhìn mặt con vì càng nhìn sẽ càng tức, hãy yêu cầu con về phòng đóng cửa để tự kiểm điểm bản thân hoặc bạn tạm lánh mặt đi chỗ khác để tâm trạng bình tĩnh trở lại.