Mới đây, tại hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, cho biết qua đối chiếu, rà soát các tiêu chí theo Nghị quyết 35 của Quốc hội, quận Hoàn Kiếm cùng 176 xã, phường khác thuộc diện sáp nhập trong giai đoạn 2023-2025. Thông tin trên, cùng cái tên Hoàn Kiếm ngay sau đó trở thành tâm điểm dư luận của người dân Thủ đô cũng như những người yêu mến nơi này.
Hoàn Kiếm có từ bao giờ?
Vào cuối năm 1954, nhân dịp giải phóng Thủ đô, nhà thơ Tố Hữu có viết bài Lại về, trong đó có bốn câu sau:
"Hồ Gươm xanh thắm quanh bờ,
Thiên thu hồn Nước mong chờ bấy nay.
Bây giờ đây lại là đây,
Quốc kỳ đỉnh Tháp sao bay mặt hồ."
Trong tâm hồn của thi sĩ, linh hồn của đất nước được chứa đựng trong hình hài vật chất, mà hồn Nước ấy từ nghìn thu xưa lưu lại để cả người xưa lẫn người nay trông ngóng về đó mà tự hào. Bởi vậy có thể nói rằng hồ Gươm là không gian thiêng của Hà Nội lẫn cả nước. Tên gọi hồ Gươm mới có hơn thế kỷ nay, trước đó thường được gọi là hồ Hoàn Kiếm. Và tên của quận Hoàn Kiếm hiện nay cũng được đặt theo tên của hồ.
Tên gọi Hoàn Kiếm bắt đầu xuất hiện từ truyền thuyết có từ thời vua Lê Thái Tổ đầu thế kỷ XV (1428 - 1433) trong sự kiện trả gươm cho rùa thần. Truyền thuyết này có nhiều dị bản, song trong đó đều đề cập đến hồ Hoàn Kiếm.
Theo nghị quyết của Quốc hội, các quận nội đô phần lớn không đủ diện tích (tối thiểu 35km2) thì thuộc diện sáp nhập. Diện tích không đạt 70% theo quy định thì quy mô dân số phải đạt trên 200% so với yêu cầu tối thiểu là 150.000 người.
Quận Hoàn Kiếm diện tích tự nhiên chỉ có 5,29km2, là quận có diện tích nhỏ nhất tại TP. Hà Nội. Theo Niên giám thống kê 2021 của Hà Nội, dân số quận Hoàn Kiếm khoảng 155.900 nghìn người.
Trong La Thành cổ tích vịnh của Trần Bá Lãm, bài vịnh Tả Vọng hồ có dẫn như sau: “Hồ nằm trong La Thành, phía Nam hồ có bãi nổi, gọi là hồ Hữu Vọng, phía Bắc hồ có mô đất nổi gọi là hồ Tả Vọng. Cây cối um tùm, nước xanh biếc. Xưa còn có một lạch nhỏ thông ra sông Nhị. Đời Lý Thánh Tông dựng hành cung ở phía Nam hồ làm nơi hóng gió. Đời Trần giặc Nguyên xâm lược, vua sai tập thuỷ quân ở hồ, đặt tên là đầm Thuỷ Quân. Đến hoàng triều, vua Thái Tổ trả lại gươm cho thần ở đó, nên gọi là hồ Hoàn Kiếm”.
Tập sách Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ cùng Nguyễn Án xuất hiện trước năm 1815 có chuyện Hồ Hoàn Kiếm do Nguyễn Án soạn, được tác giả Trúc Khê dịch lại như sau: “Hồ ở bên cạnh phường Báo Thiên, thông với ngoài sông (sông Cái) hình thế rất to rộng. Ấy là nơi đức Thái Tổ tiền triều (nhà Lê) đánh rơi thanh kiếm vậy. Nguyên thời Thái Tổ khởi nghĩa, ngài bắt được một thanh kiếm cổ. Sau khi được nước, ngài thường đeo bên mình. Một hôm chơi thuyền ở trong hồ bỗng thấy một con ba ba rất lớn nổi lên mặt nước, bắn nó không trúng, ngài bèn lấy kiếm mà trỏ. Bất chợt kiếm rơi xuống nước mất mà con ba ba cũng lặn theo. Ngài giận, sai lấp cửa hồ lại, đắp bờ ngang, tát nước để tìm, nhưng chẳng thấy. Đời sau nhân cái vết bờ đó, chia ra làm hai hồ Tả Vọng và Hữu Vọng. Cuối đời Cảnh Hưng, có một vật mọc lên từ cái đảo trong hồ, sáng rực rồi tắt, người ta cho là thanh kiếm bay đi”.
Còn Hoàng Việt dư địa chí của Phan Huy Chú được soạn trong khoảng thời gian 1831-1835, mục “Tỉnh Hà Nội” có ghi: “Hồ Hoàn Kiếm ở ngay trong thành Đại La. Chuyện xưa kể rằng khi vua Lê Thái Tổ ngự thuyền chơi trong hồ bỗng thấy con rùa lớn nổi lên, vua rút kiếm chỉ vào, rùa ngậm ngay kiếm rồi lặn mất. Vì vậy đặt tên là hồ Hoàn Kiếm. Về sau triều đình (nhà Lê) dùng hồ ấy để duyệt thuỷ quân nên có tên là hồ Thuỷ Quân”.
Đến Long Biên bách nhị vịnh soạn năm 1944 cũng có tiểu dẫn kể về lai lịch của hồ Hoàn Kiếm khi ấy được gọi là hồ Hàm Kiếm (tức ngậm gươm). Qua tài liệu này ta cũng biết được thêm một tên mới của hồ Hoàn Kiếm. Tài liệu nói về hồ Hoàn Kiếm vẫn tiếp tục được nhắc đến sau này. Chẳng hạn như Hà Nội địa dư của Dương Bá Cung soạn có lời tựa năm 1851 cũng nhắc đến Thuỷ Quân hồ. Hà Nội sơn xuyên phong vực (tác giả khuyết danh) cũng nhắc đến truyền thuyết về hồ Hoàn Kiếm.
Đến thế kỷ XIX, Thăng Long cổ tích khảo và Đại Nam nhất thống chí cũng hé lộ thêm nhiều chi tiết khác nữa về hồ Hoàn Kiếm.
Nhắc đến nhiều tài liệu cổ như vậy là muốn nói đến việc hồ Hoàn Kiếm gắn bó với vùng đất cổ này từ xa xưa và trong quá trình hình thành luôn bồi đắp thêm cho Hà Nội nhiều màu sắc tâm linh. Truyền thuyết nhắc đến để bạn đọc thêm phần thưởng thức, còn sự kiện rùa nổi trên hồ Hoàn Kiếm thì hoàn toàn có thật. Mỗi lần rùa nổi thu hút người dân đông đảo đến xem. Điều này trở thành một nét độc đáo của Thủ đô.
Ông Nguyễn Hữu Thành - phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội Vụ chia sẻ rằng việc sáp nhập đơn vị hành chính theo tiêu chí tại nghị quyết số 1211 và nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang nằm ở mức độ rà soát. Nghĩa là ngoài tiêu chí đảm bảo diện tích tự nhiên và dân số, vẫn cần xét tới các yếu tố văn hóa, lịch sử dân tộc và những đặc trưng đặc thù của quận trung tâm này.
Cái tên Hoàn Kiếm không chỉ biểu tượng cho một truyền thuyết mà còn nói lên được mong muốn hoà bình, thịnh trị của dân tộc. Thanh gươm xuất hiện theo nhà vua chinh chiến bao năm để giành lại độc lập, đến khi giặc tan thì hoàn trả lại kiếm quý cũng là lẽ phải của đạo làm người. Hoà bình lập lại, gác trả vũ khí để cùng nhau xây dựng đất nước. Đây cũng là một trong những ý nghĩa đặc biệt của hai từ Hoàn Kiếm.
Mang trong mình dấu ấn của vùng đất thiêng, dù diện tích vô cùng khiêm tốn nhưng quận Hoàn Kiếm trở thành trung tâm của Thủ đô, hội tụ những tinh hoa văn hoá và truyền thống lịch sử của đất kinh kỳ. Nơi đây thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hoá, chính trị quan trọng của Hà Nội.
Quận Hoàn Kiếm gồm 18 phường: Cửa Đông, Cửa Nam, Chương Dương, Đồng Xuân, Hàng Bài, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Mã, Hàng Trống, Lý Thái Tổ, Phan Chu Trinh, Phúc Tân, Tràng Tiền, Trần Hưng Đạo.
Phía Bắc quận Hoàn Kiếm giáp quận Ba Đình tới phố Hàng Đậu làm ranh giới. Phía Đông giáp sông Hồng cùng vùng bãi ngoài đê từ Phúc Tân - chợ Long Biên đến đường Vạn Kiếp. Phía Nam giáp quận Hai Bà Trưng giới hạn bởi phố Hàn Thuyên - Lê Văn Hưu - Nguyễn Du. Phía Tây giáp hai quận Ba Đình, Đống Đa được phân cách bởi phố Lý Nam Đế và ga Hà Nội.
Những điểm đến nổi tiếng ở quận Hoàn Kiếm trở thành "trang bìa" khi giới thiệu về Hà Nội
Những công trình, di tích, đình chùa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là phần không thể thiếu trong bức tranh một Hà Nội hiện đại mà vẫn cổ xưa, được du khách quốc tế ví như "Paris của châu Á". Hà Nội, thành phố của tháng năm, của hơi thở lầu son gác tía, của không khí cách mạng, của những phố phường buôn bán nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Hà Nội, thành phố của lịch sử, soi bóng thơ mộng xuống mặt hồ. Quận Hoàn Kiếm nằm trong lòng Hà Nội, được hình thành từ những làng quê, giờ đây trở thành phố cổ sôi động.
Dân cư đông đúc "chen chúc" nhau trong những khoảnh nhà nhỏ bé lại giúp vùng đất cổ này giữ được lịch sử lâu đời, lồng ghép với những yếu tố thời đại mới. Dù quá khứ cổ xưa hay tiếp nhận hội nhập hiện đại hoá, những tuyến đường được hình thành từ thời thuộc địa chạy xuyên đến hiện tại vẫn không làm phai mờ đường ranh lịch sử anh hùng tạo nên Thủ đô yêu dấu ngày nay.
Hồ Hoàn Kiếm - Đền Ngọc Sơn - Tháp Rùa - Đền Bà Kiệu
Cụm di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm là nơi thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước. Hồ Hoàn Kiếm với truyền thuyết như vừa nhắc ở trên tựa như chốn thiêng đất kinh kỳ mà du khách nào đến Hà Nội cũng muốn ghé thăm.
Đền Ngọc Sơn ra đời vào cuối thập kỷ 40 của thế kỷ XIX, nằm trên hòn đảo Ngọc. Ngay đối diện cổng đền Ngọc Sơn là đền Bà Kiệu nằm nép mình dưới tán đa cổ. Lối dẫn ra đền Ngọc Sơn có hệ thống các cổng và cây cầu cong cong màu đỏ son gọi là cầu Thê Húc. Trước khi bước sang cầu là những Đài Nghiên, Tháp Bút biểu trưng cho tinh thần hiếu học.
Xa xa là Tháp Rùa lừng lững. Ngọn tháp này tuy không có lịch sử vẻ vang và cũng không có nhiều giá trị kiến trúc nhưng đã trở thành "phần hồn" của hồ Hoàn Kiếm, hơn thế là của quận Hoàn Kiếm và cả Hà Nội.
Không có sách cổ nào đề cập đến lai lịch của Tháp Rùa, chỉ một số sách nhắc đến như Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội của Doãn Kế Thiện, Lịch sử Thủ đô Hà Nội của Trần Huy Liệu có nhắc đến Tháp Rùa nằm trên Gò Rùa. Năm 1884, tên đại phú Bá Kim - tay sai của Pháp thèm muốn đất ấy, cho rằng có phong thuỷ tốt, bèn tìm cớ mượn xin nhà chùa, tự bỏ tiền xây một ngọn tháp, chôn hài cốt bố mẹ hắn vào đó, nhưng rồi cũng ngay trong đêm, đã có bàn tay bí mật đào hài cốt lên quăng xuống hồ, chỉ còn trơ lại quách rỗng.
Tháp Rùa cao 8,8m, tuổi đã dư hơn một thế kỷ trở thành một phần tâm hồn của Hà Nội, khiến nhiều người đi nhớ về thương.
Cụm di tích đặc biệt này không chỉ biểu trưng cho quận Hoàn Kiếm mà nơi này, gọi gần gũi là Bờ Hồ, Hồ Gươm đã trở thành biểu tượng của Thủ đô. Những ngày cuối tuần, nơi đây diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, là phố đi bộ thu hút nhiều khách du lịch.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - Nhà hát lớn Hà Nội
Từ một bãi đất hoang trồng dừa ven hồ Hoàn Kiếm trở thành quảng trường chứng kiến những người yêu nước liên tục bị xử tử thời Pháp thuộc. Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nằm ngay trước tòa nhà Hàm Cá Mập, là cửa ngõ vào phố cổ Hàng Ðào, Hàng Ngang, Hàng Đường.
Hiện nay, khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã trở thành một phần của phố đi bộ Hồ Gươm, là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn của thành phố, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân Hà Nội và du khách.
Nhà hát lớn Hà Nội được xây dựng năm 1901 và hoàn thành 10 năm sau đó. Nơi đây có giá trị lớn về mặt lịch sử, kiến trúc và giá trị sử dụng.
Phố Tràng Tiền - Tượng đài Lý Thái Tổ
Đứng từ phố Tràng Tiền có thể nhìn ra được hồ Hoàn Kiếm. Đây từng là con phố Tây sang trọng bậc nhất thời Pháp thuộc. Ngay ngã ba là Tràng Tiền Plaza toạ lạc - một trong những trung tâm thương mại lâu đời nhất ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, kem Tràng Tiền ra đời năm 1958 cũng là món quà vặt không thể không thử khi đến thăm Bờ Hồ. Món quà ấy đi qua biết bao thế hệ, đến nay vẫn giữ vững vị trí trong lòng người dân.
Đối với người dân, bức tượng đài Lý Thái Tổ là biểu tượng của lòng sùng bái vị vua anh hùng cứu nước của người Hà Nội.
Nhà thờ Lớn
Nhà thờ Lớn là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu tại Hà Nội được xây dựng năm 1884. Xuyên qua ba thế kỷ, công trình này đã chứng kiến sự thay đổi từng ngày của Thủ đô, dần khoác lên lớp áo của sự hiện đại và phát triển không ngừng.
Quanh nhà thờ Lớn, có nhiều quán cà phê nhỏ nhắn, những tiệm trà chanh xinh xắn để các bạn trẻ có thể gặp mặt, trò chuyện và tận hưởng không khí tuyệt vời của Hà Nội từ những ngày hè oi ả đến những buổi chiều thu gió nhè nhẹ.
Hà Nội 36 phố phường
Phố cổ Hà Nội là một trong những đặc trưng làm nên màu sắc của quận Hoàn Kiếm. 36 phố phường chỉ là cách nói tượng trưng, trên thực tế còn nhiều hơn con số 36. Những con phố bắt đầu từ chữ Hàng... là nơi lưu giữ biết bao kiến trúc xưa, ngành nghề xưa của ngàn năm văn hiến cũng như nền ẩm thực phong phú đặc trưng của kinh kỳ.
Đến phố cổ, du khách không bao giờ lo... đói. 36 phố phường đủ các địa chỉ ăn uống nổi tiếng khiến bạn hài lòng như chả cá Lã Vọng, bún ốc, cháo sườn, phở, bún chả,...
Chợ Đồng Xuân - Cầu Long Biên
Nhắc đến một trong những nét đặc trưng tạo nên giá trị đô thị cổ của quận Hoàn Kiếm, không thể thiếu chợ Đồng Xuân. Được xây dựng vào năm 1889, chợ Đồng Xuân là chợ trong nhà lớn nhất Hà Nội, phong phú đủ các loại hàng hoá.
Vào tối cuối tuần, phiên chợ đêm còn diễn ra kéo dài từ chợ Đồng Xuân ra đến hồ Hoàn Kiếm.
Nằm cách chợ Đồng Xuân không xa, là cầu Long Biên. Cây cầu đã thực sự "già", tuy sạm đen, han gỉ nhưng vẫn vững chãi. Dù đứng từ xa nhìn lại hay đến gần chạm tay vào vết đọng thời gian trên thành cầu, có lẽ chúng ta sẽ đều cảm nhận được sự kiên cường của những nhịp cầu từng hứng chịu bom đạn, chứng kiến giai đoạn khốc liệt của lịch sử đất nước.
Di tích Nhà tù Hoả Lò
Nhà tù Hoả Lò là nhà tù do người Pháp xây dựng trên khu đất thuộc làng Hoả Lò, nay thuộc số 1 phố Hoả Lò, phường Trần Hưng Đạo. Nơi đây tái hiện lại nhiều chiến tích can trường của hàng ngàn chiến sĩ Việt đã phải trải qua trong thời kì đánh Pháp.
Ở đây có tour trải nghiệm "Đêm thiêng liêng" giúp du khách có thể chạm vào những khoảnh khắc đắt giá tại "địa ngục trần gian" một thời giữa trung tâm Hà Nội.
***
Đối với nhiều người, Hà Nội là điểm dừng chân cuối cùng sau những cuộc hành trình gian nan từ vùng này qua vùng khác. Mà ở đó quận Hoàn Kiếm, trải qua biết bao bãi bể nương dâu, hình thành nên 36 phố phường gắn với bao lịch sử.
Dù vỏn vẹn chỉ 5,29km2 nhưng nơi ấy đã cất giấu bao thăng trầm lịch sử, tô đậm bao nhiêu nét văn hoá cội nguồn dân tộc, giữ cho mảnh đất thiêng kinh kỳ Thăng Long xưa, Thủ đô Hà Nội ngày nay vẫn là trái tim của cả nước, là mảnh đất xiết bao thú vị mà khách du lịch khắp nơi trên thế giới về thăm thú.