Nhà ống là mẫu nhà quen thuộc và khá phổ biến tại Việt Nam, được nhiều gia đình lựa chọn làm mẫu thiết kế cho gia đình.
Tuy nhiên khi xây dựng mẫu nhà này vẫn có nhiều điều cần lưu ý, nhất là trong vòng chưa đầy 1 tuần qua có tới hai vụ hỏa hoạn ở Sài Gòn và Hà Nội đã cướp đi 10 mạng người hay trước đó chưa lâu vào tháng 4/2 cũng đã xảy ra vụ cháy ở nhà trọ tại Tam Khương, Đống Đa khiến 4 người tử vong.
Điều đặc biệt là những trường hợp này nhà bị hỏa hoạn đều là nhà dạng ống (hay còn được gọi với cái tên là nhà lô phố).
Vấn đề phòng cháy chữa cháy và thoát hiểm khỏi các đám trong những ngôi nhà ống vì thế được nhiều người quan tâm.
Liên hệ với kiến trúc sư Đoàn Hữu Kiên (sống tại Hà Nội) về thiết kế cho mẫu nhà ống an toàn trong phòng chống cháy nổ, kiến trúc sư sẽ tư vấn những thông tin hữu ích cho bạn.
Cần hiểu định nghĩa nhà ống là gì?
Theo kiến trúc sư Hữu Kiên, các gia đình cần hiểu định nghĩa nhà ống là gì. Đây là loại nhà trong phố, chỉ có 1-2 mặt thoáng (trước và sau).
Loại nhà này hình thành từ giữa và sau thời kỳ bao cấp, trước kia được chia dưới dạng phân lô (khu tập thể) cho cán bộ, giải quyết nhu cầu ở cho một giai đoạn phát triển của đất nước.
Chính vì giải quyết nhu cầu ngắn hạn, do vậy nhà phân lô chia diện tích khá bé (thường mặt tiền từ 3-4m, chiều sâu từ 10-12m, diện tích trung bình chỉ từ 30-40 mét vuông) và ít có khoảng đối lưu, thông gió.
Thiết kế phải dựa trên những đặc điểm đặc thù của nhà ống
Do tính chất nhà ống là bí, thiếu sáng, thiếu không khí, do vậy việc đầu tiên khi nghĩ đến trong thiết kế nhà ống đó là phải khắc phục, hạn chế những đặc điểm đặc thù trên.
1. Lựa chọn giải pháp giếng trời
Giải pháp giếng trời trong nhà ống sẽ giúp giải quyết vấn đề đối lưu không khí trong nhà (hiểu đơn giản là có gió vào thì phải có gió ra).
Nếu rủi ro không may xảy tới khi ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn, việc đối lưu không khí sẽ giúp khói được thông lên theo đường "giếng trời" và giúp những người sống trong nhà "hạn chế" khả năng bị ngạt khói.
2. Chú ý khi lắp hệ thống cửa sổ
Cửa sổ, cửa đi mở rộng, những khoảng mái kính lấy sáng ngoài tiêu chí giúp nhà ống giải quyết vấn đề thiếu sáng, việc cửa kính mở rộng hay mái kính lấy sáng cũng giúp người ngoài có thể phát hiện nhanh chóng sự cố hỏa hoạn trong nhà.
Bạn cần hình dung nếu một căn nhà tường gạch đóng kín, cửa gỗ pano che kín mặt ngoài thì rủi ro khi xảy ra hỏa hoạn trường hợp xấu nhất có thể xảy đến là cháy rụi hết mọi thứ bên thì người ngoài mới biết.
3. Không thể thiếu ban công
Ban công dù lớn, dù nhỏ nhưng không thể thiếu. Ngày nay, để tối ưu diện tích, nhiều gia đình đã "cơi nới" phòng của ngôi nhà và loại bỏ diện tích ban công. Họ cho rằng ban công là nơi ít sử dụng, mà lại là nơi hứng bụi nên tận dụng thành không gian sống sẽ tốt hơn.
Nhưng nếu có hỏa hoạn (giả sử cháy ở tầng 1) và không thoát ra ngoài bằng cửa chính được thì việc cần làm là đứng ra ban công tri hô và chờ cứu hộ. Lúc này ban công đóng một vai trò quan trọng.
4. Cầu thang rộng, thoáng
Khi thiết kế nhà ống, cầu thang nên rộng, thoáng, phục vụ cho việc thoát hiểm nhanh chóng và cả công tác cứu hộ. Tất nhiên khi gia đình thiết kế cũng còn phụ thuộc diện tích ngôi nhà để đưa ra tiết diện cầu thang phù hợp nữa.
5. Cân nhắc thiết kế cầu thang về cuối nhà
Với những nhà phố dài và hẹp (trên 20m), cân nhắc việc thiết kế cầu thang về cuối nhà. Vì nếu xảy ra hỏa hoạn, việc thoát hiểm sẽ khó khăn hơn.
Những sai lầm khi thiết kế nhà ống cần tránh:
- Lắp song sắt bảo vệ (chống trộm) nhưng không lưu ý để khả năng thoát hiểm. Lắp song sắt cần có thể thiết kế mở được (có khóa) để khi có hỏa hoạn có thể mở nhanh chóng để thoát hiểm qua đường cửa sổ
- Sử dụng đun nấu bằng bếp củi hoặc bếp gas nhưng lại để gần những đồ dễ bắt lửa (như sofa, rèm cửa,..).
- Nhà cửa bừa bộn, bố trí không khoa học cũng là nguyên nhân dễ gây cháy hoặc khi thoát hiểm cũng dễ va, vấp vào đồ đạc "ngổn ngang".
- Sử dụng các thiết bị điện kém chất lượng dễ gây chập, cháy nổ.
- Nơi hóa vàng mã không được bố trí riêng biệt, chủ quan không đợt tắt lửa khi hóa vàng mã.