Phố Khâm Thiên là một con phố có nhiều vết thương trong chiến tranh nhưng vẫn giữ được nhiều nét đậm chất Hà Nội. Đây chính là nơi trải qua trận bom đạn lịch sử, khắc ghi không bao giờ quên trong lòng người dân Thủ đô về một đêm đông của năm 1972.
Khâm Thiên ngày nay đã đổi mới và quên đi nhiều ký ức đau thương. Cuộc sống của người dân nơi đây đã lạc quan và vui vẻ hơn rất nhiều. Sâu bên trong Khâm Thiên, có một con ngõ nhỏ vẫn giữ được những nét Hà Nội xưa. Đó là những gia đình sống lâu năm với nhiều thế hệ ở những ngôi nhà nhỏ chật hẹp, cũ kỹ trong một khu tập thể cũ Hà Nội. Mỗi sáng “lạc” vào đây, bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy một sự tĩnh lặng và mộc mạc với những cảnh sinh hoạt hết sức đời thường. Không còn sự ồn ào của phố xá đông người, không có những ngôi nhà cao tầng hào nhoáng, cao sang đẹp đẽ. Đó chỉ đơn giản là những em bé, những ông bà già lẳng lặng làm những việc theo thói quen.
Mời các bạn ngắm bộ ảnh cuộc sống bên trong khu tập thể cũ ngõ Văn Chương, Khâm Thiên, Hà Nội của nhiếp ảnh gia Cao Anh Tuấn.
Bên ngoài khu tập thể cũ Văn Chương.
Một góc của con ngõ Văn Chương, Khâm Thiên, Hà Nội.
Một cụ già nằm đọc sách trong ngôi nhà cổ yên tĩnh dường như hoàn toàn tách biệt với những ồn ào bên ngoài phố Khâm Thiên.
Một em bé đang giặt đồ, tò mò trước ống kính của một người khách xa lạ.
Ở ngõ Văn Chương cũng như nhiều ngõ khác của Hà Nội, không thiếu cảnh các hộ gia đình đem xô chậu hứng nước mưa sinh hoạt.
Một phụ nữ đi chợ về trên con ngõ vắng.
Vì các nhà nằm sat sát nhau và thiếu ánh sáng nên sân chung luôn được tận dụng để phơi quần áo.
Cụ già ngồi gội đầu dưới những hàng dây phơi quần áo trong áng sáng dịu nhẹ và ít ỏi của khu tập thể gợi đến những cảm giác yên bình.
Trái ngược với sự ồn ào náo nhiệt ngay bên ngoài phố Khâm Thiên, khu tập thể cũ trong ngõ Văn Chương bình yên đến lạ.
Lối cầu thang cũ mòn với khoảng sân phủ đầy rêu chỉ có thể gặp ở những khu tập thể cũ.
Một em bé ngồi trên ghế đá ở khu vui chơi của trẻ em, phía sau là bức tường loang lổ đầy dấu vết của thời gian.
Quán ăn sáng trong khung cảnh xưa cũ, cổ điển như từ những thập kỉ 80.
Một cảnh sinh hoạt quen thuộc của người dân trong khu tập thể cũ.