Có phụ huynh từng chia sẻ một câu chuyện khi đón con tan học: "Trước cửa lớp, cô giáo đang trò chuyện với mẹ của hai em học sinh, hình như một nam sinh đã bắt nạt một bạn học khác. Cô giáo gọi phụ huynh đến để trực tiếp giải quyết vấn đề.
Cậu bé bị bắt nạt vẫn trốn sau lưng mẹ, không dám nói một lời. Khi cuộc trò chuyện kết thúc, cậu cùng mẹ bước ra khỏi trường. Trên đường ra cổng, người mẹ an ủi vài câu nhưng đứa trẻ bỗng bắt đầu mắng mẹ. Tôi không nghe rõ nội dung cụ thể, cơ bản là cậu đang trách mẹ "vô dụng" và làm khổ mình. Người mẹ không nói gì trên đường đi nhưng tôi thấy chị lau mắt vài lần rồi hai mẹ con bỏ đi. Đây là ví dụ điển hình của việc ở nhà thì kiêu ngạo, bên ngoài thì nhút nhát".
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái. Chúng ta thường nói đến tầm quan trọng gia đình đối với con cái, ảnh hưởng của môi trường gia đình thực ra chính là ảnh hưởng từ lời nói và hành động của cha mẹ.
Trẻ em lớn lên trong hai kiểu gia đình này sau này sẽ dễ kiêu ngạo ở nhà và nhút nhát bên ngoài. Nguyên nhân phần lớn nằm ở cách giáo dục con của người cha.
1. Người cha không ủng hộ con cái
Có một kiểu người cha ở ngoài đời hòa đồng với người khác nhưng ở nhà lại có bộ mặt khác với gia đình mình. Thậm chí sẽ trút bỏ những bất bình mà bản thân phải gánh chịu với bạn đời, con cái.
Khi đứa trẻ nhìn thấy hai "khuôn mặt" của cha, nó cho rằng đó là điều bình thường và hình thành thói quen tương tự. Trẻ sẽ đấm, đá và mất bình tĩnh trước mặt cha mẹ và người thân, nhưng lại trở nên rụt rè khi ra ngoài và chỉ trốn sau lưng gia đình khi bị bắt nạt. Trong tương lai, nếu một đứa trẻ mãi sống với tính cách như vậy thì cuối cùng trẻ sẽ phải chịu một sự thiệt thòi lớn.
2. Người cha bảo vệ quá mức
Trong một gia đình, người mẹ thường hiền lành, người cha lại có vai trò nghiêm khắc. Nếu người cha quá chiều chuộng và luôn bao bọc con quá mức thì con cái sẽ hình thành tính cách "độc tài", ích kỉ. Kiểu trẻ này được gia đình bảo vệ rất tốt, ở nhà hay bắt nạt người thân, nhưng khi ra ngoài lại lập tức trở thành kẻ hèn nhát.
Trẻ em là những cá thể độc lập, có cá tính riêng, có cách thức, phương tiện giải quyết vấn đề riêng. Là người lớn chúng ta phải biết buông bỏ đúng lúc và không phải lúc nào cũng nhốt con trong nhà kính. Phải yêu thương con cái có chừng mực.
Chúng ta thường nói về tầm quan trọng của mẹ đối với sự trưởng thành của con cái. Người cha cũng vậy. Trong gia đình, người cha không chỉ là trụ cột của gia đình mà cách cư xử, thái độ, lời dạy đều ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn và sự trưởng thành của con cái.
Một số phụ huynh cho biết: Từ khi con đi học mẫu giáo, họ chưa bao giờ dám xả rác vì sợ con nhìn thấy. Đây là bậc cha mẹ khôn ngoan. Chúng ta rao giảng trăm lần, thà làm gương tốt cho con cái một lần còn hơn.
Nhiều ông bố không quan tâm đến việc học hành của con cái, chỉ nằm dài trên ghế sofa xem TV sau giờ làm việc, vứt quần áo lung tung. Mỗi hành động này của người cha đều có thể trở thành tấm gương xấu cho con cái mình.
Một người cha có trách nhiệm, trung thực và đáng tin cậy sẽ dạy cho con mình những đức tính tuyệt vời này. Mặt khác, một người cha thường thất hứa và vô trách nhiệm có thể làm con cái trở thành người tương tự.
Trong sâu thẳm trái tim đứa trẻ, người cha là nơi trú ẩn an toàn. Sự hiện diện của người cha mang lại cho đứa trẻ cảm giác yên tâm, biết rằng dù lúc nào cũng có người đứng sau lưng chúng.
Vì vậy, người cha nên dành nhiều thời gian hơn cho con cái. Nghiên cứu đã chứng minh điều này sẽ giúp con có nhân cách lành mạnh hơn và trái tim tươi sáng hơn khi lớn lên.