Khi con cái lớn dần, một số cha mẹ than thở rằng bọn trẻ ngày càng trở nên xa cách. Trẻ không còn muốn nói chuyện, ôm hôn cha mẹ như trước nữa. Mặc dù trên thực tế vẫn có những trường hợp ngoại lệ nhưng đây cũng là vấn đề cần cha mẹ suy ngẫm.
Những dấu hiệu cho thấy trẻ lớn lên sẽ không muốn gần gũi cha mẹ
Việc trẻ không còn muốn gần gũi cha mẹ khi lớn lên có thể xuất phát từ những hành động nhỏ trong suốt thời gian dài. Nếu nhận thấy trẻ có các dấu hiệu dưới đây, cha mẹ cần chú ý:
1. Làm trái ngược mọi yêu cầu
Một số đứa trẻ khi lớn lên thường tỏ ra chán ghét và luôn mâu thuẫn với cha mẹ. Hiện tượng này rất phổ biến, dù đó có là đứa trẻ 2 tuổi hay một thanh thiếu niên đi chăng nữa.
Ví dụ:
Khi cha mẹ yêu cầu thu dọn đồ chơi, trẻ không muốn nghe lời, thậm chí vứt đồ đạc đi. Khi cha mẹ yêu cầu đi chơi phải về sớm, đứa con sẽ đi chơi tới tận khuya.
Việc thường xuyên phản đối này là một dấu hiệu đáng chú ý. Nếu bỏ qua thái độ này, trẻ lớn lên có thể xa lánh cha mẹ.
2. Dễ mất bình tĩnh
Sự nuông chiều của cha mẹ sẽ khiến con cái trở nên bướng bỉnh, kiêu ngạo, đòi hỏi vô lý và dễ mất bình tĩnh. Những đứa trẻ này thường không biết ơn và không hiểu được sự vất vả của cha mẹ.
Khi yêu cầu cha mẹ làm điều gì đó, sự thỏa hiệp của cha mẹ chỉ làm tăng thêm sự đòi hỏi của trẻ. Nuôi nấng con cái theo cách này sẽ dễ dàng khiến trẻ trở nên xa cách cha mẹ khi lớn lên.
3. Không thích trở về nhà
Nhà là nơi mang lại cảm giác an toàn, có cha mẹ yêu thương và che chở. Tuy nhiên, có một số đứa trẻ lại không muốn trở về nhà, chỉ thích ở bên ngoài.
Hiện tượng này cho thấy môi trường gia đình đang có vấn đề, khiến trẻ cảm thấy chán nản, ngột ngạt, không muốn trở về. Điều này sẽ khiến trẻ trở nên ghẻ lạnh với cha mẹ.
Tại sao trẻ lại trở nên xa cách với chính cha mẹ mình?
Thứ nhất, sự đồng hành của cha mẹ rất quan trọng đối với sự phát triển của con cái. Đây là tiền đề trong việc hình thành mối quan hệ cha mẹ và con cái.
Có 3 kiểu con cái gắn bó với cha mẹ:
- Loại A: Trẻ không cảm thấy lo lắng khi bị chia cắt với cha mẹ, không chủ động gần gũi khi được đoàn tụ.
- Loại B: Trẻ luôn có sự đồng hành của cha mẹ bên cạnh, mối quan hệ 2 bên khá tốt.
- Loại C: Trẻ có gắn bó với cha mẹ, cũng cảm thấy buồn khi bị chia cắt nhưng sẽ từ chối sự an ủi và chia sẻ với cha mẹ khi đoàn tụ.
Nếu cha mẹ không có sự bầu bạn với con cái khi còn nhỏ, ít có sự thể hiện yêu thương nhau, con cái dễ hình thành kiểu gắn bó loại A hoặc C, điều này có thể làm giảm sự gần gũi với cha mẹ.
Thứ hai, yếu tố môi trường gia đình rất quan trọng. Bầu không khí gia đình hạnh phúc quan trọng đối với sự trưởng thành của con cái. Nếu trẻ lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc, cha mẹ thường xuyên cãi vã, bỏ bê con cái, trẻ sẽ không muốn về nhà, thậm chí có thể dẫn đến xuất hiện những khiếm khuyết về nhân cách.
Một số gia đình thường xuyên cãi vã, thậm chí xảy ra bạo lực gia đình, bạo lực bằng lời nói, điều này có thể khiến trẻ sợ hãi, chán nản, dẫn đến cảm giác xa lánh cha mẹ khi lớn lên.
Làm sao để con cái không xa lánh cha mẹ khi lớn lên?
Để trẻ không xa lánh cha mẹ khi lớn lên, cha mẹ có thể bắt đầu từ những điều sau:
- Tôn trọng con cái
Dù con cái còn nhỏ đi chăng nữa cha mẹ cũng cần phải tôn trọng con mình. Khi trẻ bắt đầu phát triển ý thức về bản thân và sự độc lập, cha mẹ nên đối xử với chúng như những cá thể độc lập và dành cho chúng sự tôn trọng.
Điều này có nghĩa là không gạt bỏ những suy nghĩ, cảm xúc của trẻ mà nên lắng nghe và thấu hiểu. Bằng cách tôn trọng con cái, nó không chỉ có thể thiết lập mối quan hệ cha mẹ và con cái hài hòa hơn mà còn nuôi dưỡng sự tự tin và tính cách độc lập của trẻ, để chúng có thể thích nghi tốt hơn với xã hội sau này.
- Đồng hành, tương tác nhiều hơn với con cái
Thời thơ ấu là giai đoạn rất quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ. Lúc này, trẻ cần có sự đồng hành và chăm sóc của cha mẹ. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho con cái, đáp ứng kịp thời nhu cầu của trẻ và mang lại cho trẻ cảm giác an toàn và ấm áp.
Đồng thời, bạn không được quên quan tâm đến người bạn đời của mình, bởi bầu không khí gia đình đầm ấm và yêu thương rất quan trọng đối với sự trưởng thành của con cái. Thông qua nhiều tương tác hơn, mối liên kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình sẽ bền chặt hơn, trẻ sẽ phát triển trong môi trường yêu thương, thiết lập các mối quan hệ tích cực và lành mạnh.
- Bám sát các nguyên tắc dạy con
Trong quá trình giáo dục trẻ, cha mẹ phải tuân thủ các nguyên tắc, không thể chiều chuộng con cái quá mức. Khi trẻ đưa ra những yêu cầu vô lý, cha mẹ phải kiên quyết từ chối và giải thích lý do cho trẻ.
Làm như vậy có thể cho phép trẻ hiểu toàn bộ câu chuyện và học cách bày tỏ nhu cầu của mình một cách hợp lý, đồng thời nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm và khả năng tự chủ.
Việc tuân thủ các nguyên tắc có thể giúp trẻ thiết lập các tiêu chuẩn hành vi đúng đắn, khiến chúng trở nên tự giác và trưởng thành hơn khi lớn lên.