19h10 tối 17/3/2013 cũng là thời khắc không thể nào quên của gia đình chị Lê Huỳnh Anh Thư (SN 1985) và anh Nguyễn Thanh Hiếu (chồng chị Thư, cùng ngụ tại Q.5, TPHCM) khi chị hạ sinh 5 thiên thần nhỏ đáng yêu. Đến nay tất cả các bé đã được hơn 2 tuổi, năm đứa trẻ hiếu động, hay làm trò, và rất tinh nghịch là niềm hạnh phúc không thể nào hơn của anh chị.
Clip: Khoảnh khắc đấu tranh với tử thần trong ca sinh 5 đầu tiên tại Việt Nam
Quyết tâm giữ những đứa con dù được cảnh báo nguy hiểm tính mạng
Trước đó, anh Hiếu và chị Thư cưới nhau hơn 2 năm vẫn chưa có con, khi đi khám mới biết nguyên nhân là do chị Thư mắc hội chứng buồng trứng đa nang, anh chị được khuyên nên thụ tinh nhân tạo, tuy nhiên vì kinh tế khó khăn nên vợ chồng chị không thể thực hiện được, bên cạnh đó chị Thư dùng phương pháp kích trứng giao hợp tự nhiên và được cảnh báo sẽ có rủi ro đa thai.
5 em bé đáng yêu trong ca sinh 5 đầu tiên tại Việt Nam lúc mới chào đời.
Biết mình có thai, anh chị đã rất vui mừng khi kết quả siêu âm là sinh ba, chị Thư cho biết: "Ban đầu tôi nghe nói đa thai cũng sợ, nhưng siêu âm lần đầu bác sĩ nói sinh ba cũng đỡ hơn, thế nhưng lần kiểm tra sau lại là sinh tư, bác sĩ khuyên nên loại phôi để tránh rủi ro cho mẹ và các bé. Con của mình trông ngóng hơn hai năm trời, tôi và chồng không nỡ, tự trấn an nhau con càng nhiều càng vui nên cố gắng. Không ngờ đến lúc sinh thì ra... năm đứa, tôi hơi hoang mang nhưng nhìn các con thì bao nhiêu đau đớn đều được thay thế bằng sự hạnh phúc".
Năm đứa trẻ đáng yêu trong ca sinh 5 đầu tiên tại Việt Nam. Các bé được gọi lần lượt là : Cả, Hai, Ba, Tư, Út.
Theo chị Thư, lúc đầu biết mình mang thai bốn đứa, anh chị hơi sợ, nhất là sức khỏe và tính mạng của chị và con, sau là nhà ít người sợ sẽ không thể chăm hết, thêm phần từ lúc chị mang thai phải nghỉ làm, mọi gánh nặng đều dồn trên lưng chồng, chị không nỡ. Suy đi tính lại, anh chị nói với nhau thôi ráng, tới đâu hay tới đó chứ con mình yêu thương như nhau, loại phôi chẳng khác nào mình buông bỏ chúng.
Nhớ lại những ngày mang thai, chị Thư không khỏi rùng mình, những tháng đầu cũng nghén, cũng khó ngủ như những bà bầu khác. Nhưng đến tháng thứ 5, bụng chị bắt đầu to "quá khổ" lúc nào cũng căng cứng như cái trống, chỉ cần một đứa đạp là... anh em chúng cũng đạp theo, nhiều lúc đau thở không nổi chị chỉ biết cố gắng cắn răng chịu mà nước mắt cứ tự nhiên tuôn ra. Càng gần đến ngày sinh, chị càng đi lại khó khăn, có những thời điểm chỉ nằm cũng mệt, nhưng những lúc đó chỉ cần tưởng tượng cảnh 5 đứa trẻ y hệt nhau, líu lo, ríu rít suốt cả ngày là thấy nhẹ nhàng.
Chị Thư được đưa vào Bệnh viện Từ Dũ (Q.1, TPHCM) trước 16 ngày để chuẩn bị cho ca vượt cạn đầu tiên trong đời với những nguy hiểm đã được dự báo từ trước. Thế nhưng, bằng tấm lòng của một người mẹ từng ngày trông ngóng con của mình, bằng sự hỗ trợ đầy quyết tâm của các y bác sĩ nơi đây, 5 thiên thần chào đời trong niềm hân hoan của cả gia đình, của tập thể y bác sĩ, và cả những người biết đến ca sinh năm đầu tiên của Việt Nam. Hàng ngàn lời chúc được gửi đến anh chị trong ngày hạnh phúc nhất mà chị không bao giờ quên.
Theo chị Thư, vì sinh 5 nên... cái gì cũng nhân 5. Nhiều lúc chỉ việc cho các con vệ sinh, ăn sáng, tắm cho chúng cũng mất hết cả buổi.
Những ngày tháng vất vả xen lẫn hạnh phúc
Chị Thư nhớ lại những tháng đầu khi chăm bẫm năm đứa trẻ: "Mặc dù bà ngoại, bà nội, và ba được "huy động" để cùng tôi chăm sóc, thế nhưng đó là những chuỗi ngày thực sự khủng khiếp. Các thành viên trong nhà luân phiên nhau 2 tiếng một lần thức dậy cho 5 đứa bú, thay tã,.. nhưng hết đứa này thì đứa kia thay nhau khóc, mỗi đêm tôi chỉ nằm mơ màng chứ không thể gọi là ngủ. Sợ nhất là mỗi khi có một đứa bệnh là cả bốn đứa còn lại bệnh theo. Có giai đoạn tôi gần như rơi vào khủng hoảng, thế nhưng dần rồi cũng quen, nhìn chúng lớn lên từng ngày vợ chồng tôi thấy rất hạnh phúc, tuy cực chút nhưng vui" .
Nhóc Cả, tinh nghịch và "đầu têu" cho những chiêu trò của "đồng bọn".
Nhóc Hai, đẹp trai, nhỏ nhất nhà nhưng cũng... "gân" nhất nhà, rất "ăn ý" với nhóc Cả khi bày trò, nhưng cả hai cũng... không ngại thua đủ với nhau để giành đồ chơi. Theo chị Thư thì nhóc Hai giữ kỷ lục về... độ lì.
Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của chị Thư lúc này là chị sắp hết hợp đồng được tài trợ sữa cho 5 bé, tuy công ty của anh Hiếu cũng hỗ trợ anh trong việc nuôi năm đứa trẻ, nhưng theo tính toán của chị Thư thì mỗi tháng chi phí lo cho 5 đứa trẻ cũng hết gần 20 triệu đồng, chưa kể những lúc chúng bị bệnh, chúng đi học.
Thời gian vừa rồi vì kinh tế gia đình không cho phép nên anh chị chỉ gửi được ba đứa đến nhà trẻ, còn lại chị và bà nội chúng thay nhau chăm. Từ ngày có con đến nay, chị Thư cũng không thể đi làm, sáng mới hơn 5h phải dậy để chuẩn bị cho cả nhà, vừa lau dọn là con đã thức, vừa đút chúng ăn xong đã xế trưa, chị lại tất bật nấu cơm, dọn dẹp, cứ xoay vòng công việc cho đến 1h khuya.
Bụ bẫm và ham ăn nhất là nhóc Ba, nhưng cũng là đứa trẻ tình cảm và ngoan nhất nhà.
Còn đây là cô Tư lém lỉnh nhưng cũng... mít ướt nhất nhà.
"Cô út" xinh gái, thích cười nhưng khi khóc thì... không ai dỗ dành được.
Trong lúc chị Thư bận dọn dẹp, nấu ăn, bà nội sẽ trở thành người giữ trẻ
Mẹ chồng chị cho biết: "Thư nó vậy là giỏi rồi, tôi thì ở chung, phụ trông cháu, nhiều lúc chúng cùng nhau nghịch, cùng nhau khóc thì... sợ lắm, ngôi nhà nhỏ cứ inh ỏi cả lên. Nhưng mỗi khi cả nhà quây quần ăn cơm, nhìn cháu chơi đùa ríu ra ríu rít thì cũng vui lắm. Từ lúc có các cháu đến giờ, chi phí gì cũng nhân 5, tội cho hai vợ chồng nó".
Từ khi vợ sinh con đến nay, anh Hiếu thường xin tăng ca để có thêm thu nhập, tuy nhiên cũng chẳng thấm vào đâu, anh Hiếu chia sẻ: "Tôi rất biết ơn công ty của mình, BGĐ thường hỗ trợ cho các con của tôi từ khi chúng được sinh ra đến giờ, nếu không có họ, vợ chồng tôi sẽ rất khó khăn".
Tuy mệt mỏi, khó khăn nhưng gia đình chị Thư lúc nào cũng đầy tình yêu thương, tiếng cười, và sự hạnh phúc.