Tết Kỷ Hợi 2019 đang đến rất gần. Nhiều đứa trẻ đã được cha mẹ chở đi mua quần áo, chuẩn bị sẵn bánh kẹo và những bao lì xì đỏ chờ vui vầy trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Bệnh nhi tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.
Nhưng ở khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM, niềm vui kia là thứ quá xa xỉ. Chống chọi với đau đớn của bệnh tật đã đành, một số em cũng phải ở lại viện điều trị xuyên suốt những ngày Tết thay vì được về nhà đón xuân cùng cha mẹ.
Nhiều trẻ ở khoa Nhi vẫn còn phải ở lại viện điều trị bệnh.
Cha mẹ các em đã chuẩn bị sẵn tinh thần đón Tết xa nhà.
Mong muốn các em có chút niềm vui để lạc quan hơn trong hành trình chống chọi bệnh tật, phòng Công tác xã hội và Ban Giám đốc BV đã phối hợp với các tổ chức thiện nguyện tổ chức hội chợ Tết, văn nghệ, trao quà xuân và hỗ trợ cho gần 200 bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn.
Hội chợ vui xuân do Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM tổ chức cho các em.
Vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ diễn ra chương trình nhưng nụ cười đã nở trên gương mặt của các cô, cậu bé còn chưa mường tượng sự nguy hiểm của căn bệnh mình mắc phải. Bên cạnh, nhiều cha mẹ cố vui cùng các con nhưng không giấu được sự chạnh lòng.
Các bé hồn nhiên vui chơi.
14 tuổi, bé Duy (quê Tây Ninh) đã có 2 năm chống chọi với căn bệnh sacroma cơ vân, còn gọi là ung thư phần mềm.
Chị Vân mẹ bé cho biết, hai năm trước chị phát hiện vùng mặt bên phải con sưng to. Đưa bé lên BV Chợ Rẫy, các bác sĩ sinh thiết và phát hiện bệnh.
Bao nỗi lo bệnh tật tạm thời được đẩy lui.
Bé được phẫu thuật ngay sau đó để bốc trọn khối u ra ngoài nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình đã chọn đưa bé về thay vì ở lại hóa trị.
Hậu quả là vào đầu năm 2018, khối u tái phát và phù lên nặng nề gây biến dạng vùng mặt.
Từ đó đến nay, bé đã được vào hóa chất 5 lần tại BV Ung Bướu TP.HCM.
Những giọng ca từ chương trình Giọng hát Việt nhí cũng đến góp vui.
Nụ cười của bé Linh khi được tặng chữ thư pháp tên mình.
Hơn một nay, chị Vân đưa con xuống viện để vô toa thuốc tiếp theo. Tuy nhiên vì sức khỏe bệnh nhi không đủ, bé Duy được các bác sĩ để lại theo dõi.
"Bác sĩ nói đến 25 tháng Chạp sẽ cố gắng để các bé khỏe được về với gia đình nhưng con em giờ vẫn chưa thể vào thuốc vì bạch cầu, tiểu cầu còn thấp quá. Trường hợp xấu nhất Tết phải ở lại luôn" – chị Vân nói.
Nhiều bé còn lấy điện thoại của cha mẹ chụp hình các bạn vui chơi.
Tại hội chợ Tết của BV, bé Duy được lì xì 400 ngàn đồng, được phát bánh kẹo, chụp hình vui chơi với các bạn.
"Thấy con vui thì mình cũng vui, an ủi phần nào khi Tết con người ta ở nhà mà con mình thì đi viện. Từ hồi chữa bệnh cho con, đất đai dưới quê cũng đã cầm cố. Em cũng vay mượn rất nhiều rồi…" – chị Vân nói giọng buồn.
Cậu bé này say sưa nhìn nghệ nhân làm tò he.
Trên sân khấu, những đứa trẻ hồn nhiên nhận quà từ các y bác sĩ, tình nguyện viên.
Đó là bé Tây (5 tuổi, quê Bình Thuận) bị u não từ nhỏ, bé Anh Thư (11 tuổi, quê Trà Vinh) đã có nhiều năm chống chọi với căn bệnh sarcom hốc mũi. Hay bé Huy Khang (15 tuổi) không biết sẽ còn ăn bao nhiêu cái Tết trong viện vì mang khối u lớn ở phổi…
Quả bóng bay treo bao lì xì khiến cậu bé này thích thú nhưng khó khăn để lấy.
Nhưng thứ làm người lớn thật sự xúc động nằm ở khu vực viết điều ước trong hội chợ.
Trên những tờ giấy đỏ, những mong muốn tưởng chừng rất đỗi bình thường lại vượt quá tầm với của các cô, cậu bé ung thư và cha mẹ bệnh nhi.
"Con ước có được bộ đồ Tết" – là điều ước của bé Tiểu Vi, phòng 305;
Con ước có bộ đồ Tết.
"Con ước được đi học lại" – bé Ngọc Anh háo hức viết.
Bé Ngọc Anh ước được đi học lại.
Đây cũng là điều ước của bé Khang.
"Con ước sau này sẽ được làm chú lái xe đi đổ cát" – sự hồn nhiên của bé Huy Hoàng khiến người lớn bật cười.
"Con ước cả thế giới này không còn bệnh nữa và một con gấu bông thật to…".
Một cô, cậu bé nào đó viết những dòng này và quên ghi lại tên. Dường như đây cũng là mong muốn chung của rất nhiều em nhỏ khác đang điều trị ung thư. Hết bệnh, để về cuộc sống bình thường, về với cha mẹ. Tưởng dễ dàng mà sao khắc nghiệt quá.
"Con ước cả thế giới này không còn bệnh nữa".
Khi các em đang mải mê vui chơi dưới sân bệnh viện thì nhiều đứa trẻ khác vẫn đang đau đớn với mũi tiêm, những toa thuốc trên khoa.
Tiếng rên la xé lòng, sự kiệt quệ của quá trình ngược xuôi chữa bệnh, của những lần đóng viện phí vẫn còn đó. Chúng, không vì vài giờ đồng hồ vui chơi mà biến mất.
Nghĩ đến đó, tôi và những nhân viên y tế cũng thầm ước như bệnh nhi vô danh kia.
Ước gì thế giới này không còn bệnh nữa!