Trong những gia đình có 2 con, con cả thường có chỉ số IQ cao, còn con thứ có chỉ số EQ cao. Tại sao lại có điều này? Thực tế có thể giải thích như sau: Thời điểm con đầu lòng ra đời, cha mẹ thường dồn hết tâm sức chăm lo, tìm hiểu đủ mọi phương thức nuôi dạy khoa học, tham khảo chuyên gia,...
Đến khi đứa con thứ hai ra đời thì mọi chuyện đã khác. Cha mẹ giờ đã có kinh nghiệm nuôi dạy con cái nên thường áp dụng luôn theo con thứ nhất. Đứa trẻ ngoài cha mẹ còn có một người anh/chị để noi theo; nhìn sắc mặt, lời nói để cố gắng, điều chỉnh hành vi của mình. Trí tuệ cảm xúc của đứa trẻ thứ hai thực sự bị "ép" phát triển trong một "môi trường cạnh tranh" như vậy.
Còn với đứa con cả, việc có em khiến trẻ trở thành "giáo viên nhí". Dù cố ý hay vô ý, trẻ cũng sẽ dạy cho em mình những kiến thức mà bản thân đã nắm vững. Trong quá trình học tập, dạy người khác cũng là một cách nâng cao kiến thức của bản thân. Vì nó đòi hỏi bản thân phải nắm vững kiến thức trước, rồi mới có thể giảng giải cho người khác. IQ của con cả cũng vì vậy mà tăng lên.
Vậy trong một gia đình có 2 con, cha mẹ phải làm thế nào để con cả và con út đều phát triển IQ và EQ như nhau? Câu trả lời là: Nuôi dạy phù hợp với năng khiếu của từng đứa trẻ.
Vì con cả tương đối yếu về trí tuệ cảm xúc, nên cha mẹ có thể cùng con trau dồi tình cảm nhiều hơn. Hãy trò chuyện với con mỗi tối trước khi đi ngủ, phân tích những mâu thuẫn con gặp phải với em, hỏi xem con đang nghĩ gì, đã làm gì và gợi ý cho con cách để giải quyết xung đột.
Thông qua những điều đơn giản này, cha mẹ có thể dạy con cả cách giao tiếp, cách đạt được sự đồng thuận từ các cuộc xung đột, nhờ đó cải thiện trí thông minh cảm xúc. Đối với việc cải thiện chỉ số IQ của con út, hãy khen ngợi con nhiều hơn để con có thêm hứng thú học tập.
Với gia đình có 2 con thì vậy, còn gia đình chỉ có một con thì phải làm sao để trẻ phát triển đều cả IQ và EQ?
Trên thực tế, cha mẹ cần áp dụng phương pháp "vừa dạy vừa giúp" con. Mỗi khi con học được kiến thức mới, cha mẹ có thể "hỏi ý kiến" con bằng giọng điệu thích thú, nói con "dạy" thêm cho bố mẹ.
Đồng thời, phương pháp phục hồi cảm xúc cũng có thể được sử dụng. Xung đột và mâu thuẫn gặp phải trong cuộc sống hàng ngày, dù là giữa con cái với cha mẹ, hoặc giữa con cái với bạn bè, đều có thể được phân tích thành các trường hợp. Cha mẹ cùng con nói chuyện, phân tích tình huống và cùng nhau đưa ra giải pháp.
Điều này không chỉ giải tỏa sự tắc nghẽn trong trái tim của trẻ, mà còn giúp trẻ sáng tỏ suy nghĩ của mình, cải thiện khả năng nhận biết và phát triển EQ.