Nguyễn Thơ

Thời trẻ, chàng thanh niên Nguyễn Thơ (tên đầy đủ là Nguyễn Văn Thơ) vốn giỏi tiếng Pháp lại sớm giác ngộ Cách mạng, hoà vào đoàn “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” những năm 1946 - 1947 để xung làm “lính chiến” trong đội quân đầu tiên của Phát thanh TNVN.

Làm phụ trách Tổ Nói, Nguyễn Thơ đặc biệt coi trọng chuyên môn nghiệp vụ. Ngày đầu khai mở Truyền hình Việt Nam, cùng với nhóm người đầu tiên của phát thanh đi học nước ngoài để chuyển sang làm truyền hình, chính Nguyễn Thơ là PTV đầu tiên “lên hình” suốt mấy tháng đầu gian khó ấy.

Những giọng đọc đi cùng năm tháng
Nguyễn Thơ (trái) trong chương trình phát thanh.

Nhiều thế hệ của ngày ấy đến bây giờ có lẽ vẫn không thể quên, phát thanh trên các làn sóng 31m, 41m và 297m” (ngày đó, trên nền nhạc hiệu còn đọc cả thước sóng), giọng đọc huyền thoại Nguyễn Thơ vang lên một cách hùng hồn với bài bình luận quân sự về “Hoan hô Chiến thắng Khe Sanh - đường 9”. Lát sau, người lớn, trẻ con không biết từ những địa đạo nào kéo đến vây quanh, hỏi dồn dập: “Đúng là “eng” Nguyễn Thơ nói đó, phải không mấy chú. Hèn chi mà hay rứa. Mấy chú khoan hãy đi, ngồi mở đài cho bà con nghe rồi tụi tui kéo xe lên cho”.

Giọng đọc Nguyễn Thơ như sinh ra để đọc Thời sự - Chính luận, loại việc “bận như con mọn” nặng nhọc lại khó khăn, “căng người ra mà đọc”. Nguyễn Thơ tạo được kiểu đọc rành rọt, khúc triết mà đanh thép. Đó là giọng đọc của lửa chiến đấu, không lẫn với ai, đã nghe là không thể hờ hững.

Tuyết Mai

Tuyết Mai, tên thật là Bùi Thị Thái, người đảo Cát Hải - miền đông bắc Tổ quốc. Chị sớm tham gia cách mạng ngay từ những ngày đầu tháng Tám lịch sử, và khi Đài TNVN thành lập ngày 7/9/1945, Bùi Thị Thái đã có mặt trong những buổi ghi âm trực tiếp những bài hát cách mạng rực lửa, phát sóng nơi Đài “tạm trú” ở một ngôi nhà trên đường Phạm Ngũ Lão - Hà Nội.

Những giọng đọc đi cùng năm tháng
PTV Tuyết Mai (trái) và Việt Khoa trong phòng thu (Ảnh tư liệu)

Hòa bình lập lại trên miền Bắc, Đài TNVN từ chiến khu trở về đóng đô ở 58 phố Quán Sứ, Hà Nội. Cảm nhận tài năng không phát triển bằng con đường ca hát, Bùi Thị Thái xin chuyển sang làm phát thanh viên. Và từ mùa xuân 1958, giọng đọc Tuyết Mai xuất hiện trên sóng. Ngay từ buổi đầu, người nghe đài đã cảm mến giọng nữ trung mượt mà, êm ái. Không chỉ tròn vành rõ chữ mà hết sức chuẩn mực tiếng Việt xứ Bắc, âm sắc thanh thoát đầy biểu cảm.

Giọng đọc Tuyết Mai đã làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước thời chống Mỹ, từ những buổi “Đọc truyện đêm khuya”, Tiết mục “Tiếng thơ” đến chương trình “Dành cho đồng bào ở xa Tổ quốc” phát trên làn sóng điện vào những buổi chiều về, đêm xuống. Từ bưng biền Đồng Tháp xa ngái, đến những cánh rừng không tên suốt dải Trường Sơn dằng dặc, các tỉnh thành miền Bắc, các miền hải đảo xa xôi, những vùng hẻo lánh... đã biết bao nhiêu người lặng nghe giọng Tuyết Mai từ chiếc máy thu thanh bán dẫn như tiếng của người bạn tâm tình, gần gũi thân thương.

Giọng đọc Tuyết Mai trên chương trình "Tiếng thơ"

Tuyết Mai là phát thanh viên Đài TNVN đầu tiên được Nhà nước phong danh hiệu NSƯT đợt I năm 1984, danh hiệu NSND năm 1993. Còn hàng triệu thính giả trong cả nước thì tôn vinh là “Giọng đọc vàng trên sóng phát thanh”.

Trần Phương

NSƯT Trần Phương tên thật là Nguyễn Bá Thế, quê Bình Đức, Long Xuyên, An Giang. Anh tham gia cách mạng khi 15 tuổi và tập kết ra Bắc năm 1954. Năm 1957 anh chính thức về đài TNVN với nghề PTV và vào Đảng năm 1977. Năm 1993, anh được Chủ tịch nước tặng danh hiệu NSƯT và một năm sau đó thì về đài PTTH Cần Thơ.

Những giọng đọc đi cùng năm tháng
NSƯT Trần Phương

Khoẻ khắn và tráng kiện, NSƯT Trần Phương quả là một giọng đọc hiếm có trong giới PTV Việt Nam. Anh đã đọc lời bình cho rất nhiều phim tài liệu trong đó có phim nổi tiếng Chiến thắng đường 9 Nam Lào dài 9 tập do điện ảnh quân đội thực hiện năm 1971.

Sau giải phóng một thời gian, Trần Phương về cơ quan thường trú đài TNVN ở TP Hồ Chí Minh. Ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, anh còn nhận nhiệm vụ đào tạo PTV cho các đài tỉnh khu vực phía Nam. Trong kháng chiến rất nhiều người miền Nam mê đài TNVN mê giọng đọc Trần Phương nhưng nào có ai biết hình dáng ông ấy ra sao đâu.

Kim Cúc


NSƯT Kim Cúc đến với nghề Phát thanh viên (PTV) vừa như một sự tình cờ mà cũng như là một định mệnh. Bà bồi hồi nhớ lại "Nhà tôi ở Nam Định, mỗi lần theo bố lên Hà Nội, đi qua Quán Sứ bố tôi đều chỉ: đây này con, đây là Đài tiếng nói Việt Nam. Ôi, cái giây phút ấy sao mà tuyệt vời thế. Lúc đó tôi đã mơ màng tự hỏi, bao giờ mình được bước chân vào đây nhỉ? Chỉ cần nhìn qua hàng rào song sắt, thấy mọi người trong đó là tôi thèm lắm, cứ ước ao một ngày nào đó được như họ".

Sau này khi lớn lên, NSƯT Kim Cúc làm tham gia đoàn văn công Lục Ngạn. Vào năm 1967, khi đang chuẩn bị tiết mục để đi phục vụ cho các chiến sĩ đường 9 Nam Lào thì NSƯT Kim Cúc được gọi đi đọc hộ tin chiến thắng cho quân đội trên phòng thu của Đài tiếng nói Việt Nam. Bà có ngờ đâu rằng, cái tin chỉ kéo dài chừng 1 phút ấy đã khiến ước mơ từ thuở nhỏ của bà thành sự thật.

NSƯT Trần Phương
NSƯT Kim Cúc khi còn trẻ...

NSƯT Trần Phương
... và hiện tại

Một ngày sau khi lên đài đọc bản tin, bà được cấp trên yêu cầu bàn giao lại công việc tại đoàn văn công và nhận nhiệm vụ mới. NSƯT Kim Cúc nhớ lại: "Lúc đó nào có biết nhiệm vụ mới là là gì đâu, có lệnh là đi thôi, không ngờ rằng mình lại được làm công việc mà mình mơ ước từ tấm bé". Kể từ đó, cứ đều đặn trong suốt một thời gian dài, bà thức dậy từ 5h sáng, lụi cụi đạp xe lên phố Quán Sứ rồi tối muộn mới về.

Đến năm 1969, NSƯT Kim Cúc chính thức gắn bó với chương trình Đọc truyện đêm khuya. Đến nay, khi đã trải qua hơn 40 năm và đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn tiếp tục cộng tác với chương trình. Một tuần hai buổi, bà vẫn đều đặn lên đài để làm cầu nối gửi những câu chuyện tới các thính giả nghe đài.

Giọng đọc NSƯT Kim Cúc trong chương trình Đọc truyện đêm khuya

40 năm gắn bó với Đọc truyện đêm khuya, NSƯT Kim Cúc đã góp phần đưa chương trình trở thành một trong những chương trình “hot” của Đài TNVN trong suốt một thời gian dài. Bà còn là người đầu tiên được vinh dự đọc bản tin chiến thắng.

Giọng đọc huyền thoại của NSƯT Kim Cúc trong chương trình Đọc truyện đêm khuya Đài TNVN cho đến nay chưa ai có thể thay thế. Có không ít thính giả gắn bó với chương trình chỉ vì muốn được nghe giọng đọc của bà. Khi bà về hưu, Đài TNVN vẫn mời bà cộng tác cho đến năm ngoái bà mới chính thức chia tay với chương trình.

Phạm Đông

Không chỉ những chiến sĩ trong quân đội mà còn rất nhiều thính giả khác của
Đài tiếng nói Việt Nam ấn tượng với giọng đọc của PTV Phạm Đông trong chương trình Chuyện kể ở đại đội. Luôn mở đầu bằng câu "Các đồng chí ạ", Phạm Đông đã mang đến hàng nghìn câu chuyện sinh động cho thính giả.

Giọng đọc PTV Phạm Đông trong chương trình Chuyện kể ở đại đội

Sở hữu chất giọng sáng, chuẩn, có âm sắc riêng biệt, Phạm Đông cùng một lúc có thể hoá thân vào giọng cô gái tuổi 18, đôi mươi e thẹn khi lần đầu được anh lính tỏ tình; tiếng anh lính trẻ dõng dạc khi nhận nhiệm vụ; tiếng của bà mế vùng cao, của già làng, của của một sĩ quan chỉ huy "hét ra lửa"; hay của một chị chanh chua đanh đá…

Những giọng đọc đi cùng năm tháng
Phát thanh viên Phạm Đông của Chuyện kể ở đại đội


Nổi tiếng với chương mục Chuyện kể ở Đại đội trên VOV, ít ai biết rằng, Phạm Đông còn làm báo, viết kịch bản phim và đóng phim. Ông cũng tham gia trong các chương trình bình luận bóng đã, thể thao của Đài truyền hình Hà Nội và là cố vấn duyệt chương trình cho đài VTC.

Kim Tiến

NSƯT Kim Tiến được mệnh danh là người phụ nữ có “giọng nói huyền thoại” đã chinh phục bao thế hệ khán, thính giả của Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Bông, năm 13 tuổi, NSƯT Kim Tiến đã theo học trường múa. Trong 5 anh em trong gia đình thì Kim Tiến là người duy nhất đi theo con đường nghệ thuật. Lợi thế về thanh và sắc nhưng khi theo đuổi nghề phát thanh viên truyền hình, Kim Tiến lại vấp phải nhiều trở ngại.

Những giọng đọc đi cùng năm tháng
NSƯT Kim Tiến ngày ấy - bây giờ

Năm 1970, khi thi tuyển PTV cho đài Tiếng nói Việt Nam Kim Tiến trượt. Rồi năm 1971, thi vào Đài truyền hình Trung ương lại trượt tiếp. Mãi năm 1975, sau khi về công tác tại đội múa của Đài truyền hình Trung ương thì giấc mơ làm PTV của NSƯT Kim Tiến mới thành hiện thực.

Ngay từ những buổi đầu lên sóng truyền hình trung ương, “khuôn trăng đầy đặn” và giọng đọc truyền cảm, cương nghị của Kim Tiến đã “ghi điểm” trong mắt khán giả cả nước. Có người từng ví von, giọng đọc của bà như tách trà sáng của người Hà Nội, là ly cà phê hấp dẫn của người Sài Gòn, thiếu thì cả ngày hôm đó chẳng còn gì ý nghĩa.

NSƯT Kim Tiến dẫn chương trình thời sự

Bà cùng lớp phát thanh viên đầu tiên của Đài THVN, đã khai phá một con đường hoàn toàn mới, chưa có trong tiền lệ, cũng không có trường lớp nào đào tạo. Vừa làm vừa nghe phản hồi từ khán giả và tự rút kinh nghiệm, tìm ra nhiều kỹ năng đọc. Bà luôn có ý thức cầu tiến, lao tâm khổ tứ để học hỏi, rèn luyện. Nghỉ hưu lâu rồi nhưng giờ công việc của bà vẫn đầy ăm ắp. Khán giả dù không gặp mặt bà, xong thường xuyên được nghe giọng bà trên các kênh của VTV, khi thuyết minh phim, lúc lại đọc phóng sự.

Có lẽ, mọi người đều nhớ đến một trong những dấu ấn của bà đối với phim truyền hình, đó là giọng thuyết minh ấm áp nhưng cũng đầy cương quyết trong bộ phim huyền thoại Tây Du Ký, bản năm 1986.

Với lớp trẻ, NSƯT Kim Tiến là tấm gương sáng về lòng yêu nghề và sự say mê sáng tạo. Bà luôn đáp ứng được yêu cầu thay đổi liên tục của công việc, tạo cho mình một phong cách riêng.

(Tổng hợp)