Nước uống dùng để... rửa chân
Thời gian gần đây, những hình ảnh người dân sống quanh khu vực Công viên bãi trước (thành phố Vũng Tàu) sử dụng trụ uống nước công cộng để vệ sinh cá nhân gây bức xúc dư luận.
Hình ảnh 2 bà mẹ cho con rửa chân bằng trụ nước uống công cộng gây bức xúc
Công viên bãi trước là nơi thường xuyên có rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nơi này tập trung khá đông dân cư, các tầng lớp lao động khác nhau nên các trụ uống nước công cộng được lắp đặt nhằm phục vụ người đến vui chơi tại các địa điểm xung quanh khu vực này. Thế nhưng, các trụ nước uống lại bị người dân đi đường dùng để rửa chân, rửa tay, thậm chí dùng nó để rửa xe,...
Theo chia sẻ của chị Phi Yến, người dân sống tại khu vực này cho biết: "Rất nhiều người sau khi tắm biển xong dùng nước để rửa chân, rửa tay, nhiều khi có người dùng nước uống tại trụ để rửa xe. Một số phụ huynh còn dùng nước để rửa sạch chân tay cho con họ. Khiến khách nước ngoài ái ngại, không dám uống".
Sau khi những hình ảnh này được đăng tải và chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng. Rất nhiều ý kiến bình luận đã được đưa ra.Thành viên Robbey cho rằng: "Đây chỉ là một trong số nhiều hình ảnh các bà mẹ rửa chân cho con ở vòi uống nước công cộng. Ý thức phụ huynh như vậy thì làm sao dạy dỗ được con cái?"
Cộng đồng mạng bày tỏ bức xúc trước ý thức của người lớn
"Hình ảnh này mình thấy nhiều không hiểu sao vẫn không giải quyết được. Quan trọng là ý thức người dân quá kém. Hiện tại có rất nhiều trụ nước phục vụ cho người dân thế mà một trong những con người như họ làm xấu đi nét văn hóa mới...", thành viên Nick J chia sẻ.
Giới trẻ và hành động "ngồi xổm" lên các di tích văn hóa
Hành vi hết sức phản cảm khi ngồi lên tượng đài Lý Thái Tổ, mộ liệt sĩ của một số người trẻ tuổi đã bị xã hội, dư luận lên án gay gắt thời gian qua.
Những bức ảnh chụp một thanh niên tạo dáng ở tượng đài Lý Thái Tổ (được
cho là đặt ở Bắc Ninh) đăng trên Facebook ngày 17/3.
Trong album chưa đặt tên, nam sinh 22 tuổi ngồi trên tượng đài (phía sau
lư hương) chụp ảnh. Thậm chí, bức ảnh đó còn được dùng làm biểu tượng
của trang cá nhân.
Hành động xấu xí của nam thanh niên khiến cộng đồng mạng tức giận.
Ở phần thông tin cá nhân, nam sinh này giới thiệu quê Bắc Ninh, là sinh viên một trường CĐ Phát thanh - Truyền hình ở Hà Nội. Bức ảnh ngồi lên tượng đài ngay khi xuất hiện trên Facebook đã bị cộng đồng chỉ trích nhiều. Trước lời khuyên "nên gỡ ảnh nếu không muốn bị ném đá", nam thanh niên do dự: "Thôi cứ kệ xem ai nói gì không đã" và "Thôi em xin các bác, ảnh để chơi thôi mà".
Sau khi nhận nhiều chỉ trích của bạn bè, bức hình chụp nam thanh niên ở tư thế ngồi, hai tay đặt lên đùi bên dưới dòng chữ Lý Thái Tổ (974 - 1082) được gỡ xuống, tên của Facebook này cũng được thay đổi.
Trước đó không lâu, cư dân mạng cũng phản đối hành động phản cảm của một bạn gái "tự tin tạo dáng trên mộ liệt sĩ để chụp ảnh". Hành vi của bạn nữ này bị đánh giá là thiếu suy nghĩ, thiếu hiểu biết, thậm chí là thiếu văn hóa trầm trọng, thể hiện mình một cách lố lăng. Không chỉ tạo sáng trên mộ liệt sỹ, thiếu nữ còn ung dung post ảnh lên mạng.
Vụ việc "thiếu nữ tạo dáng trên mộ liệt sỹ" đã khiến cư dân mạng hết sức phẫn nộ. Chỉ trong thời gian ngắn, hình ảnh cô gái với hành vi phản cảm của mình đã có mặt trên mọi diễn đàn. Hầu hết mọi người đều chỉ trích ý thức của cô gái một cách kịch liệt.
Cô gái đăng bức ảnh phản cảm bị cộng đồng mạng "ném đá"
Tuy nhiên một ngày sau khi hình ảnh phản cảm của thiếu nữ tràn lan trên mạng, một loạt ảnh khác của cô đã xuất hiện trên Facebook với lời chú thích "cô gái này đã hối lỗi".
Trong hình, cô gái cầm nắm nhang và thắp lên mộ của các liệt sĩ. Thiếu nữ còn quỳ gối, chắp tay, bày tỏ sự ân hận và hối lỗi của mình.
Sự hối lỗi của cô gái sau hành động phản cảm
Trong khoảng thời gian từ ngày 31/10 đến ngày 2/11 tại Trung tâm Hội nghị triển lãm SECC, quận 7 diễn ra sự kiện Triển lãm sản phẩm Hàn Quốc. Vào ngày đầu tiên của sự kiện (31-10-2013) đã thu hút rất nhiều khách đến tham quan và mua sắm các sản phẩm đến từ Hàn Quốc.
Để tri ân khách hàng đã dành thời gian đến tham dự, Ban tổ chức sự kiện chủ trương tặng cho mỗi khách hàng là một chiếc gối cao cấp Everon.
Người người chen lấn
Mặc dù Ban tổ chức đã dự trù các trường hợp đáng tiếc sẽ xảy ra trong suốt buổi triển lãm nên thay vì vào cổng tự do thì khách tham quan phải điền đầy đủ thông tin, sau đó nhận thẻ visitor có tên của mình mới được vào bên trong.
Ấy vậy mà, vào lúc 10g sáng, thời gian khai mạc chương trình và chính thức mở cửa Triển lãm, thay vì xếp hàng để được nhận quà tặng thì rất nhiều người đã chen lấn, xô đẩy để giành lấy phần quà về mình.
Mặc dù đứng bên trong quầy thông tin, Ban tổ chức đã thông báo là mọi người hãy bình tĩnh nhưng tình trạng hỗn loạn vẫn cứ diễn ra.
Đỉnh điểm là khi nhân viên không chịu nổi sức ép phải thẩy quà ra bên ngoài nhằm để mọi người giãn ra nhưng tình hình vẫn không chuyển biến.
Hơn thế nữa, nhiều người chèn ép nhau đến nỗi cánh cửa phụ của quầy thông tin ngã sập và quầy cũng bị lung lay.
Cũng do chen lấn nên nhiều người đã bị kẻ gian lấy mất điện thoại di động.
Trước đó, vào ngày 24/10 cũng xảy ra một cuộc "hỗn chiến" để ăn sushi miễn phí khi một cửa hàng sushi mới khai trương trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội) thông báo mở cửa tự do, mời khách ăn miễn phí. Vì thế, hàng nghìn người đã đổ về đây.
Càng gần giờ ăn, số người đến càng đông, đông đến mức tràn xuống cả lòng đường, gây tắc đường. Một số người ào lên chen lấn, xô đẩy chỉ mong giành được phần ăn cho mình. Thậm chí, một số khách sẵn sàng nhảy vào bếp lấy thức ăn trong đó, rồi đứng ăn luôn, không cần phục vụ.
Dòng người chật cứng tại nhà hàng sushi
Nhiều người lấy cả khay đồ ăn nhưng chỉ ăn một miếng rồi bỏ, trong khi nhân viên cửa hàng phải ra chợ mua gấp để phục vụ khách.
Bỏ mặc người gặp nạn để hôi của
Thấy người đi đường gặp tai nạn, bị cướp giật tiền, hàng hóa rơi đổ... nhiều người đã không ra tay cứu giúp mà còn lợi dụng lúc lộn xộn để "hôi của".
Sự việc xảy ra gần đây nhất là trường hợp anh Vũ Trường Chính (42 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM - là giám đốc chi nhánh Tổng công ty Xây dựng Miền Nam).
9h15 sáng 16/10, anh đi xe máy về hướng quận 1, mang theo 50 triệu đồng (tiền mệnh giá 500.000 đồng) bỏ vào túi quần bên phải cùng với chiếc ĐTDĐ iPhone 5, đến ngân hàng để nộp vào tài khoản.
Trong lúc anh đang chờ đèn đỏ ở giao lộ Bà Huyện Thanh Quan - Võ Văn Tần thì bất ngờ từ phía sau, anh bị 4 thanh niên thò tay móc cọc tiền. Mặc dù vậy, anh Chính vẫn cố gắng quăng xe chạy theo giằng co bọc tiền với tên cướp. Trong lúc hỗn loạn, bọc tiền rớt xuống đường bay tung tóe. Thấy vậy, nhiều người đi đường không những không giúp đỡ anh mà còn dừng lại nhặt tiền, lên xe chạy mất.
Nạn nhân chỉ gom được 30,5 triệu, còn 19,5 triệu đồng bị người đi đường lấy mất.
Anh Chính đếm số tiền còn lại sau vụ cướp giật táo tợn.
Trước đó, vào ngày 8/7, hàng chục người dân sống dọc Quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư, Ninh Bình) đã kéo nhau ra múc xăng mang về khi thấy chiếc xe container chở hàng chục ống bê tông và xăng dầu gặp nạn lật ngửa giữa đường. Sự việc khiến giao thông bị ùn tắc cục bộ hàng tiếng đồng hồ.
Sự việc tương tự xảy ra vào chiều ngày 15/3, tại vòng xoay ngã 3 Vũng Tàu, TP.Biên Hòa (Đồng Nai), một chiếc xe tải chở nhớt không may bị lật. Ngay lật tức, hàng chục người đã cầm can nhựa đổ ra hiện trường xe tải lật để 'hôi của' dẫn đến tình trạng kẹt xe làm nhiều người đi đường bức xúc.
Những vụ việc nói trên đã gây xôn xao trong dư luận. Hành động xấu xí của người Việt ở nơi công cộng khi vì lợi ích riêng mà phớt lờ người xung quanh có thể xem là thiếu văn hóa và rất đáng xấu hổ.