Tự kỷ là tình trạng rối loạn hành vi thần kinh phức tạp gồm những suy giảm về tương tác xã hội, ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp, đi kèm với đó là những hành vi cứng nhắc, mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại. Do được biểu hiện bằng nhiều triệu chứng nên tình trạng này hiện nay được gọi là "Rối loạn phổ tự kỷ" (Autism Spectrum Disorder – ASD).

Nhiều người nhầm lẫn chứng tự kỷ với các bệnh khác

Những hiểu lầm tai hại về hội chứng tự kỷ - Ảnh 1.

Chứng tự kỷ hay bị nhầm lẫn với bệnh tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí khôn... (Ảnh minh họa).

Ngày càng có nhiều trẻ em mắc hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào khẳng định trẻ tự kỷ là do bị bố mẹ thiếu quan tâm, vì xem ipad, TV nhiều, không được giao tiếp với bên ngoài… Đây là suy nghĩ phổ biến của rất nhiều người về chứng tự kỷ. Và chính bởi suy nghĩ này mà vô hình chung nhiều bố mẹ có con tự kỷ dằn vặt lương tâm, đổ lỗi cho chính mình…

TS Ngô Thanh Hồi, nguyên giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: Phần lớn các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, thậm chí cả bác sĩ hay nhầm lẫn biểu hiện hội chứng tự kỷ với các bệnh khác như tăng động giảm chú ý, điếc bẩm sinh, động kinh, chậm phát triển trí khôn, bại não… Nhiều người cứ thấy con có biểu hiện bất thường về thần kinh thì cha mẹ trẻ phỏng đoán con tự kỷ.

Các khảo sát đã chỉ ra tự kỷ xuất hiện ở bé trai nhiều gấp 4 lần so với bé gái. Việc mắc phải hội chứng này không phụ thuộc vào chủng tộc, sắc tộc hay tôn giáo. Bên cạnh đó, thu nhập gia đình, lối sống hoặc trình độ học vấn không ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh của trẻ.

Tiến sĩ Eric Fombonne, làm việc tại Đại học Y khoa Oregon (Mỹ), người đã có nhiều năm nghiên cứu về rối loạn phổ tự kỷ, cũng khẳng định "không có phương pháp cụ thể nào để xác định một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ như khám để phát hiện loại bệnh nào đó nhờ thử máu, nước tiểu... mà thường phải theo dõi thông qua các hành vi giao tiếp và xã hội khác nhau". Ông Fombonne nói rằng sự rối loạn sẽ phát triển dần dần và thường không thể phát hiện trước 18 tháng tuổi.

Bên cạnh đó, ông Fombonne khẳng định: "Không có hai đứa trẻ nào bị chứng tự kỷ giống nhau cả. Tức là mỗi đứa trẻ mắc chứng tự kỷ ở mức độ, tình trạng khác nhau. Chính điều này tạo ra những thách thức trong nghiên cứu và chẩn đoán".

Những hiểu lầm tai hại về hội chứng tự kỷ - Ảnh 2.

Không có hai đứa trẻ nào bị chứng tự kỷ giống nhau (Ảnh minh họa).

Một số hiểu lầm phổ biến về hội chứng tự kỷ

1. Người mắc chứng tự kỷ không thích có bạn bè

Sự thật: Nếu trong một lớp học có trẻ bị tự kỷ, đứa trẻ đó sẽ có vẻ nhút nhát và không thân thiện với các bạn xung quanh. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người lớn có thể kết luận đứa trẻ đó không muốn kết bạn với bất kỳ ai. Bởi như chúng ta đã biết, trẻ mắc chứng tự kỷ kém phát triển về kỹ năng xã hội nên mới gặp khó khăn trong việc tương tác với bạn bè, diễn đạt điều chúng muốn như bạn bè cùng trang lứa.

2. Người mắc chứng tự kỷ không thể cảm nhận hay thể hiện bất kỳ cảm xúc như vui, buồn, hạnh phúc

Sự thật: Tự kỷ không khiến một đứa trẻ mất đi những cảm xúc mà người bình thường vẫn có, chỉ là họ sẽ truyền đạt cảm xúc theo những cách khác.

Những hiểu lầm tai hại về hội chứng tự kỷ - Ảnh 3.

Nhiều người mắc bệnh tự kỷ thậm chí còn có chỉ số IQ cao và có năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực toán, âm nhạc hoặc hội họa… (Ảnh minh họa).

3. Người mắc chứng tự kỷ không thể hiểu được cảm xúc của người khác

Sự thật: Người mắc chứng tự kỷ gặp khó khăn trong việc hiểu những "cảm xúc ngầm", tức là họ sẽ không thể nhận ra bạn đang buồn thông qua ngôn ngữ cơ thể hoặc giọng điệu lời nói của bạn. Tuy nhiên, nếu cảm xúc được truyền đạt trực tiếp hơn, họ thậm chí còn thấu cảm hơn những người bình thường.

4. Người mắc chứng tự kỷ sẽ khiếm khuyết về trí tuệ

Sự thật: Bên cạnh những hạn chế, chứng tự kỷ còn đi kèm với những khả năng đặc biệt. Nhiều người mắc bệnh tự kỷ thậm chí còn có chỉ số IQ cao và có năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực toán, âm nhạc hoặc hội họa…

5. Những dấu hiệu như hành động "kì quặc" bộc lộ ở người tự kỷ khi còn nhỏ sẽ chấm dứt khi họ lớn lên

Sự thật: Tự kỷ xuất phát từ những yếu tố sinh học ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, và đối với nhiều người đó là tình trạng kéo dài suốt đời.

Những hiểu lầm tai hại về hội chứng tự kỷ - Ảnh 4.

Nếu được can thiệt sớm, có thể cải thiện tình trạng tự kỷ (Ảnh minh họa).

6. Người mắc chứng tự kỷ thì sẽ tự kỷ mãi mãi

Sự thật: Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nếu phát hiện sớm, kịp thời, và có sự can thiệp sớm thì tình trạng có thể được cải thiện.

7. Tự kỷ là một dạng rối loạn từ não bộ

Sự thật: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều người mắc chứng tự kỷ cũng có rối loạn đường ruột, dạ dày nhạy cảm và dị ứng thực phẩm.

8. Tự kỷ là do cách bố mẹ nuôi dạy con không tốt

Sự thật: Vào những năm 1950, một lý thuyết được gọi là "bà mẹ tủ lạnh" với lập luận rằng chứng tự kỷ của con là do người mẹ thiếu sự ấm áp. Điều này từ lâu đã được các nghiên cứu bác bỏ.