Người xưa có câu: "Gái chửa cửa mả". Việc mang thai có ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Chính vì vậy mẹ bầu rất thận trọng về việc ăn uống, sinh hoạt. Có hàng trăm quan niệm về những điều cần kiêng kỵ khi mang thai. Tuy nhiên không phải cái nào cũng đúng. Dưới đây là 1 vài những lời đồn thổi sai lầm và phản khoa học, mẹ bầu cần hiểu đúng nhé!
1. Mẹ bầu ăn ốc, con bị chảy dãi
Mẹ bầu ăn ốc con bị chảy dãi là quan niệm dân gian rất phổ biến, tuy nhiên theo các nhà khoa học, đây là điều sai hoàn toàn. Việc phụ nữ mang thai hạn chế ăn ốc là để giảm nguy cơ nhiễm giun sán, gây nguy hiểm cho bé chứ không liên quan đến nhỏ dãi.
Trong ốc có chứa nhiều loại sinh tố như B2, PP, A... và các chất đạm, mỡ, cacbon hydrat, sắt, canxi... Chính vì vậy, đây là nguồn cung cấp chất đạm và canxi rất tốt cho bà mẹ mang thai. Tuy nhiên, do ốc sống dưới ao hồ nên cũng có rất nhiều loại ký sinh trùng. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, trước khi ăn ốc, mẹ bầu cần ngâm kỹ và rửa sạch để loại bỏ các vật ký sinh gây hại có trong ốc.
2. Quan niệm sai lầm ăn thịt thỏ, trẻ bị sứt môi
Dân gian lưu truyền rằng, phụ nữ mang thai không nên ăn thịt thỏ vì thỏ có môi trên bị hở, con cái sinh ra sẽ bị sứt môi. Quan niệm dân gian này hoàn toàn không đúng, nguyên nhân bị sứt môi là do rối loạn sinh học hoặc do dùng thuốc khi mang thai chứ không liên quan đến việc ăn thịt thỏ.
Thịt thỏ là thực phẩm phổ biến được người dân nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng, nhất là ở các nước châu Âu, châu Mỹ. Đây là loại thực phẩm rất mềm, thơm, có vị ngọt. So với thịt gà, thịt bò thì thịt thỏ có giá trị dinh dưỡng cao hơn 1 bậc.
Thịt thỏ giàu omega-3 (có thể cao gấp 3 lần so với các loại thịt khác), không có cholesterol. Bên cạnh đó, các nhóm vitamin B dồi dào (B1, B2, B6, B12) có trong nó sẽ bảo vệ hệ thần kinh và giúp cơ bắp phát triển tốt, có lợi cho quá trình tái tạo tế bào. Ngoài ra, thịt thỏ còn chứa nhiều chất lecithin, có tác dụng bảo vệ mạch máu, phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch. Thực phẩm này rất ít chất béo, lại có một tỷ lệ phần trăm cao các loại protein dễ tiêu hóa, ít collagen nên rất mềm, thích hợp cho những ai muốn giảm cân, người mới ốm dậy, cao huyết áp… Bà bầu ăn thịt thỏ rất tốt cho mẹ và thai nhi.
3. Mẹ ăn thịt lươn, con có mắt ti hí
Nhiều người quan niệm rằng, khi mẹ mang thai mà ăn thịt lươn, con sinh ra sẽ có đôi mắt bé, ti hí. Bởi dân gian có câu: "Ti hí mắt lươn". Đây cũng là 1 quan niệm sai lầm cần bác bỏ.
Bà bầu ăn thịt lươn có thể nhận được nhiều lợi ích về sức khỏe vì thịt lươn rất giàu chất đạm, vitamin A và vitamin B12 giúp giảm nguy cơ sinh non, bé sinh nhẹ cân và các dị tật ống thần kinh. Tuy nhiên, do lươn sống ở môi trường bùn lầy, mang nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng nên mẹ cần chế biến cẩn thận để giảm nguy cơ nhiễm trùng dạ dày, nhiễm ký sinh trùng hay ngộ độc thực phẩm.
4. Ăn nho, con bị lồi mắt
Đây lại thêm 1 quan niệm sai lầm nữa. Ăn nho không những không có hại cho mắt mà còn rất bổ dưỡng. Nho khô giúp mẹ bầu giảm nghén. Ngoài ra nho khô còn giàu chất xơ, giúp mẹ bầu dễ tiêu hóa. Nho khô giàu sắt. Đây là chất cực kỳ quan trọng đối với phụ nữ mang thai vì giúp điều hòa lưu thông máu, đảm bảo tế bào máu mang oxy nuôi dưỡng các cơ quan quan trọng như phổi, tim. Đối với phụ nữ mang thai, canxi cực kỳ quan trọng. Nhu cầu canxi tăng lên trong thai kỳ nhằm đảm bảo sự phát triển xương với tốc độ phù hợp của thai nhi, duy trì mật độ xương của trẻ ở mức bình thường, nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của người mẹ. Vì vậy, bà bầu ăn nho khô góp phần bổ sung canxi cho cơ thể và cho thai nhi.
Tương tự như nho khô, nho tươi cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho mẹ bầu. Nho tươi cung cấp nước, chất xơ, giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C, Axit folic và giải độc cho cơ thể.
5. Ăn thực phẩm cay thì con sinh ra sẽ có môi đỏ
Không có cơ sở khoa học nào chứng minh ăn cay khi mang thai, con sinh ra có môi đỏ là đúng. Thực chất, mẹ vẫn có thể ăn các món ăn cay và món ăn chứa nhiều gia vị.
Tuy các loại gia vị này không gây hại cho bé nhưng mẹ vẫn nên tránh ăn quá nhiều vì có thể gây ra chứng ợ nóng khi mang thai, các bệnh về tiêu hóa và khiến cho tình trạng ốm nghén trở nên nặng hơn.
6. Ăn mặn hoặc chua thì bé sẽ có tính tình chanh chua
Tin đồn này không có bằng chứng khoa học. Tuy nhiên mẹ bầu vẫn được khuyên không nên ăn quá mặn hoặc quá chua. Vào giai đoạn đầu của thai kỳ, mẹ ăn nhiều thức ăn chua thì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển và tăng trưởng của bào thai. Trong khi đó, nếu ăn quá mặn, mẹ sẽ dễ bị tăng huyết áp khi mang thai.
7. Càng ăn nhiều trứng, con càng thông minh
Ăn trứng ngỗng khi mang thai con sẽ thông minh, học giỏi. Ăn 3-5 quả trứng gà 1 ngày bé sẽ có chỉ số IQ vượt trội. Đây đều là những "niềm tin" không đúng. Trứng có nhiều vitamin D, A, B12, B6, B2, Canxi, Photpho và đặc biệt là Omega 3... tuy rất tốt cho sức khỏe nhưng lại chứa hàm lượng cholesterol cao. Đây là nguyên nhân gây mỡ máu, xơ vữa động mạch... Hơn nữa, trứng thường gây khó tiêu do có quá nhiều dưỡng chất và protein. Bà bầu ăn trứng quá nhiều sẽ sinh ra các chất độc như phenyl hydrad, amine...