Bất cứ đơn vị doanh nghiệp hoặc môi trường văn phòng nào, những người sếp giỏi nhất luôn có tố chất lãnh đạo để giúp tương tác và kết nối với nhân viên của mình.

Steve Jobs - CEO Apple Inc, trong tư duy quản trị của mình, ông từng nói: "Người quản lý là người thuyết phục mọi người làm những việc họ không muốn làm, trong khi người lãnh đạo truyền cảm hứng cho mọi người làm những việc họ không bao giờ nghĩ rằng họ có thể."

Những kỹ năng nhất định phải có để trở thành người sếp tuyệt vời trong mắt nhân viên - Ảnh 1.

Mỗi người sếp có cách dẫn dắt khác nhau, nhưng không thể phủ nhận rằng người lãnh đạo có ảnh hưởng rất lớn đến nhân viên của mình dựa trên kinh nghiệm và sự hiểu biết của họ.

Năng lực và trải nghiệm của nhân viên mỗi người khác nhau. Bởi vậy, để tận lực cống hiến và phát triển, họ không ngừng tìm đến người sếp của mình để được hướng dẫn và tư vấn.

Dưới đây là những tố chất và kỹ năng để nhận biết được một người sếp tuyệt vời, xứng đáng để nhân viên gắn bó và cống hiến.

Khả năng giao tiếp

Là một người lãnh đạo, biết cách đưa ra vấn đề và kết nối mọi người lại bằng ngôn ngữ là một nhiệm vụ cần thiết. Đơn giản và quan trọng nhất trong khả năng giao tiếp của một người sếp có tâm là khả năng lắng nghe nhân viên.

Giao tiếp qua ánh mắt, thể hiện sự chân thành khi chăm chú lắng nghe và thấu hiểu nhân viên sẽ giúp người lãnh đạo nhận về được vô vàn lợi ích: những suy nghĩ đóng góp cải thiện vấn đề, nhiều góc nhìn từ cấp dưới - đó chính là những mắt xích để vận hành một tập thể hoạt động hiệu quả và có hệ thống.

Những kỹ năng nhất định phải có để trở thành người sếp tuyệt vời trong mắt nhân viên - Ảnh 2.

Sự chính trực

Một nhà lãnh đạo thành công khi họ tuân theo lời nói, sống theo giá trị cốt lõi của họ và dẫn dắt mọi người bằng trải nghiệm thực tiễn. Những điều giản dị diễn ra tại văn phòng đủ để kiểm chứng được sự liêm chính của người sếp lý tưởng.

Xin lỗi khi mắc sai lầm

Đừng cho rằng mình là cấp trên thì tỏ ra không có gì khi mắc lỗi. Khi sếp sai lầm, biết xin lỗi với nhân viên của mình là chiêu "đắc nhân tâm" vô cùng đơn giản, hữu dụng. Nhân viên sẽ cảm thấy mình được tôn trọng và có quyền bình đẳng.

Làm nổi bật sự cố gắng của nhân viên

Nhân viên khi được động viên, khen ngợi, họ cảm thấy nỗ lực của mình là đúng đắn và càng muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho người sếp và tinh thần công việc chung ngày càng cao.

Trách nhiệm

Một người quản lý giỏi không phải là một người hay đổ lỗi, không ngụy biện. Họ chịu trách nhiệm về đội nhóm của mình khi có sai sót xảy ra. Điều này giúp họ rèn luyện được tinh thần trách nhiệm trong đối nhân xử thế nơi văn phòng.

Những kỹ năng nhất định phải có để trở thành người sếp tuyệt vời trong mắt nhân viên - Ảnh 3.

Đồng cảm

Đồng cảm là sự thấu hiểu.

Một người sếp giỏi là người tạo được sợi dây kết nối với nhân viên. Hiểu được động lực, khát vọng của cấp dưới giúp người sếp biết cách sử dụng nhân viên đó vào vị trí nào, làm cách nào để khai thác được tối đa năng lực của người đó.

Đồng thời, điều đó giúp cấp trên đưa ra những phán đoán trong công việc hiệu quả, cải thiện các chiến lược làm việc, truyền cảm hứng cho sự nỗ lực cống hiến giữa các team với nhau. Ngoài ra, thấu hiểu được nhân viên còn giúp sếp tăng được tính sáng tạo của tất cả mọi người.

Sau tất cả, điều quan trọng trong giao tiếp chính là hiểu người khác.

Khiêm tốn

Một người lãnh đạo tuyệt vời sẽ tập trung vào việc phát triển công việc và kĩ năng của cả nhóm thay vì quảng cáo về năng lực, bằng cấp cùng chức danh của mình.

Tỏ ra khiêm tốn và hòa đồng với nhân viên ở mức độ vừa đủ sẽ không tạo cho nhân viên quá nhiều căng thẳng và xa cách.

Tinh thần lạc quan và tích cực

Sự hóm hỉnh và hài hước của sếp có tác dụng nhất là lúc họ xắn tay lên để giải quyết bế tắc. Thái độ tích cực và lạc quan dẫn dắt nhân viên của mình đi qua mọi khó khăn giúp tinh thần đoàn kết tăng cao.

Khả năng bình tĩnh, lạc quan, không chùn bước luôn song hành cùng kinh nghiệm của người làm sếp.

Các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng cho nhân viên của họ không dựa trên mục tiêu kết quả, mà dựa trên hành động thực tế, quan điểm sống và thái độ của họ trong bất kỳ tình huống nào.

Những kỹ năng nhất định phải có để trở thành người sếp tuyệt vời trong mắt nhân viên - Ảnh 4.

Đã có tâm, cần phải có thêm tầm nhìn

Người sếp tiên phong dẫn dắt đội nhóm của mình phải luôn là người chủ động có tầm nhìn, đưa ra con đường phát triển của dự án.

Định hướng và ra quyết định là chìa khóa giúp những ý tưởng mới được thực thi. Giúp nhân viên hiểu rõ được nhiệm vụ và mục tiêu của mình cũng là cách thể hiện năng lực quản lý và thuyết phục của lãnh đạo.

Truyền cảm hứng cho sự nhiệt tình và nỗ lực cố gắng của nhân viên, giúp mọi người nhìn ra được bức tranh toàn cảnh của vấn đề và những thách thức bản thân mỗi người nhân viên phải vượt qua là một yếu tố chứng tỏ năng lực của người lãnh đạo.

Muốn công việc đạt được hiệu quả cao, người làm sếp sẽ luôn có ý thức tự giác nói rõ những điều mình cần, làm việc hướng tới một mục tiêu chung, tôn trọng các ý kiến của nhân viên để tìm ra được phương án tốt.

Một người sếp có năng lực không phải là người làm nhiều nhất, mà sẽ là người nhìn ra được năng lực của nhân viên giỏi nhất. Thành công của một tập thể không dựa vào một người, nó nhờ vào sự nỗ lực của tất cả mọi người.

Bí mật của tự tin

Khi người sếp có năng lực chịu trách nhiệm, điều đó đồng nghĩa với việc người đó phải đủ tự tin, hiểu rằng kế hoạch và tầm nhìn của mình là quyết định tốt nhất có thể cho cả nhóm.

Lãnh đạo càng tin vào chính mình, càng có khả năng quản lý mọi tình huống căng thẳng. Sếp "xịn" không chỉ là người đưa ra vấn đề, mà còn đưa ra giải pháp riêng của mình một cách thuyết phục.