Y tế dự phòng: việc của những người có “thần kinh thép”

Y tế dự phòng là một mảng hoạt động tương đương với bác sỹ điều trị làm tại các bệnh viện, nhưng phức tạp hơn. Nếu như các bác sỹ điều trị chữa khỏi bệnh cho từng cá thể thì các bác sỹ y tế dự phòng phải đảm nhiệm công tác phòng chống dịch bệnh cho cả cộng đồng. 

Công việc của người làm dự phòng cũng “lỉnh kỉnh” hơn như giám sát, tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình các loại dịch bệnh truyền nhiễm, làm công tác phòng dịch tại cộng đồng; khi có dịch thì trực tiếp triển khai các biện pháp chống dịch, khống chế nhanh nhất, giảm thiểu số người mắc nhất; rồi làm công tác tuyên truyền y tế, sức khỏe cộng đồng, tiêm chủng…

Đó là công việc không chỉ vất vả mà còn cực kỳ nguy hiểm bởi thường xuyên phải tiếp xúc với những bệnh truyền nhiễm. Khi nhận được thông tin về một dịch bệnh mới phát sinh hoặc tái phát sinh, họ lập tức phải lao đến để tìm rõ căn nguyên, điều tra dịch tễ học và hỗ trợ các cơ quan khác thực hiện những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để bệnh dịch lây lan ra cộng đồng.

Những kỷ niệm khó quên của nữ bác sỹ xinh đẹp có "thần kinh thép" 1
Bác sỹ Hồng thăm khám cho các bệnh nhi ngoại ô.

Ai cũng hiểu nghề y vất vả, nhưng nghe những câu chuyện nữ bác sỹ trẻ Nguyễn Thị Minh Hồng (Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, 70 Nguyễn Chí Thanh) kể về các bác sỹ làm công tác y tế dự phòng mới hiểu, dường như họ còn vất vả hơn những đồng nghiệp của mình. Với phụ nữ, sự khó khăn và thách thức của nghề này lại như được nhân thêm bội lần.

Chị chia sẻ: “Áp lực công việc của cán bộ y tế dự phòng rất nặng nề, nhưng cũng có chút thiệt thòi, trước hết bởi họ không thể đong đếm được hiệu quả công việc”. Nhưng đáng sợ hơn là hằng ngày tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm, ngoài việc nguy hiểm cho mình, nếu không cẩn thận, bác sỹ y tế dự phòng còn có thể đem mầm bệnh đó về nhà cho chính gia đình mình nữa. “Công việc của chúng tôi, ngoài việc phải có “thần kinh thép” và sự dũng cảm thì phải có niềm đam mê với nghề nữa mới làm nổi” - bác sỹ Hồng quả quyết.

Chị kể mình đã từng đi công tác tại tất cả các quận, huyện của Hà Nội, từ Ba Vì đến Mê Linh, Sóc Sơn… Mỗi lần chiến đấu với dịch bệnh là một lần hãi hùng. “Nhớ lại năm 2011, có một ổ dịch sốt xuất huyết ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình. Vừa nhận được thông báo, chúng tôi lập tức xuống địa bàn điều tra. Cả khu phố ấy, hầu như nhà nào cũng có người bị sốt xuất huyết, có những nhà cả gia đình nhập viện. Đoàn chúng tôi phải chia nhau đi “săn” muỗi, cuối cùng phát hiện ra một tòa nhà đang thi công có rất nhiều muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Dai dẳng hai tháng trời cùng phối hợp với các ban ngành và cộng đồng mới dập dịch. Lúc đó mới có thể thở phào”. 

Ngay chuyện đơn giản như tiêm chủng là phòng bệnh chủ động, vậy mà không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nhiều gia đình vẫn coi nhẹ hoặc sợ chuyện cho trẻ đi tiêm phòng, chúng tôi phải luôn cố gắng phân tích, giúp gia đình đưa ra quyết định tốt nhất cho con trẻ” - Chị nói thêm.

Từng bị người dân… xua chó đuổi vẫn say nghề

Bác sỹ Nguyễn Thị Minh Hồng đã gắn bó với nghề y tế dự phòng được ba năm. Chị hóm hỉnh bảo, mình say nghề bởi nhiều lý do, mà có lẽ đầu tiên là vì… hiếu thắng. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề y, ba đời làm nghề bác sỹ và đều làm việc tại các bệnh viện lớn, chị nối nghiệp gia đình một cách rất tự nhiên. Vậy mà, ngày đầu tiên đi làm, chị vẫn sốc.

 “Tôi rất bỡ ngỡ vì công việc ở đây khác hoàn toàn với những gì tôi được học trong trường. Tôi được đào tạo để trở thành một bác sỹ điều trị, còn y học dự phòng là một mảng riêng rất khác biệt. Tôi gần như không hiểu gì về công việc và hoàn toàn bị sốc khi bước chân vào một môi trường xa lạ với cường độ làm việc lớn, vì phải gánh vác việc phòng bệnh cho cộng đồng 8 triệu dân của thành phố Hà Nội" - Minh Hồng nói.

Những kỷ niệm khó quên của nữ bác sỹ xinh đẹp có "thần kinh thép" 2
"Nghề y là nghề của những người có "thần kinh thép", dũng cảm, kiên trì và đam mê".

Tính tôi hiếu thắng (cười), nên sốc thì sốc vậy, rồi tự nhủ, mình phải cố gắng làm thật tốt, chưa biết thì cố mà học, không được để người ta chê cười. Hơn nữa, tôi cũng không muốn làm gia đình mình xấu hổ khi có một cô bác sỹ không làm được việc. Trước mặt mình có rất nhiều tấm gương và mình phải nỗ lực. Thú thực, phải luôn cố gắng để xứng đáng với truyền thống gia đình lắm lúc cũng nhiều áp lực!”. Cái sự “hiếu thắng” và “sĩ diện”, như cách chị nói, đã thôi thúc chị học hỏi các đồng nghiệp, mượn tài liệu của họ, lắng nghe kinh nghiệm của họ. Rồi càng đọc, càng hiểu, chị lại càng yêu, rồi bỗng thấy say nghề từ lúc nào không biết.

Cười buồn, chị tiếp: “Công việc của chúng tôi lặng lẽ, âm thầm giống như gieo thóc giống vậy, không phải ai cũng biết đến mình. Điều khổ nhất của cán bộ y tế là khi người dân không hợp tác. Có những ngày đi điều tra bệnh dịch, đến nhà dân người ta còn tưởng tôi là tiếp thị nên ra sức xua đuổi. Thậm chí, có nhà còn xua chó ra cắn nữa cơ”.

Những kỷ niệm khó quên của nữ bác sỹ xinh đẹp có "thần kinh thép" 3
Đã từng bị người dân ... xua chó ra cắn, nữ bác sỹ trẻ vẫn kiên định một niềm yêu nghề. 

Chị tâm sự, đã có nhiều người, kể cả những người thân trong gia đình từng khuyên chị xin vào làm bác sỹ điều trị trong một bệnh viện nào đó cho… nhàn thân, nhưng vì lỡ yêu nghề dự phòng, chị không nỡ bỏ công việc đầy vất vả này. 

Khi được hỏi, nếu bạn trai hay chồng yêu cầu bỏ nghề, bác sỹ Hồng thẳng thắn: “Ai cũng có một niềm đam mê riêng. Tôi rất yêu công việc của mình. Gắn bó với nghề y từ lúc còn là sinh viên đến bây giờ đã gần 10 năm, tôi cảm thấy càng ngày càng yêu nghề, yêu công việc của mình hơn. Tôi cảm thấy tự hào vì được khoác lên mình áo blu trắng, hạnh phúc vì mình đóng góp một chút công sức cho cộng đồng. Nếu yêu tôi thực lòng, người đó sẽ hiểu và ủng hộ sự nghiệp của tôi”.

Tuy vậy, nữ bác sỹ cũng “bật mí”, chị không muốn kết hôn với người cùng nghề, vì nghề y vốn khắc nghiệt về thời gian, nếu lấy chồng cùng nghề, thời gian hai người dành cho nhau và cho gia đình sẽ bị thu hẹp lại.