Còn nhớ ở cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015, Hoa hậu Phạm Hương giới thiệu bản thân là "Giảng viên ngành Marketing thời trang tại Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch TP.HCM" đã khiến không ít khán giả trầm trồ. Không chỉ vậy, trình độ ngoại ngữ của mỹ nhân đất Cảng cũng được đánh giá cao. Tại Miss Universe 2015, Phạm Hương thường xuyên thể hiện khả năng nói tiếng Anh của mình khi trò chuyện khá lưu loát với những người đẹp khác làm người hâm mộ ở quê nhà nức lòng. 

Cuối năm 2018, Phạm Hương sang Mỹ, tưởng rằng khoảng thời gian sống ở xứ cờ hoa sẽ khiến trình độ tiếng Anh của cô ngày càng lưu loát hơn. Nhưng không, suốt thời gian qua, hàng loạt những ồn ào liên quan đến việc bị soi chính tả, nghi vấn sử dụng Google dịch, thậm chí là đạo văn đã khiến người hâm mộ Phạm Hương đi từ thất vọng này sang thất vọng khác.

Có lẽ bị "bóc phốt" quá nhiều nên gần đây, Phạm Hương đã hạn chế viết status, chú thích bằng tiếng Anh, thay vào đó cô dùng tiếng Việt cho gần gũi, đỡ phải tra Google mà cũng không lo bị sai chính tả. Thế nhưng hỡi ôi, dù là dùng tiếng mẹ đẻ thì Phạm Hương vẫn tiếp tục khiến các "thánh soi" không thể ngồi yên. 

Nào, cùng xem lại hành trình sai chính tả từ tiếng Anh cho đến tiếng Việt của người từng được gọi là "Hoa hậu quốc dân" nhé!

Mới đây, Phạm Hương quyết định thôi "sính ngoại" và quay về với tiếng mẹ đẻ cho dân giã. Mới đây, cựu Hoa hậu đăng tải hình ảnh con trai Maximus đang giúp mẹ quét nhà. Khổ nỗi dù là viết caption bằng tiếng Việt thì cô cũng vẫn sai. Người đẹp đã nhầm từ "quét" thành "quyét" và sử dụng nó đến 3 lần. Dân mạng lại được phen kêu trời vì trình độ của Hoa hậu quốc dân. Tiếng Anh không được, tiếng Việt cũng không xong thế này thì phải làm sao bây giờ Phạm Hương ơi? À, tạm thời Phạm Hương đã chuyển Instagram sang chế độ riêng tư rồi, nhanh quá!

Những lần sai chính tả, đạo văn muối mặt của Phạm Hương: Tiếng Anh không được, tiếng Việt cũng không xong thì phải làm sao bây giờ? - Ảnh 1.

Kể từ khi sang Mỹ, Phạm Hương thường xuyên hào hứng khoe cuộc sống của mình ở trời Tây và đây là một lần cô nói về một ngày bận rộn với việc trồng cây và hoa trong khu vườn xinh đẹp nhà mình. Hẳn là viết cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt cho nó "sang", nào ngờ màn "bắn" tiếng Anh bằng chữ này nhanh chóng bị soi ra là sản phẩm của Google dịch.

Những lần sai chính tả, đạo văn muối mặt của Phạm Hương: Tiếng Anh không được, tiếng Việt cũng không xong thì phải làm sao bây giờ? - Ảnh 2.

Trong một lần khác, Phạm Hương khoe bức ảnh sải bước đầy sang chảnh trên đường phố nước Mỹ kèm dòng chú thích bằng tiếng Anh: "Business women after office hour" (Tạm dịch: Nữ doanh nhân sau giờ làm việc). Lần này Phạm Hương bị dân mạng bắt bẻ vì sử dụng sai ngữ pháp. Theo nhiều ý kiến của cư dân mạng, trong tiếng Anh không sử dụng cấu trúc "after office", nếu để diễn đạt câu nói theo ý của Phạm Hương thì cô nên dùng cụm từ "after working hours" mới đúng.

Nếu Phạm Hương dùng Google translate hay sai ngữ pháp, fan vẫn có thể thông cảm được nhưng người đẹp này còn sẵn sàng đạo văn nữa thì quả thực netizen khó lòng chấp nhận. Cụ thể vào dịp Giáng sinh năm ngoái, Phạm Hương bất ngờ đăng tải bức ảnh con trai của mình lên Instagram kèm theo những lời đong đầy yêu thương, ngọt ngào dành cho cậu bé. Lần này cô không sai ngữ pháp, cũng không dùng Google translate nữa nhưng đừng khen vội vì netizen đã tinh ý phát hiện caption của Phạm Hương giống hệt của nữ người mẫu nổi tiếng Candices Swanepoel cũng viết cho con trai trước đó 6 tháng. Có lẽ quá muối mặt vì bị "bóc phốt" nên bài viết của Phạm Hương sau đó đã "bốc hơi" như chưa từng xuất hiện.