Nghỉ Tết cũng là dịp nhu cầu đi lại của các gia đình tăng cao, nếu không về quê thì sẽ đi du lịch, đi chúc Tết, đi chơi... Việc di chuyển nhiều, cùng với sự thay đổi môi trường sống, chế độ sinh hoạt, ăn uống... rất dễ khiến trẻ bị mắc phải một số bệnh thường gặp như bệnh tiêu hóa, bệnh đường hô hấp trong kì nghỉ dài này. Đây là lý do bên cạnh việc chuẩn bị quần áo, đồ dùng cần thiết cho trẻ khi đi lại, bố mẹ cũng cần "bỏ túi" một số loại thuốc cho bé thiết yếu phòng khi trẻ đổ bệnh.
Nước muối sinh lý
Để trẻ tránh mắc phải các bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp và giúp giữ vệ sinh cho trẻ, nên thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý vào mắt, mũi trẻ hàng ngày cũng như mỗi khi ra ngoài về.
Thuốc hạ sốt
Trẻ có thể sốt bất thình lình và nếu không có thuốc hạ sốt ngay bên cạnh, bố mẹ sẽ khó có thể đi mua thuốc cho trẻ giữa đêm, đang trên tàu xe hoặc đúng ngày mùng 1 Tết. Các loại thuốc hạ sốt an toàn cho bé như Paracetamol, dạng bột hoặc siro... cần được chuẩn bị sẵn trong nhà và mang theo khi đưa bé về quê ăn Tết. Bên cạnh đó, để đề phòng bé bị nôn ói khi uống thuốc, các bậc phụ huynh nên chuẩn bị thêm loại thuốc hạ sốt dùng qua đường hậu môn.
Có một điều lưu ý là khi mua thuốc hạ sốt, bố mẹ phải chú ý đến cân nặng của bé và đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, tuyệt đối không dùng quá liều.
Cặp nhiệt độ
Thân nhiệt trẻ nhỏ thường không ổn định nên một chiếc cặp nhiệt độ mang theo trong các hành trình cho bé di chuyển cũng là vật dụng thiết yếu nên chuẩn bị. Loại cặp nhiệt độ điện tử (đo tai hoặc đo trán) sẽ là sự lựa chọn tiện ích nhất vì khả năng đo nhanh và chuẩn.
Men tiên hóa
Một số triệu chứng dễ nhận biết của chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ như tiêu chảy, nôn ói, đau bụng.
Tết cũng là dịp trẻ nhỏ thay đổi đáng kể chế độ ăn uống, từ giờ ăn, thức ăn cho đến việc ăn nhiều các loại đồ ngọt, bánh kẹo, mứt Tết... Điều này dẫn đến nguy cơ trẻ mắc chứng rối loạn tiêu hóa rất cao.
Một số triệu chứng dễ nhận biết của chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ như tiêu chảy, nôn ói, đau bụng. Khi bị tiêu chảy, trẻ sẽ mất nước nhiều nên mẹ cần chuẩn bị một số dung dịch bù nước dạng gói để cho trẻ uống bù sau mỗi lần đi lỏng hoặc ói. Ngoài ra, có thể cho trẻ bổ sung thêm một số loại men tiêu hóa giúp ổn định hệ vi khuẩn đường ruột, điều trị hiệu quả các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, ngoài việc bù nước, bổ sung men tiêu hóa, bố mẹ cũng cần chú ý cho trẻ ăn chín, uống sôi, hạn chế các loại đồ ngọt... Tuy nhiên, khi thấy trẻ có biểu hiện nôn ói nhiều, người mệt, phân có máu... kéo dài quá một ngày, người lớn nên cho trẻ đi khám bác sĩ ngay.
Thuốc say tàu xe
Với các bé hay bị say tàu xe, bố mẹ cũng cần chuẩn bị thêm thuốc chống say tàu xe và cho trẻ uống 30 phút trước khi khởi hành. Tuy nhiên, hầu hết các thuốc chống say tàu xe đều không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, vì vậy bố mẹ cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và lựa chọn loại phù hợp với độ tuổi của con em mình.
Thuốc trị côn trùng cắn
Khi thay đổi môi trường, nhất là về quê, trẻ sẽ dễ bị dị ứng chỉ vì một vết muỗi cắn hay côn trùng đốt. Khi đó, mang theo thuốc trị côn trùng sẽ giúp bố mẹ "xử lý" ngay các vết côn trùng đốt cho trẻ, giúp giảm ngứa và da trẻ nhanh lành trở lại.
Một số vật dụng khác
Chẳng hạn như bông băng, gạc y tế, bình xịt mũi... đề phòng trong các trường hợp trẻ nô nghịch nhiều bị xước tay chân hoặc ra ngoài gió bị sổ hay nghẹt mũi.
Khi chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc cho bé và vật dụng y tế thiết yếu, bạn sẽ yên tâm hơn khi cho bé về quê ăn Tết và đi chơi. Chúc các bé và gia đình có một mùa Tết mạnh khỏe, đầm ấm và vui tươi.