Bác sĩ Richard Teo Keng Siang (40 tuổi) là một tên tuổi lớn trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ ở Singapore, anh qua đời khi đang ở trên đỉnh cao của sự nghiệp vì căn bệnh ung thư phổi.
Richard sinh ra trong một gia đình nghèo khó, anh luôn ý thức phải học tập nghiêm túc để xây dựng sự nghiệp thật vững vàng. Ở trường học, bác sĩ Richard luôn dẫn đầu ở tất cả các môn học từ khoa học cho đến thể thao. Anh từng là một bác sĩ giải phẫu mắt nhưng nhận thấy nguồn lợi lớn từ ngành công nghiệp làm đẹp, anh quyết định mở một trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ. Không lâu sau đó, Richard đã trở thành một triệu phú, anh có trong tay những khối tài sản khổng lồ.
Bác Sĩ Richard Teo qua đời vào ngày 18 tháng 10 năm 2012 vì căn bệnh ung thư phổi. Trước đó, anh đã có buổi nói chuyện đầy xúc động về giá trị của sự giàu có và những suy ngẫm đối với ngành y với các sinh viên Nha khoa ở Singapore. Buổi nói chuyện được ghi âm và dịch ra nhiều thứ tiếng, được các bạn trẻ ở nhiều nước chia sẻ trên các diễn đàn.
Xin chào các bạn!
Giọng của tôi hôm nay hơi khàn một chút vì đang trong đợt điều trị, vì vậy xin các em hãy chăm chú lắng nghe. Tôi xin giới thiệu về bản thân mình, tôi là Richard, bạn của Danny, người đã cho tôi niềm hân hạnh được nói chuyện với các bạn ngày hôm nay.
Phải thừa nhận rằng tôi là một "sản phẩm" đặc trưng của xã hội hiện đại. Theo các tiêu chí của truyền thông ngày nay thì tôi là một người thành công. Tôi được sinh ra trong một gia đình không mấy giàu có. Hoàn cảnh sống và mọi người xung quanh dạy rôi rằng hạnh phúc đi liền với thành công, mà thành công có nghĩa là phải giàu có. Tôi đã sống theo đúng suy nghĩ này và đã bị nó cuốn đi.
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tôi ý thức phải học hành thật tốt, ở trường tôi cố gắng học tốt tất cả các môn từ môn thể dục cho tới khoa học. Tôi muốn mình sẽ có tất cả và luôn cố gắng để đạt được mục đích này.
Tôi từng là một bác sĩ nhãn khoa nhưng vì thấy một người bạn ra ngoài mở phòng khám tư và kiếm được rất nhiều tiền mà tôi trở nên thiếu kiên nhẫn. Vào thời điểm đó, ngành công nghiệp làm đẹp có thể giúp các bác sĩ phẫu thuật kiếm bộn tiền, tôi tự nói với bản thân mình rằng: "Hãy quên ngành nhãn khoa đi và trở thành một bác sĩ phẫu thật thẩm mỹ. Tôi đã rẽ ngang sự nghiệp của mình như thế.
Sự thật là các bệnh nhân không vui vẻ gì khi phải bỏ ra 30 đô là khi đi khám bệnh nhưng nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả món tiền lớn lên đến 10.000 đô la để trở nên xinh đẹp hơn. Do vậy, phẫu thật thẩm mỹ sẽ mang đến cho tôi một nguồn lợi lớn.
Những gì tôi làm để các bệnh nhân có vẻ ngoài hoàn hảo hơn đó là hút mỡ, nâng ngực, phẫu thuật cắt mí mắt... Bệnh nhân mới đầu đến phòng khám của tôi phải chờ đợi 1 tuần, rồi 3 tuần, sau lên 1 tháng, 2 tháng, đến 3 tháng. Quá nhiều bệnh nhân. Tôi choáng váng. Tôi phải thuê thêm 1 bác sĩ, 2 bác sĩ, 3 bác sĩ, rồi 4 bác sĩ. Chỉ trong vòng năm thứ nhất, chúng tôi đã lên hàng triệu phú. Nhưng chẳng thế nào là đủ vì tôi trở nên mê muội. Tôi bắt đầu khuếch trương tới Indonesia để thu hút những quý bà nhàn rỗi, lắm tiền nhiều của muốn được hồi xuân. Kiếm tiền với tôi khi đó là một việc quá dễ dàng.
Khi đã có quá nhiều tiền dư thừa, tôi giải trí bằng cách tham gia vào câu lạc bộ đua xe hơi, tôi tậu cho mình một chiếc Ferrari màu bạc, rồi tôi mua một số lô đất và xây dựng nhà cửa... Tôi sống rất kiêu ngạo với số tài sản do mình kiếm được.
Tôi nghĩ rằng phải quan hệ với những người giàu có, nổi tiếng. Chúng tôi bắt đầu giao thiệp với mỹ nhân, người giàu có và danh tiếng như hoa hậu thế giới hay người sáng lập mạng Internet, ăn uống ở mọi nhà hàng kể cả nhà hàng nổi tiếng của đầu bếp Michelin.
Hồi tháng 3 năm 2011, tôi vẫn thực hiện các ca phẫu thuật cho khách hàng của mình và đều đặn đến phòng tập gyms. Rồi một ngày, đột nhiên tôi thấy mình bị đau lưng, tôi nghĩ đó chỉ là một biểu hiện bình thường do đã vận động quá mạnh. Tôi đến bệnh viện Đa khoa Singapore để kiểm tra và nhờ một người bạn thân làm MRI (phương pháp tối tân soi chụp hình bộ phận trong cơ thể người để chẩn đoán bệnh.
Ngay tối hôm đó, anh bạn gọi tôi và cho biết tủy sống trong cột sống của tôi có vấn đề. Mặc dù biết chắc chắn đó là dấu hiệu của bệnh ung thư nhưng tôi vẫn không muốn tin vào sự thật đó và muốn nói với bạn rằng: "Cậu đùa tớ sao?".
Ngày hôm sau, chúng tôi tiến hành nhiều xét nghiệm hơn - bao gồm cả PET scans và họ kết luận tôi đang ở giai đoạn thứ 4 của căn bệnh ung thư phổi. Khối u đã di căn tới não, cột sống và nội tạng.
Các em có biết vào chính thời điểm tôi nghĩ rằng mình đã có cả thế giới này trong tay thì việc phát hiện bị mắc căn bệnh chết người đã khiến tôi suy sụp, tuyệt vọng đến mức nào không? Thế giới xung quanh tôi chao đảo, tôi không thể chấp nhận sự thật tồi tệ và đen tối này.
Nhà cửa, xe cộ và những thứ vật chất xa hoa chỉ có ý nghĩa khi con người ta còn khỏe mạnh, còn đủ sức để ham mê, đua tranh, còn khi đã cận kề với cái chết, tất cả những thứ đó đều trở nên vô nghĩa.
Điều thật sự mang lại cho tôi niềm vui trong những ngày cuối cùng này là được trò truyện với người thân, bạn bè, những người chân thành chăm sóc tôi, cười và khóc cùng tôi. Họ có thể nhìn thấy sự đau đớn, chịu đựng mà tôi phải trải qua.
Các em có biết trước đây tôi thường làm gì vào mỗi dịp Tết không? Tôi lái chiếc xế hộp của mình đi thăm viếng họ hàng nhằm thể hiện đẳng cấp của bản thân. Tôi đã nghĩ điều đó thật vui, thật tự hào nhưng thực ra tôi đã nhầm. Người thân, bạn bè có thể cảm thấy tủi thân và khó chịu trước sự khoe khoang của tôi. Cuộc sống của họ không mấy dư giả và phải sử dụng các phương tiện công cộng để di chuyển. Những gì tôi làm chỉ khiến cho mọi người thêm ganh ghét với tôi mà thôi.
Tôi phải trải qua liên tiếp các đợt trị liệu, tôi hy vọng điều đó có thể giúp tôi kéo dài cuộc sống nhưng tất cả đều vô vọng, sau đó tôi rơi vào giai đoạn trầm cảm nặng.
Sau khi ra trường, tôi làm việc ở khoa ung thư. Hàng ngày tôi phải chứng kiến các bệnh nhân bị những cơn đau đớn hành hạ, chứng kiến nhiều người phải nói lời giã từ cuộc sống này. Nhưng khi đó tôi chỉ nhìn thấy nét mặt, sự khổ sở của các bệnh nhân mà không cảm nhận được chính xác nỗi đau của họ. Tôi chỉ làm công việc của mình theo trách nhiệm và luôn nóng lòng về nhà để làm việc riêng. Giờ đây khi ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết tôi mới thấu hiểu họ đã đau đớn thế nào.
Nếu ai, hỏi tôi, có muốn trở thành một bác sĩ ở kiếp sau không thì câu trả lời sẽ là có, vì giờ đây tôi đã thực sự hiểu được cảm giác của các bệnh nhân, tôi đang phải trả giá đắt cho những gì đã làm.
Chúng ta được đào tạo để trở thành những lương y nhưng không ai dạy các bác sĩ cách cảm nhận nỗi đau của người bệnh. Tôi không yêu cầu các em phải xúc động, phải rơi nước mắt mà chỉ khuyên các em hãy cố gắng thấu hiểu nỗi khổ của các bệnh nhân bằng cả trái tim mình. Hãy luôn đặt mình vào vị trí của những người đứng giữa lằn ranh mong manh của sự sống.