Ngủ điều độ là cơ sở của một sức khỏe tốt. Vì thế, nâng cao chất lượng giấc ngủ là một việc không thể thiếu trong quá trình phát triển của trẻ. Do đại não chưa phát triển hoàn chỉnh, chưa hình thành được thời gian biểu mang tính quy luật, nên việc hình thành thói quen ngủ, nghỉ đúng giờ là việc không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của cha mẹ, trẻ hoàn toàn có thể hình thành thói quen ngủ, nghỉ đúng giờ. Chuyên gia cho rằng, trẻ có thời gian biểu hợp lí hay không hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn.
Một số trẻ có thói quen ngủ muộn, thức muộn, mỗi khi đến giờ đi ngủ đều cảm thấy vô cùng phấn khích, không muốn lên giường. Từ đó, dẫn tới tình trạng sáng hôm sau dù được người lớn gọi nhưng vẫn không thể thức dậy.
Với những trẻ thuộc nhóm này, chuyên gia cho rằng, người lớn không nên chiều trẻ. Đặc biệt, buổi tối không nên đáp ứng mọi yêu cầu vui chơi, cần tìm mọi cách kiềm chế sự hưng phấn và yêu cầu trẻ lên giường đi ngủ đúng giờ. Chỉ có như vậy, trẻ mới có thể hình thành được thói quen ngủ nghỉ điều độ và đúng giờ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hải, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Hà Nội) cho rằng, nhiều đứa trẻ thích ngủ muộn, dậy sớm, mặc dù buổi tối ngủ rất muộn nhưng buổi sáng vẫn có thể dậy đúng giờ. Tỉ lệ những trẻ bảo đảm giờ giấc như vậy rất ít.
Với những trẻ như vậy, người lớn cần tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ thích ngủ muộn. Sau đó cố gắng áp dụng các phương pháp thích hợp khiến trẻ lên giường đi ngủ sớm hơn, không thể đột ngột thay đổi quy luật ngủ nghỉ của trẻ.
Nguyên nhân được các chuyên gia tâm lý giải thích rằng, ngủ đúng giờ sẽ giúp trẻ nhanh chóng đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng. Giấc ngủ dài và sâu khiến các bé có được tinh thần tốt và sảng khoái vào hôm sau.
Ngoài việc khuyên cha mẹ nên dành thời gian nhiều hơn cho con, trước khi trẻ đi ngủ, hãy khuyến khích các bé đọc một vài quyển sách nhẹ nhàng, mang đến nhiều thông điệp từ cuộc sống, đồng thời kích thích khả năng tư duy của trẻ.
Bên cạnh bảo đảm những bữa ăn đủ chất, việc tập thói quen cho trẻ đi ngủ sớm và dậy sớm sẽ hỗ trợ phát triển chiều cao của con một cách tối đa. Các chuyên gia sức khỏe trẻ em cho biết thêm, ngủ sớm và đúng giờ sẽ kích thích hormone tăng trưởng của trẻ. Đây là một hormone quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển chiều cao của trẻ sau này.
“Người lớn hãy lưu ý khi cố gắng duy trì thói quen này cho các bé, cũng như theo dõi giấc ngủ của con ở từng độ tuổi. Ví dụ như trẻ đang ở độ tuổi mẫu giáo nên ngủ từ 10 – 12,5 giờ, trẻ tiểu học từ 9,5 – 11,5 giờ”, bác sĩ Nguyễn Văn Hải nói.
Mỗi buổi tối, người lớn có thể tắt đèn đúng giờ quy định, cả nhà cùng đi ngủ. Hoặc người lớn đến phòng khác tiếp tục làm việc để tạo cho trẻ một không gian yên tĩnh.
Những hành động trước khi ngủ cần có quy luật và thống nhất từ đầu. Nếu trẻ khóc lóc không muốn đi ngủ, người lớn không nên thỏa hiệp. Bởi thói quen phải được hình thành dần dần, nếu nhượng bộ một lần sẽ khó dạy con cách làm việc đúng giờ.
“Có nhiều trẻ cảm thấy lo lắng, căng thẳng trước khi đi ngủ do chúng biết phải tạm thời rời xa cha mẹ. Đối với những trẻ này, cha mẹ có thể ở cùng trẻ một lúc trước khi ngủ, từ từ hóa giải cảm giác căng thẳng”, bác sĩ Hải nói.
Cũng theo ông Hải, bản thân trẻ sẽ không ngủ nướng nếu được ngủ đủ giấc. Vì vậy, bố mẹ cần tạo thói quen tốt cho con bằng việc cho con đi ngủ đúng giờ. Trước khi đi ngủ, trẻ có thể dành một khoảng thời gian đi bộ, tập các bài thể dục nhẹ như yoga để có thể thư thái hơn, giấc ngủ sâu hơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Thảo, Trường Mầm non Việt Nhật cho rằng, muốn con có được nền nếp đúng giờ, đặc biệt là trong thói quen đi ngủ hay thức dậy, cha mẹ nên dạy trẻ cách đặt chuông báo thức. Đây là cách để con thức dậy buổi sáng mà bố mẹ không phải thúc giục.
Theo cô Thảo, trước hết, bố mẹ cho con làm quen với tiếng chuông, có thể là những bản nhạc mà con yêu thích để con có thể bật dậy. Sau đó, hướng dẫn con cách hẹn giờ và vị trí để đồng hồ báo thức. Vị trí để đồng hồ báo thức nên xa giường một chút để tránh việc con tắt chuông đi và ngủ tiếp.
“Sau khi làm quen với tiếng chuông, bố mẹ hướng dẫn con cách bật nhanh ra khỏi giường sau khi tắt chuông. Đồng thời với hành động này, bố mẹ có thể hướng dẫn con mở cửa sổ để phòng thông thoáng, có ánh sáng, đi tất, mặc áo nếu trời lạnh. Hãy kéo con vào các hoạt động để tạo các động tác liên hoàn như cùng con dọn đồ, rửa bát, chuẩn bị đồ đi học, làm đồ ăn sáng. Những hoạt động này sẽ khiến con nhanh chóng tỉnh táo”, cô Thảo nói.
Sau khi con xác định được mục tiêu và xây dựng được kế hoạch cho bản thân. Bố mẹ hãy cùng con xây dựng các cam kết để tạo nguyên tắc và duy trì việc thực hiện mục tiêu này. Việc xây dựng mục tiêu và cam kết sẽ giúp con có nguyên tắc và kỷ luật hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hải, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Hà Nội) lưu ý: Ngoài việc chăm sóc về mặt dinh dưỡng, hình thành thói quen ngủ sớm và đúng giờ sẽ mang đến cho trẻ nhiều lợi ích. Trước hết là phát huy khả năng trí tuệ. Bởi trẻ em dễ dàng tập luyện thói quen sinh hoạt khoa học ngay từ nhỏ. Vì thế, các bà mẹ hãy rèn luyện cho các con việc đi ngủ đúng giờ ngay từ ngày đầu lọt lòng. Điều này sẽ kích thích trẻ phát triển khả năng não bộ.