Bác sĩ ơi, em đang thực sự rất lo lắng về bệnh nấm "vùng kín" của mình. Cách đây 3 tháng, em bị ngứa "vùng kín" do mặc quần áo ẩm và một vài lý do đặc biệt khác nữa. Khi "vùng kín" bị ngứa trầm trọng, em đi khám thì được bác sĩ kết luận là nhiễm nấm.
Em đã tuân thủ chỉ định uống thuốc và khám lại như lời bác sĩ dặn, nhưng tình trạng bệnh kéo dài suốt tới nay 3 tháng vẫn chưa khỏi. Em rất ngại mỗi lần đi khám vì bác sĩ khám cho em nói rằng bệnh của em kéo dài như vậy là do em chưa biết cách vệ sinh "vùng kín" của mình. Một phần vì ngại nên em không dám kể thật với bác sĩ thói quen sinh hoạt hàng ngày của em cho dù em cũng rất chú ý tới việc vệ sinh hàng ngày.
Hiện tại em đang rất bối rối vì không biết làm sao để vệ sinh "vùng kín" đúng cách cho bệnh nhanh khỏi. Mong bác sĩ hãy tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (Xuyến Chi)
BS. Hoa Hồng tư vấn:
Bạn Xuyến Chi thân mến,
Nhiễm nấm là một trong những bệnh phụ khoa phổ biến nhất mà chị em thường gặp. Khoảng 75% phụ nữ sẽ bị nhiễm nấm âm đạo ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời.
Nhiễm nấm âm đạo gây ra do sự tích tụ của quá nhiều tế bào nấm men được gọi là Candida trong và xung quanh âm đạo. Nhiễm nấm âm đạo xuất phát từ các nguyên nhân như: sự phát triển quá mức của các tế bào nấm men, bao gồm thừa cân, vùng kín tiếp xúc với môi trường ẩm trong thời gian dài, nồng độ hormone sinh dục nữ estrogen cao, hệ miễn dịch suy yếu và do một số loại kháng sinh. Khi bị nhiễm nấm men, hầu hết người bệnh đều có các triệu chứng như: ngứa “kinh khủng” ở vùng kín; bị đỏ, sưng tấy; đau hoặc khó chịu, bỏng rát khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục; ra nhiều dịch trắng, không mùi...
Nhiễm nấm men dễ dàng ngăn chặn thông qua việc vệ sinh "vùng kín" đúng cách. Ảnh minh họa
Nhiễm nấm men dễ dàng ngăn chặn thông qua việc vệ sinh "vùng kín" thích hợp, sạch sẽ. Chắc chắn, ngoài bạn, có rất nhiều chị em khác cũng muốn tìm hiểu những cách vệ sinh "vùng kín" sao cho đúng và tăng hiệu quả phòng bệnh.
Bạn hãy tham khảo những lưu ý khi vệ sinh "vùng kín" như sau nhé:
- Sử dụng giấy vệ sinh chuẩn quy cách, an toàn. Không dùng giấy vệ sinh tái chế, giấy quá cứng... dễ ảnh hưởng sức khỏe “vùng kín”.
- Không nên nhịn tiểu vì đây có thể là nguyên nhân làm cho vi khuẩn sinh sôi nhiều hơn ở trong bàng quang và các vùng xung quanh. Bạn nên duy trì thói quen uống nhiều nước, bài tiết thường xuyên. Nước tiểu bài tiết đúng lúc sẽ giúp bạn phòng chống viêm niệu đạo.
- Làm sạch "vùng kín" theo quy tắc từ trước ra sau theo thứ tự niệu đạo, âm hộ, hậu môn.
- Chú ý vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi “quan hệ”.
- Nên tắm dưới vòi hoa sen, tránh tắm lâu trong bồn tắm, nhất là vào những ngày "đèn đỏ".
- Nên chọn quần chip được làm từ chất liệu thoáng mát như cotton, có khả năng thấm hút tốt. Bạn cũng nên thay quần chip thường xuyên để tránh vi khuẩn phát triển.
- Trong thời kỳ kinh nguyệt, bạn nên thay băng vệ sinh thường xuyên, ngay cả khi băng vệ sinh chưa bị tràn.
- Không thụt rửa hoặc dùng các sản phẩm vệ sinh có mùi thơm làm thay đổi sự cân bằng của các sinh vật trong âm đạo và tạo điều kiện cho nấm phát triển quá mức.
Nếu đã thực hiện tốt việc giữ vệ sinh "vùng kín" mà bệnh không đỡ thì tốt nhất bạn nên nói cụ thể với bác sĩ điều trị để được tư vấn hướng điều trị khác. Điều này rất quan trọng vì nó quyết định trực tiếp đến khả năng khỏi bệnh của bạn.
Chúc bạn sớm khỏi bệnh!
Nếu bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe tâm sinh lý giới tính cần được tư vấn xin gửi về email: [email protected] |
Có những chị em bị ngứa "vùng kín" lại không phải do mất vệ sinh mà có thể do quá sạch sẽ hoặc do stress gây ra.