Đã vài ngày nay, con chị Lê Vân Hồng ở xã Ngũ Hiệp- huyện Thanh Trì- Hà Nội ho không dứt. “Con ho không khạc được đờm ra nên ho thành nặng hơn, gia đình chỉ lo viêm phổi”. Bé chưa tròn 1 tuổi nên mỗi lần con ho, khóc rồi nôn khiến chị Hồng không khỏi xót xa.
Thời tiết thất thường, sức đề kháng kém cộng với dịch bệnh ngày càng nhiều cũng là nguyên nhân làm các bé dễ nhiễm bệnh. Như trường hợp của bé Hà An 10 tháng tuổi- con gái chị Nguyễn Thúy Hoa ở thị trấn Văn Điển – Hà Nội. “Con lây cúm sổ mũi, hắt hơi từ bố, cũng 10 ngày nay, 2 ngày sau thì bé bị ho, ho tăng dần lên, bây giờ là ho có đờm, sau 7 ngày đi viện thì bác sĩ bảo bị viêm phổi, giờ viện quá tải nên điều trị thuốc xong lại về nhà”- chị Hoa nói. Rời viện về nhà, chị Hoa cũng thấy “cám cảnh” khi hàng xóm quanh nhà cùng chung cảnh con ốm, con sốt.
Đúng là thời tiết “đỏng đảnh” lúc giao mùa dễ khiến trẻ nhỏ mắc các bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe còn non nớt của các bé. Chính vì vậy, chăm sóc và phòng bệnh cho các bé là điều mà các bậc cha mẹ cần làm hiện nay.
Giai đoạn này, theo các bác sĩ, cha mẹ cần chú ý tới các bệnh truyền nhiễm về hô hấp cũng như một số bệnh khác liên quan đến môi trường ăn uống, sinh hoạt của bé tại nhà cũng như tại trường mầm non. PGS.BS Nguyễn Tiến Dũng- nguyên trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Đầu tiên là các bệnh về đường hô hấp do các vi khuẩn hay virus gây bệnh đường hô hấp, sau đó là các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, mùa này đang có dịch về tay chân miệng, kể cả sốt xuất huyết…”.
Năm nay, dịch sốt xuất huyết diễn biến khá phức tạp. Hiện, các ca mắc đang gia tăng tại một số địa phương. TS-BS Vũ Quốc Đạt- Phó khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khuyến cáo từ cuối tháng 10 đến tháng 12 là giai đoạn cao điểm của SXH tại miền Bắc. Vì trẻ chưa có miễn dịch với SXH nên thời gian này các bé có nguy cơ cảm nhiễm SXH rất cao trong khi dịch Covid-19 vẫn đang lưu hành. “SXH và Covid-19 đều là những bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra do virus nên có những đặc điểm chung, đặc biệt là giai đoạn đầu ( 3-4 ngày) từ khi có biểu hiện lâm sàng đầu tiên như sốt, đau cơ, đau mỏi người… Nếu không đi khám trong những ngày đầu thì khó mà phân biệt được 2 bệnh này.
Chính vì thế, BS Vũ Quốc Đạt nhấn mạnh việc dự phòng là rất quan trọng để tránh cho trẻ không mắc phải các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh SX. “Cách tốt nhất là phòng tránh từ từng hộ gia đình đó là loại bỏ tất cả các vật dụng chứa nước đọng, nước mưa hoặc nước quanh nhà làm vệ sinh để loại bỏ muỗi. Đặc biệt các bệnh nhân mắc SXH là những người cần ngủ màn vì trong máu của bệnh nhân có virus lưu hành có thể lây bệnh cho người khác. Mặc áo dài tay, quần dài để chống muỗi đốt….
Còn theo BS Nguyễn Tiến Dũng- nguyên trưởng Khoa Nhi- BV Bạch Mai, các cha mẹ cần chú ý phòng bệnh cho con ngay từ trong nhà. “Bé nhiễm bệnh do 2 nguyên nhân, đầu tiên là yếu tố môi trường và thứ hai là do sức khỏe bản thân đứa trẻ. Để phòng bệnh cha mẹ nên làm sạch môi trường trong nhà, các gia đình đảm bảo các phòng trong nhà thông thoáng khí, phải chống bụi, chống khói, nấm mốc, chống các yếu tố dị ứng như phấn hoa. Ngoài ra, để tăng sức đề kháng cho các bé, các bậc phụ huynh cần cho con ăn uống khoa học, dinh dưỡng theo tuổi, phải tiêm vaccine đầy đủ theo khuyến cáo, phải cho trẻ vận động thường xuyên”, BS Dũng chia sẻ.
Khi trẻ mắc cảm, cúm, viêm đường hô hấp, cha mẹ tuyệt đối tránh tự ý dùng kháng sinh không tuân theo chỉ định của bác sĩ, sử dụng không đúng hướng dẫn sử dụng của thuốc, tự ý đổi loại kháng sinh hoặc tự ý tăng liều sử dụng. Những sai lầm này có thể khiến vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc và sẽ rất khó khăn để điều trị các nhiễm trùng cho trẻ lần sau. Thay vì phải sử dụng kháng sinh quá nhiều cho trẻ, khiến sức khỏe của trẻ ngày càng yếu đi, cha mẹ nên tăng sức đề kháng để tăng khả năng chống chọi lại bệnh hô hấp giao mùa cho trẻ.
Trong những phương pháp phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa, cân bằng dinh dưỡng, vận động thường xuyên và tiêm phòng vaccine đầy đủ, đúng lịch là 3 phương pháp phòng bệnh đặc biệt quan trọng mà người dân cần lưu tâm.
Đến nay, đã có gần 30 căn bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh, 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vaccine vào sử dụng phổ cập cho người dân. Nhờ có vaccine, 2.500.000 trẻ không bị chết do bệnh truyền nhiễm hàng năm.Tiêm phòng vaccine đầy đủ và đúng lịch là biện pháp hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm./.