Hải sản là loại thực phẩm rất giàu chất dinh dưỡng. Chính vì thế mà cha mẹ thường sớm thêm nó vào khẩu phần ăn hàng ngày của các con. Tuy nhiên, hải sản lại rất đa dạng về chủng loại cũng như cách chế biến. Chính vì thế việc cho trẻ nhỏ ăn hải sản gì, chế biến như thế nào không phải đơn giản.
Lợi ích của hải sản đối với trẻ nhỏ
Hải sản là loại thực phẩm giàu chất đạm cũng như các dưỡng chất thiết yếu. Chúng chứa rất ít chất béo no và chứa nhiều axit béo không no omega-3, loại chất béo quan trọng rất cần cho cơ thể. Hải sản cũng giàu vitamin nhóm B và các khoáng chất như canxi, kẽm, sắt, đồng, kali... Chính vì thế thêm hải sản vào khẩu phần ăn của con sẽ giúp trẻ có đầy đủ dưỡng chất để phát triển tốt.
Trẻ nhỏ nên ăn hải sản khi nào?
Vì hải sản có chứa lượng lớn chất đạm nên khi ăn thực phẩm này có thể gây dị ứng cho một số trẻ, việc này phụ thuộc vào cơ địa của từng bé. Trẻ từ 6 tháng trở đi mới có thể thêm hải sản vào khẩu phần ăn, tức là khi các bé bắt đầu tập ăn dặm. Cha mẹ nên xay nhuyễn hải sản và cho các con ăn ít một rồi từ từ tăng dần trọng lượng lên để các con tập làm quen.
Với các loại cá, hãy cho các con ăn cá đồng trước. Bắt đầu với những loại cá ít xương như cá lóc, cá trắm, cá trê. Sau đó cho các con ăn cá biển như cá hồi, cá thu, cá ngừ. Bởi cá đồng tuy không chứa nhiều các axit béo chưa no như các biển, nhưng cá đồng cũng chứa nhiều chất đạm quý, dễ hấp thụ, lại ít gây dị ứng hơn cá biển.
Từ tháng thứ 7 trở đi, có thể cho trẻ ăn tôm đồng, tôm biển, cua đồng. Đặc biệt cua chứa hàm lượng canxi cao, rất tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ, cha mẹ nên thường xuyên cho con ăn loại thực phẩm này.
Những loại hải sản khác như hàu, ngao, trai, hến... chứa nhiều kẽm. Đây là loại vi chất quan trọng trong sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên cha mẹ nên cho con ăn những thực phẩm này khi đã được 1 tuổi.
Những điều cần lưu ý khi cho trẻ nhỏ ăn hải sản
Nên:
- Khi mới tập ăn hải sản, nên cho bé ăn cá đồng trước cá biển.
- Nên ăn những loại cá đồng có ít xương dăm như: cá quả, cá trắm, cá trê.
- Nên cho bé ăn các loại hải sản có vỏ như hàu, ngao, trai, hến... khi bé đã đủ 1 tuổi.
- Nên cho các con ăn lượng ít, vừa đủ trước để các con tập làm quen. Nếu trẻ không dị ứng hay có những phản ứng với hải sản mới dần dần tăng lên.
- Nên xay nhuyễn hải sản khi cho trẻ ăn.
- Với các loại cá có xương, cần luộc chín rồi gỡ hết xương trước khi xay nhuyễn.
- Nên cho các con ăn cá biển vì trong cá biển có những chất dinh dưỡng rất tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Nên cho các con ăn cá biển ít nhất 3 lần/tuần.
Không nên:
- Không ăn hải sản chứa thủy ngân và các chất ô nhiễm.
- Không nên ăn cá mập, cá kình, cá kiếm, cá thu lớn, cá ngừ.
- Không cho trẻ ăn hải sản ươn, tanh.
- Không cho trẻ ăn hải sản cùng lúc với trái cây. Bởi tanin trong trái cây kết hợp với protein tạo thành canxi không hòa tan, có thể gây buồn nôn, đau bụng.
- Không ăn hải sản cùng những thực phẩm giàu vitamin C. Vì asen hóa trị 5 có trong hải sản khi kết hợp cùng thực phẩm chứa nhiều vitamin C có thể tạo ra chất độc gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhỏ.
Khẩu phần ăn khi cho trẻ ăn hải sản
Theo các chuyên gia, cha mẹ nên cho con ăn thủy hải sản hàng ngày. Tuy nhiên cần lưu ý cho trẻ ăn ít một để các con dần làm quen. Hải sản cần sơ chế sạch sẽ, gỡ hết xương và nấu chín kỹ, xay nhuyễn để trẻ dễ hấp thụ.
- Trẻ 7 – 12 tháng: mỗi bữa có thể ăn 20 – 30g thịt cá, tôm (đã bỏ xương, vỏ) nấu với bột, cháo, mỗi ngày có thể ăn một bữa, 3 – 4 bữa/tuần.
- Trẻ 1 – 3 tuổi: mỗi ngày ăn một bữa hải sản nấu với cháo hoặc ăn mì, bún, súp… Mỗi bữa ăn 30 – 40g thịt của hải sản.
- Trẻ 4 tuổi trở lên: có thể ăn 1 – 2 bữa hải sản/ngày, mỗi bữa có thể ăn 50 – 60g thịt hải sản, nếu ăn ghẹ có thể ăn nửa con/bữa, tôm to có thể ăn 1 – 2 con/bữa (100g cả vỏ).