20 tuổi
Độ tuổi này bạn cần phải được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng đặc biệt là sắt, canxi trong chế độ ăn uống. Bạn có thể lựa chọn những thực phẩm giàu canxi như sữa và các chế phẩm từ sữa, rau xanh và hạt mè đen…
Bạn có thể bổ sung sắt qua những thực phẩm như gạo, mận khô, trứng, gan, rau bina, đậu và hạt mè đen… Một gợi ý cho thực đơn ăn sáng hoàn hảo dành cho bạn đó là bột yến mạch và sữa tươi, thực phẩm này sẽ giúp bạn cải thiện được sự tập trung để làm việc tốt, giữ năng lượng suốt cả ngày. Một lời khuyên cực kỳ hữu ích cho bạn trong thời điểm này là nên tránh rượu và thuốc lá, uống thật nhiều nước lọc trong ngày. Bạn nên ghi nhớ một điều rằng phụ nữ trong nhóm tuổi này có nhiều khả năng phát triển các bệnh như buồng trứng đa nang và tuyến giáp.
Cách tốt hơn cả, bạn hãy biết cách kiểm soát cân nặng, kiểm tra huyết áp và mức cholesterol trong máu của bản thân. Bạn hãy tìm và ăn những thực phẩm lành mạnh cho tim như ngũ cốc nguyên hạt, rau và thịt nạc. Ngoài ra, bạn có thể sắp xếp một lịch khám định kỳ với bác sĩ về sức khỏe của mình.
Trong mỗi một giai đoạn, một độ tuổi, sức khỏe của bạn lại có những sự thay đổi nhất định. Bạn nên đặt cho mình những mốc thời gian cụ thể để giữ gìn sức khỏe của bản thân (Ảnh minh họa)
30 tuổi
Ở độ tuổi sinh sản này, cơ thể bạn cần tăng thêm nhiều năng lượng, protein, canxi, sắt và folic, đặc biệt trong giai đoạn mang thai và cho con bú.
Bạn nên chia nhỏ bữa ăn, ăn thực phẩm lành mạnh, tránh thực phẩm biển trong quá trình mang thai và cho con bú vì nó có khả năng chứa lượng thủy ngân cao.
Bạn hãy chú ý ăn thức ăn giàu protein như sữa và các sản phẩm từ sữa, các loại hạt, đậu, giá, đậu tương, đậu phụ, thịt gà, ăn những chất béo thân thiện như hạnh nhân, quả óc chó, hạt bí ngô, hạt lanh, dầu hạt cải và dầu ô liu. Ngoài ra bạn cũng nên ăn thật nhiều trái cây và rau lá xanh mỗi ngày.
Bạn nên tránh các thức ăn chiên, đồ uống có ga và các loại thực phẩm đóng gói bởi chúng chứa những chất có hại cho cơ thể của bạn. Hãy cân nhắc lượng đường và muối khi nêm vào đồ ăn hàng ngày, tốt nhất là bạn nên ăn nhạt. Dù giai đoạn này bạn đang nuôi con nhưng đừng bao giờ cố gắng ăn cho hai người, việc tăng cân liên tục sẽ khiến bạn mắc nhiều bệnh hơn. Dù mang thai hay cho con bú bạn vẫn cần vận động cơ thể nhẹ nhàng thường xuyên bằng yoga, việc nhà, leo cầu thang, đi bộ…
Nhóm tuổi này bạn cần cẩn thận với các bệnh như tiểu đường, tuyến giáp và bệnh tim... Vì vậy, hãy chia nhỏ bữa ăn hàng ngày, ăn nhiều chất xơ như rau, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt và mầm lúa mạch. Bạn hãy chú ý tới nhóm chất xơ hòa tan như táo, dâu tây, yến mạch, hạt lanh, lúa mạch, đậu trong chế độ ăn uống của mình, chúng sẽ giúp bạn tiêu hóa tốt. Thực đơn này sẽ giúp bạn tránh tối đa được các bệnh liên quan tới mỡ máu, cao huyết áp, tiểu đường, béo phì. Bên cạnh đó, bạn hãy ăn thật nhiều rau xanh sẽ giúp cơ thể bổ sung chất chống oxy hóa cần thiết và bảo vệ bạn chống lại ung thư.
40 tuổi
Bây giờ là khoảng thời gian để lắng nghe cơ thể của bản thân hơn bao giờ hết. Bạn cần phải thường xuyên theo dõi trọng lượng của cơ thể và bắt đầu một chương trình y tế chăm sóc bản thân toàn diện với chế độ ăn uống cân bằng và các buổi tập thể dục đều đặn. Bạn cần có thói quen ăn ít nhất 3, 4 loại rau xanh, trái cây một ngày, uống nhiều nước, ăn nhiều chất béo có lợi từ thực vật.
Ăn nhiều rau xanh và hoa quả rất có lợi cho sức khỏe (Ảnh minh họa)
50 tuổi
Bạn đang tiến tới mốc giai đoạn tiền mãn kinh, lượng estrogen bắt đầu suy giảm và làm cho bạn dễ bị bệnh tim. Sau tuổi 50 bạn có nguy cơ bị bệnh tim rất cao. Bạn cần giảm lượng carbohydrate trong chế độ ăn uống hàng ngày bằng cách cắt giảm lượng gạo, tinh bột. Uống nhiều nước và cắt giảm lượng muối và đường, điều này sẽ ngăn chặn quá trình giữ nước gây ra do thời kỳ mãn kinh đem lại.
Hạn chế rượu và chất béo là lời khuyên rất có giá trị cho bạn vào tuổi này. Bạn cần tránh các loại thực phẩm tinh chế, đồ uống có ga và các loại thực phẩm đóng gói. Bạn hãy tăng cường tẩm bổ canxi qua các thực phẩm lành mạnh, tăng lượng chất xơ như: lúa mạch, táo, cà rốt và hạt lanh. Ăn chất béo thân thiện với tim (chứa omega-3) như đậu nành, hạnh nhân, hạt bí ngô, hạt hướng dương, hạt lanh, quả óc chó, cá hồi, cá mòi, cá thu và cá ngừ... cũng là việc bạn nên làm.
Bạn nên tham gia càng nhiều càng tốt những buổi tập thể dục ngoài trời. Hãy đặt cho mình một lịch khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra sức khỏe khi có bất cứ một dấu hiệu gì bất thường.
60 tuổi
Đây là độ tuổi mà bạn cần nghĩ tới nghỉ ngơi, tránh xa công việc, cho mình được thư giãn. Bạn hãy chia nhỏ bữa ăn và thưởng thức các thực phẩm giàu vitamin C và E thường xuyên, chúng có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Bạn nên ăn nhiều súp, trái cây và rau xanh mỗi ngày, cắt giảm khẩu phần chứa thịt đỏ và thực phẩm chất béo cao, chọn thực phẩm dễ tiêu hóa, ngoài ra nên ăn các thực phẩm giàu vitamin B12, chúng được tìm thấy trong sữa.
Rau xanh và trái cây là một phần thiết yếu của cuộc sống nhưng để tận dụng được tối đa các ích lợi của nó, cần phải biết cách ăn cho đúng, khoa học.