Nhiều mẹ thường bối rối khi con được gần 1 tuổi vì đây là giai đoạn nguồn cung cấp năng lượng chính của bé chuyển đổi từ sữa sang thức ăn. Các mẹ thường băn khoăn không biết nên cho bé ăn gì, lượng bao nhiêu để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho các bữa ăn dặm của bé…
Dưới đây là một vài hướng dẫn giúp giải đáp những câu hỏi của các mẹ.
Những cột mốc mới khi bé tròn 1 tuổi
Bé có thể tự ăn bằng thìa và bằng tay. Do đó, bạn hãy để bé tự do khám phá hương vị cũng như kết cấu khác nhau của thực phẩm và đừng ngại việc bé sẽ làm vấy bẩn xung quanh.
Trước 12 tháng tuổi bé không nên uống mật ong do nguy cơ ngộ độ cao nhưng bạn có thể cho bé ăn mật ong ở tuổi này.
Hầu hết trẻ đang tập đi thường đòi uống sữa vào ban đêm. Tổng lượng sữa cần sử dụng 1 ngày khoảng 180-720ml sữa. Từ 12-18 tháng, có thể chuyển cho bé từ bú sữa bình sang uống sữa bằng cốc. Đây là một kỹ năng mới với trẻ và cũng là mẹo nhỏ giúp giảm sâu răng ở trẻ.
Ăn bao nhiêu?
Trẻ 1 tuổi cần khoảng 1,000-1,200 calo/ngày (tùy thuộc vào nhu cầu và mức độ hoạt động). Hầu hết các chất dinh dưỡng của trẻ bây giờ đến từ những thực phẩm rắn thay vì sữa thông qua 3 bữa ăn chính và 2 bữa ăn phụ mỗi ngày. Khẩu vị của bé đang tập đi thay đổi từ ngày này sang ngày khác, do đó, không nên quá lo lắng nếu bé có vẻ ít quan tâm đến đồ ăn trong một hoặc hai ngày.
Đừng ép trẻ phải ăn tất cả phần thức ăn. Sự thèm ăn của trẻ có thể quay lại bình thường trong vòng một vài ngày. Duy trì một lịch trình đều đặn của các bữa chính và bữa phụ là rất quan trọng vì nó giúp trẻ hiểu rằng đồ ăn sẽ có mặt vào những thời điểm nhất định trong ngày.
Ăn gì?
Nhu cầu của bé cũng giống như bạn, đều cần sự đa dạng trong chế độ ăn uống. Do đó, hãy duy trì một thực đơn đa dạng và giàu dinh dưỡng, từ tất cả các nhóm thực phẩm bao gồm:
- Thịt, cá, gia cầm, trứng, các loại đậu
- Sản phẩm từ sữa như sữa tươi, pho mát và sữa chua
- Trái cây và các loại rau
- Ngũ cốc, khoai tây, gạo, bánh mì, mì ống
Hãy nhớ rằng chất béo cũng rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ, vì vậy không nên hạn chế chất béo vào lúc này. Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi nên tiếp nhận một nửa lượng calo từ chất béo.
Trước 2 tuổi, bạn có thể giảm dần lượng chất béo trong chế độ ăn của trẻ. Một số thực phẩm chứa nhiều chất béo bạn có thể cho trẻ ăn bao gồm: sản phẩm từ sữa (sữa, phô mai, sữa chua), trứng, bơ, và dầu ô liu.
Không nên ăn gì?
Cho đến thời điểm này, bé có thể ăn chung đồ ăn với gia đình nhưng cũng cần phải chú ý những điểm sau:
Thực phẩm quá nóng sẽ làm bé dễ bị bỏng. Do đó, hãy kiểm tra đồ ăn trước khi đưa vào miệng bé. Những đồ ăn dễ làm bé nghẹn gồm: bỏng ngô, các loại hạt, nho, xúc xích, pho mát miếng, các loại thực phẩm dễ dính, trái cây dạng miếng, rau sống…
Bạn nên nghiền hoặc cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ để bé có thể nhai và nuốt một cách dễ dàng. Không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm có vị cay, mặn hoặc ngọt quá vì chúng thường rất nhạy cảm với đồ ăn nên rất dễ từ chối các món ăn có vị mạnh.
Chú ý
Thông thường, việc trẻ ăn được nhiều loại thức ăn bổ dưỡng sẽ tốt hơn việc tập trung số lượng lớn vào một vài bữa ăn nào đó. Sẽ có những ngày trẻ ăn biếng ăn và những ngày trẻ ăn ngoan, nhưng nếu trẻ vẫn đang phát triển bình thường, duy trì cân nặng ổn định và vẫn vui vẻ, hòa đồng thì bạn có thể tin tưởng rằng mình đang làm tốt nhiệm vụ của một người mẹ.