Trong thời gian gần đây tại một số Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện điều trị bởi các bệnh lý viêm màng não vi rút, viêm màng não mủ đang có chiều hướng gia tăng.

Khi thấy trẻ sốt, đau đầu không rõ nguyên nhân nên đưa đi khám

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận 325 trường hợp mắc viêm não vi rút tại 31 tỉnh, thành phố, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 4 tỉnh, thành phố.

Còn theo chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), hiện đang có khoảng gần 20 bệnh nhân mắc các thể viêm màng não vi rút (viêm màng não nước trong), viêm màng não mủ đang nằm điều trị. Con số bệnh nhân mắc hội chứng này cũng tăng lên trong 2 tuần trở lại đây, ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân, cá biệt có ngày 2 - 3 trường hợp.

Trước đó, khi thời điểm vào mùa hè, số bệnh nhân mắc bệnh lý viêm màng não do vi rút, não mủ cũng có xu hướng tăng với những ngày cao điểm 3 - 4 bệnh nhân một ngày. Tuy nhiên sau đó bệnh giãn ra khoảng một tháng với lượng bệnh nhân ít đi. Nhưng hai tuần trở lại đây số bệnh nhân lại bắt đầu có xu hướng ra tăng, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân được chẩn đoán bằng chọc dịch não tủy.

Với những biến chứng khó lường của bệnh viêm màng não, khi thấy trẻ sốt, đau đầu liên tục mà không giải thích được nguyên nhân cần nghĩ đến nguy cơ viêm màng não và cho bé đến viện sớm để kịp thời phát hiện, điều trị giảm nguy cơ biến chứng, BS Nam nhấn mạnh.

viêm màng não
Trong thời gian gần đây, số bệnh bị viêm màng não vi rút, viêm màng não mủ đang có chiều hướng gia tăng. Ảnh minh họa

Phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ thành công chiếm 94%

Việc phát hiện sớm bệnh rất quan trọng nó giảm thiểu những hậu quả  mà sau nay có thể trẻ phải gánh chịu.

Theo  PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nguyên Trưởng khoa nhi (Bạch Mai) chia sẻ để biết chính xác có phải bệnh viêm màng não mũ hay không, bác sĩ cần lấy dịch não tủy bất cứ lúc nào khi trong đầu người bác sĩ nghĩ đến nguy cơ viêm màng não dù chỉ thoáng qua, dù không có bất cứ triệu chứng lâm sàng nào Bởi việc khẳng định sớm, điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ di chứng cho trẻ. 

Việc xét nghiệm chẩn đoán bằng dịch não tủy là vô cùng quan trọng, là “tiêu chuẩn vàng” khẳng định bệnh lý để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị kịp thời. Nhất là trong thời điểm hiện nay, viêm màng não do vi rút (viêm màng não nước trong), viêm màng não mủ đang song hành với triệu chứng hoàn toàn giống nhau (sốt, đau đầu, nôn trớ), nếu không có xét nghiệm chọc dịch não tủy, không khẳng định được em bé mắc viêm màng não thể gì, nếu bỏ qua viêm màng não mủ cực kỳ nguy hiểm.

Vì trẻ bị viêm màng não mủ nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ thành công chiếm 94%, số trường hợp có di chứng chỉ chiếm 6%. Còn trong trường hợp bệnh nhân đến muộn sau 4 - 7 ngày khởi phát bệnh, tỷ lệ khỏi bệnh giảm chỉ còn khoảng 70% và tỷ lệ di chứng, tử vong lên tới gần 30%.

Theo đó, khi bị viêm màng não nước trong thường chỉ dùng thuốc điều trị giảm triệu chứng. Còn với viêm màng não mủ bắt buộc phải sử dụng kháng sinh tốt, liều cao để thuốc thấm qua màng não tiêu diệt vi khuẩn, không để vi khuẩn “ăn” sâu vào não, gây di chứng tổn thương não cho trẻ.

Phòng bệnh biện pháp hữu hiệu

Theo BS Nam khuyến cáo, ở thời điểm này, khi trẻ có bất cứ triệu chứng nào giống như cảm cúm, viêm đường hô hấp thông thường như sốt, sổ mũi, đặc biệt là kêu đau đầu và nôn, sốt cao; triệu chứng buồn nôn, nôn không liên quan đến bữa ăn; sốt, đau đầu không rõ nguyên nhân thì cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị sớm, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho bé.

Khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng để phòng bệnh viêm não vi rút cho trẻ: Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.

 Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt.

Đối với các vi rút đường ruột, bệnh lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện vệ sinh ăn chín, uống chín.

Với các chủng vi rút gây bệnh lây qua đường hô hấp, thực hiện tốt việc cách ly người bệnh cũng như hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và sử dụng các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. 

 Đối với vi rút gây bệnh viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh, thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm, do đó trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản như sau:

- Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi;
- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;
- Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.