Chúng ta thường được người ngoài đánh giá là cha mẹ tốt khi con cười và chơi vui vẻ, nhưng lại cảm thấy bất lực và xấu hổ khi chúng lăn đùng ra sàn ăn vạ, đấm đá hay la hét.
Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý học, những cơn giận dữ này là một phần quan trọng trong việc phát triển sức khỏe và tình cảm của đứa trẻ, do đó, chúng ta cần học cách bình tĩnh hơn khi đối mặt với chúng.
Dưới đây là 10 lý do quan trọng tại sao cơn thịnh nộ của trẻ thực sự là điều tốt.
1. Trút ra thì tốt hơn so với kìm nén
Nước mắt có chứa cortisol, hoocmon căng thẳng. Khi chúng ta khóc, chúng ta đang giải phóng căng thẳng khỏi cơ thể mình. Nước mắt cũng đã được chứng minh làm giảm huyết áp và cải thiện trạng thái hạnh phúc. Khi con bạn tức giận, bé sẽ la hét, đấm đá, rên rỉ... nhưng khi cơn bão qua đi, con sẽ có tâm trạng tốt hơn nhiều.
Khi con bạn tức giận, bé sẽ la hét, đấm đá, rên rỉ... nhưng khi cơn bão qua đi, con sẽ có tâm trạng tốt hơn nhiều (Ảnh minh họa).
2. Khóc có thể giúp con học
Nếu bạn quan sát con, bạn sẽ thấy những tình huống tương tự như thế này: con đang ngồi lắp ráp những khối Lego và bắt đầu cáu loạn lên vì không biết lắp nó như thế nào. Nhưng sau cơn giận, con ngồi xuống và sửa lại vị trí của những khối xếp hình đó. Đó là lúc trẻ phải vật lộn và việc thể hiện sự thất vọng của mình sẽ giúp chúng rũ sạch tâm trí để có thể học được điều mới.
Các nghiên cứu khuyến cáo rằng, để trẻ học tập một việc gì đó, trẻ phải vui vẻ, thoải mái và việc thể hiện cảm xúc thất vọng là một phần của quá trình đó.
3. Con bạn sẽ ngủ ngon hơn
Cũng giống như người lớn, trẻ em cũng thức dậy vào ban đêm bởi vì chúng bị căng thẳng hoặc tiềm thức đang cố gắng giải quyết những vấn đề xảy ra trong cuộc sống của chúng. Việc cho phép con được đi hết quá trình để giải quyết xong cơn giận dữ của mình sẽ giúp cải thiện cảm xúc, từ đó con sẽ có giấc ngủ yên lành suốt đêm.
4. Xác lập giới hạn
Rất có thể trẻ lên cơn cáu giận bởi vì bạn đã nói "không" với chúng. Và đó là một điều tốt! Việc nói "không" mang đến cho con bạn một ranh giới rõ ràng về hành vi chấp nhận được và không chấp nhận được. Đôi khi chúng ta cố tránh nói từ "không" bởi vì chúng ta không muốn phải đối mặt với sự thất vọng, cáu giận hay bùng nổ cảm xúc của trẻ, nhưng chúng ta cần phải đứng vững với những giới hạn của mình trong khi vẫn yêu thương, đồng cảm và âu yếm chúng.
5. Con cảm thấy an toàn khi bộc lộ cảm xúc với bạn
Ngoài các trường hợp trẻ sử dụng cơn giận để cố điều khiển chúng ta và có được những gì chúng muốn, thì thường khi chúng đã chấp nhận từ "không", cơn cáu giận chỉ là một sự thể hiện cảm giác của con. Sự thất vọng về chiếc bánh quy hoặc món đồ chơi bị vỡ chỉ là một cái cớ, tình yêu và sự âu yếm của bạn mới là điều con cần.
6. Cơn giận dữ đưa bạn và con đến gần nhau hơn
Lúc đầu, đứa con đang nổi cơn tam bành của bạn có vẻ không hề thích bạn ở đó, thậm chí còn đuổi bạn ra chỗ khác. Hãy để con vượt qua "cơn bão" cảm xúc của mình, bạn đừng cố gắng chặn nó lại hoặc "điều chỉnh" nó. Sau khi "bão" tan, bạn hãy an ủi và cho con những cái ôm. Con sẽ cảm nhận được tình yêu vô điều kiện của bạn và thấy gần gũi hơn với bạn.
Nếu chúng ta tạo điều kiện để "nghe" những cảm giác buồn bã của chúng ở nhà, thì càng ít căng thẳng dồn nén bị mang theo con khi chúng ra đường (Ảnh minh họa).
7. Cơn giận dữ giúp điều chỉnh hành vi của con bạn về lâu dài
Đôi khi những cảm xúc của trẻ phát sinh theo những cách khác, chẳng hạn như gây hấn, không muốn chia sẻ đồ đạc, hoặc từ chối hợp tác với bạn trong những việc đơn giản như mặc quần áo hoặc đánh răng. Đây là những dấu hiệu phổ biến thể hiện rằng con bạn đang phải vật lộn với cảm xúc của chính mình. Việc trải qua một cơn cáu giận lớn sẽ giúp con bạn giải phóng những cảm xúc có thể đang ngăn trở con sống với bản tính hồn nhiên và hợp tác của mình.
8. Nếu cơn thịnh nộ xảy ra ở nhà (và được giải quyết), nó sẽ ít xảy ra ở nơi công cộng hơn
Các nhà tâm lý học đã thấy rằng, nếu bố mẹ bắt con "tự xử lý" cảm xúc của mình càng nhiều, thì càng có nhiều căng thẳng bên trong chúng và chúng sẽ muốn bùng nổ; nhưng nếu chúng ta tạo điều kiện để "nghe" những cảm giác buồn bã của chúng ở nhà, thì càng ít căng thẳng dồn nén bị mang theo con khi chúng ra đường.
9. Con bạn đang làm những điều mà chúng ta không dám
Khi con bạn lớn lên, bé sẽ khóc ít đi. Một phần, đó là do sự trưởng thành và học hỏi của con trong việc điều chỉnh cảm xúc của mình. Một phần là do trẻ phải "hòa nhập vào" một xã hội không chấp nhận việc biểu hiện cảm xúc ra bên ngoài. Vì vậy hãy để cho con bạn có được giận dữ nhằm cải thiện tâm trạng của chúng trong khi những cảm xúc của trẻ thơ vẫn còn được tự do.