Theo Báo Cáo Triển Vọng Việc làm Và Xã Hội Châu Á - Thái Bình Dương 2020, ước tính hậu quả về kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra mức tổn thất khoảng 81 triệu việc làm trong năm 2020. Và có lẽ không phải ai rơi vào hoàn cảnh bất đắc dĩ trên đều có đủ can đảm, thẳng thắn nói ra hoàn cảnh thật của mình với gia đình. Mục đích là để tránh những mâu thuẫn không đáng có, họ chọn cách che giấu sự thật, tạo ra ảo tưởng rằng mình vẫn đang đi làm. Nhưng hành vi dối lừa kiểu này có thực sự giúp họ vượt qua cơn khủng hoảng? 

Đóng kịch đi làm 2 tháng, bị vợ chưa cưới phát hiện

Những màn kịch vụng trong mùa thất nghiệp: Khó khăn chất chồng vẫn vui vẻ vờ đi làm mỗi ngày để gia đình yên ấm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trường hợp trớ trêu trên xảy đến với anh Lus, 27 tuổi, là 1 nhân viên mạng máy tính và truyền thông dữ liệu.

Anh chia sẻ câu chuyện của mình: "Vào năm ngoái gần ngày kết hôn, tôi bất ngờ nhận được thông báo bị sa thải. So với việc cắt giảm nhân sự ở công ty lớn, thì công ty vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Công ty vẫn giữ nguyên cơ cấu cơ bản nhưng sa thải theo bộ phận. Tuần trước công ty còn biểu dương dự án của chúng tôi rất có triển vọng, tạo ra lợi nhuận lớn cho công ty. Ấy thế mà chỉ 1 tuần sau đó, họ gửi trợ cấp cùng 1 nụ cười đầy ẩn ý."

Nói là trợ cấp, nhưng thực chất lãnh đạo dùng 3 tháng lương để lịch sự "mời" anh rút khỏi công ty. Điều này chẳng vẻ vang gì, nên Lus không kể với bất kỳ ai.

Lúc đó chỉ còn 2 tháng nữa là làm đám cưới, khâu chuẩn bị rất vất vả, anh không muốn người yêu lo lắng vì những xáo trộn trong công việc, nên chỉ đành "tự làm khó" mình, vờ như vẫn đi làm.

"Trong thời gian ấy, tôi vẫn ‘đi làm’ như trước, thậm chí đôi khi còn dậy sớm hơn bình thường, đi 8 trạm tàu điện ngầm, dừng lại ở 1 cửa hàng McDonald’s ăn sáng và bắt đầu nộp hồ sơ. Bạn gái làm nghề tự do nên thời gian không cố định, do vậy không thể ở nhà. Nhưng công việc đâu có dễ kiếm. Tôi phải thắt chặt chi tiêu để làm sao trước khi tìm được việc mới vẫn chưa tiêu hết tiền trợ cấp." - Anh tâm sự.

Những màn kịch vụng trong mùa thất nghiệp: Khó khăn chất chồng vẫn vui vẻ vờ đi làm mỗi ngày để gia đình yên ấm - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, cái kim trong bọc lâu ngày cũng sẽ phải lòi ra. May mắn thay, Lus đã tìm được công việc văn phòng sau 2 tháng "vật vờ", tối hôm nhận được thông báo đi làm, anh đã thú nhận mọi chuyện với cô bạn gái. Nhưng cô chỉ nói: "Đáng ra nên đổi việc từ lâu mới đúng, công việc cũ ngày nào cũng tăng ca rất hại sức khỏe." Hóa ra, người yêu Lus đã lờ mờ đoán được nhưng vẫn tin tưởng và không muốn tạo thêm áp lực cho bạn trai.

Khách quan mà nói, 2 tháng "vật vờ" đã cho anh 1 khoảng thời gian độc lập suy nghĩ. Tháng đầu sống trong lo lắng, sang tháng thứ 2 áp lực này giảm xuống và không còn "đói khát" công việc nữa, thay vào đó anh nghĩ xem mình thực sự cần gì.

"Có thể vào 1 ngày nào đó trong tương lai tôi lại bị sa thải, nhưng có người nhà tin tưởng thì không còn sợ gì nữa. Dù có thất nghiệp tập 2 cũng không nên 'giả vờ đi làm', thay vào đó thà dành thời gian cho những người thân yêu của mình sẽ thiết thực hơn." - Chàng trai trẻ bày tỏ.

Giả vờ đi làm vì không muốn sống theo sự sắp đặt của bố mẹ

Những màn kịch vụng trong mùa thất nghiệp: Khó khăn chất chồng vẫn vui vẻ vờ đi làm mỗi ngày để gia đình yên ấm - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

"Tôi đã tốt nghiệp đại học được 2 năm và cũng ‘đi làm’ được 2 năm." - Cô gái 24 tuổi tên Sumber kể.

Gia đình cô luôn nghĩ con gái là trợ lý của 1 công ty, nhưng thực tế, chỉ có Sumber biết công việc thực sự của mình là 1 họa sĩ vẽ tranh minh họa tự do.

"Bố mẹ chưa bao giờ ủng hộ tôi vẽ tranh. Thi lên cấp 3 tôi bèn lấy lý do điểm văn hóa kém, nếu không thi mỹ thuật thì có lẽ không thể vào được đại học. Bố mẹ đành thỏa hiệp, sau đó tôi thi đỗ 1 trường Cao đẳng nghệ thuật." - Cô chia sẻ.

Sau khi ra trường, bố mẹ Sumber không đồng ý cho con gái theo nghề vẽ, kiên quyết gọi cô về làm bàn giấy ở 1 công ty gần nhà. Thế nhưng Sumber quả thực không phù hợp với công việc văn phòng, công ty lại là của bạn bố, nên cô đã thương lượng với Giám đốc rồi xin nghỉ việc. Cuối cùng, Sumber quyết định đến thành phố Bắc Kinh lập nghiệp.

Trong tháng đầu tiên, hầu như ngày nào mẹ cũng gọi điện hỏi thăm tình hình tìm việc làm của con gái, bất đắc dĩ Sumber chỉ có thể nói dối bố mẹ là nhờ 1 chị khoá trên ở trường cũ giúp đỡ, nên đã tìm được công việc văn phòng trong 1 doanh nghiệp nhà nước. Nhưng trên thực tế, cô vẫn đang làm nghề vẽ tranh minh họa tự do, sống dưới vỏ bọc "nhân viên nhà nước" suốt 2 năm.

Những màn kịch vụng trong mùa thất nghiệp: Khó khăn chất chồng vẫn vui vẻ vờ đi làm mỗi ngày để gia đình yên ấm - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Đi làm văn phòng có giờ giấc cố định, vì vậy, dù có thức khuya vẽ đến 2-3h đêm, cô cũng phải đặt đồng hồ báo thức 7h dậy để phòng khi mẹ nhắn tin hỏi han. "Tan làm" cũng phải gọi điện báo cáo cho khớp thời gian.

Sumber hiện hợp tác với vài công ty quen nên mức thu nhập khá ổn. "Nhưng ngày nào cũng phải diễn quả thực rất mệt mỏi, đối với tôi đó không chỉ là lừa gạt, mà còn rất tủi thân. Rõ ràng được làm việc mình thích, thu nhập cũng đầy đủ lại tự nuôi được bản thân, tại sao không thể sống đúng với bản chất thật?" - Cô gái thở dài nói.

Sumber cũng đã có đôi lần tâm sự mình không thích công việc văn phòng, nhưng phản ứng của bố mẹ quá gay gắt, bởi vậy cô chỉ có thể tiếp tục nói dối.

Cô lên kế hoạch nhận thêm dự án và đóng thành album những tác phẩm đã hoàn thành, sau đó tìm cơ hội 1 ngày nào đó cho bố mẹ xem "thành tựu" và chứng minh cho họ thấy chỉ nhờ vẽ, cô có thể sống rất tốt suốt bao năm qua.

"Phụ huynh nào mà không lo lắng cho con cái, vấn để ở chỗ họ quan trọng hoá sự ổn định. Mọi biến động hoặc không chắc chắn đều được coi là yếu tố rủi ro. Có thể sau này tôi sẽ cố gắng tìm 1 công việc toàn thời gian, nhưng theo quan điểm cá nhân thì tìm được ý nghĩa trong công việc quan trọng hơn kiếm được bao nhiêu tiền. Nếu mất đi hứng thú thì cuộc sống chẳng phải sẽ khô khan đến vô vị sao?" - Sumber trải lòng.

Nếu đủ tiền tiết kiệm, muốn giả vờ đi làm suốt đời

Những màn kịch vụng trong mùa thất nghiệp: Khó khăn chất chồng vẫn vui vẻ vờ đi làm mỗi ngày để gia đình yên ấm - Ảnh 5.

Ảnh minh họa

"Tôi đã từ chức vào ngày 18/10 năm ngoái. Trước đó, tôi từng là nhân viên thiết kế đồ họa trong 1 công ty cao cấp ở thành phố Hàng Châu, nhưng chuyên môn lại bó hẹp ở phạm vi chỉ biết 'vẽ'. Năm ngoái, công ty làm ăn xuống dốc, thêm vào việc bị chơi xấu ở nơi làm việc, tôi đã bị đình công trong 1 thời gian dài. Khoảng tháng 9, công ty bắt đầu cắt giảm nhân viên. Kể từ lúc đó, ngày nào đi làm tôi cũng lo lắng vì không biết khi nào sẽ đến lượt mình. Sau khi cân nhắc kỹ, tôi bèn nộp đơn xin nghỉ việc trước khi bị cho nghỉ." - Tâm sự của chàng trai 28 tuổi tên Tiểu Vy.

Sau khi từ chức, anh cảm thấy vô cùng thoải mái. Tiểu Vy muốn tận dụng triệt để khoảng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi này để suy nghĩ thấu đáo xem mình muốn gì. Nhưng ở mãi trong 1 môi trường quen thuộc, anh luôn cảm thấy mọi thứ vẫn chỉ là hình bóng của ngày xưa, nên đã quyết định mua vé bay sang Thái Lan để tránh rét 1 thời gian.

Những màn kịch vụng trong mùa thất nghiệp: Khó khăn chất chồng vẫn vui vẻ vờ đi làm mỗi ngày để gia đình yên ấm - Ảnh 6.

Ảnh minh họa

Tất nhiên, bố mẹ anh không biết chuyện. Để tránh khơi mào cuộc chiến không đáng có giữa 2 thế hệ, Tiểu Vy chọn cách nói dối vẫn đi làm đều. Trên thực tế, cuộc sống của anh giờ đây chỉ là dịch chuyển từ nhà sang các địa điểm khác nhau mà thôi. 1 tháng nhàn nhã trôi qua rất nhanh, anh quay về nước trong trạng thái vẫn đang mông lung chưa tìm thấy câu trả lời.

Mãi cho đến đầu năm nay, anh bất ngờ phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp, lúc đó ung thư đã di căn sang hạch bạch huyết, bác sĩ bảo cần mổ ngay. Trước hôm phẫu thuật, Tiểu Vy bình tĩnh gọi điện báo tin cho mẹ. May sao ca phẫu thuật thành công, 1 tháng sau anh đã có thể hồi phục được gần như hoàn toàn.

Sau chuyện này anh mới quyết định hưởng thụ hết số tiền tiết kiệm, mỗi ngày qua đi đều sống cho mình, đến khi hết sạch tiền Tiểu Vy mới tính đến chuyện kiếm việc làm. Anh chàng cho biết: "Những ngày tháng thất nghiệp ở nhà, chi tiêu ít đi, cuộc sống cũng trở nên đơn giản hơn, nhưng suy cho cùng, tôi không có tiền tiết kiệm đủ dư dả để sống cuộc đời nhàn rỗi mà không phải lao động."

Vờ đi công tác, nửa tháng chu du được 4 nơi

Những màn kịch vụng trong mùa thất nghiệp: Khó khăn chất chồng vẫn vui vẻ vờ đi làm mỗi ngày để gia đình yên ấm - Ảnh 7.

Ảnh minh họa

"Công ty đang kinh doanh thua lỗ, nên tôi không ngạc nhiên khi nhận được thông báo sa thải. Đời người, nếu chưa từng trải qua cảm giác thất nghiệp thì có lẽ vẫn còn đang thiếu 1 trải nghiệm cần thiết của hành trình trưởng thành. Vậy nên khi nó đến, chúng ta cứ bình tĩnh tiếp nhận thôi." - Diệp Tử, 32 tuổi, Giám đốc điều hành sản phẩm trầm ngâm.

Tuy nhiên anh chưa nói chuyện này với vợ và con, bởi có lẽ khái niệm "chồng thất nghiệp" hoặc "bố thất nghiệp" nhất thời khiến họ không chấp nhận được, vì vậy anh vẫn "đi làm bình thường". Có điều khác với mọi ngày, sau khi nghỉ việc Diệp Tử chọn cách đi du lịch để làm mới tâm hồn.

Mấy ngày đầu thì ở quán cà phê tầng dưới công ty, sau đó đi trải nghiệm các quán net thời cấp 3. Anh hồi tưởng: "Những ngày đó thư thái vô cùng, tôi cảm thấy mình đã tìm lại được chút gì đó của sự nổi loạn thời còn là học sinh." 

Càng về sau, anh "mạnh dạn" hơn, mặt tỉnh bơ nói với vợ về chuyện đi "công tác" dài hạn, rồi tự đặt vé máy bay cho mình, lên kế hoạch thăm thú 4 thành phố trong 2 tuần.

Đầu tiên, Diệp Tử về quê nhưng không thông báo cho bố mẹ biết mà đến thẳng trường Tiểu học năm xưa, sau đó thăm lại thành phố nơi vợ chồng họ gặp nhau lần đầu. Tiếp nữa, anh tới thăm nơi lần đầu sống và làm việc, còn hẹn gặp 1 vài đồng nghiệp đi ăn uống, chuyện phiếm.

Những màn kịch vụng trong mùa thất nghiệp: Khó khăn chất chồng vẫn vui vẻ vờ đi làm mỗi ngày để gia đình yên ấm - Ảnh 8.

Ảnh minh họa

Điểm đến cuối cùng của anh là thành phố Thanh Đảo, lý do hết sức đơn giản: hơn 30 tuổi nhưng chưa 1 lần nhìn thấy biển. Bởi vậy, anh liền đặt khách sạn gần biển trong 1 tuần. Sau khi đi hưởng thụ nửa tháng, mãi đến khi "quỹ đen" cạn dần, Diệp Tử mới trở về nhà.

"Giả vờ đi làm hẳn là 1 việc mệt mỏi, nhưng đối với tôi, đó là cảm giác thư giãn hoàn toàn và cảm thấy mình trẻ trung hơn." - Diệp Tử nói.

Đến giờ, anh đã chuyển sang công tác ở 1 nơi mới, nhưng vợ con vẫn không hề biết đến kỳ nghỉ ít ỏi chính anh tự thưởng cho mình.

"Tôi không nghĩ đây là hành vi vô trách nhiệm, vì sau khi dạo chơi, mình mới hiểu hơn về cuộc sống, về gia đình, về những lo toan mà mình phải gánh chịu. Có thể nói, lần trải nghiệm này như là 1 cuộc sống hoàn mỹ thu gọn. Nếu có cơ hội, sau này tôi mong 1 lần được đưa gia đình đi trốn, không việc gì phải 'đóng kịch' nữa."

Nguồn: Sohu

Những màn kịch vụng trong "mùa thất nghiệp": Khó khăn chất chồng vẫn vui vẻ vờ đi làm mỗi ngày để gia đình yên ấm - Ảnh 9.