Sau khi lớn lên, sự trao đổi giữa con cái và bố mẹ càng ngày càng ít đi. Phụ huynh không hiểu thế giới mới của các con, con cái lại không đủ kiên nhẫn để tìm hiểu những buồn vui giận hờn của bố mẹ. Không ít ông bố, bà mẹ phải thốt lên rằng: "Đằng đẵng nuôi con bao nhiêu năm, ấy vậy mà khi chúng lớn, trong tâm trí lại không có "người già" này".

Cha mẹ thường trách cứ con cái vô tâm. Nhưng nhiều khi họ lại không biết rằng, chính sự thiếu tinh tế trong cách ứng xử với các con mà vô tình khiến con mình "khóa miệng", không cởi mở chia sẻ với ba mẹ nữa.

01

Một bài đăng trên diễn đàn Weibo Việt Nam với tựa đề: "Trong quá trình trưởng thành, điều gì đã dẫn đến việc những đứa trẻ không còn muốn chia sẻ với bố mẹ nữa?" đã thu hút hơn 8.500 lượt tương tác, hàng trăm bình luận, chia sẻ, sau ít giờ đăng tải.

Theo đó, một chàng trai nhớ lại, hồi anh học cấp 3, một lần, khi cả nhà ăn tối xong, tự nhiên mẹ anh lại cầm điện thoại và gọi cho thầy giáo chủ nhiệm. Bà thản nhiên nói rằng: "Alo, thầy chủ nhiệm à, tôi là mẹ cháu XX. Đúng vậy, tôi muốn hỏi một chút, con tôi nói dạo này nhà trường không giao bài tập về nhà, có đúng vậy không thầy?".

Khi tắt máy, bà còn vui vẻ giải thích với con trai: "Mẹ chỉ muốn thầy giáo đã giao bài tập gì cho con thôi mà".

Nghe xong, người con lập tức "đứng hình". Bởi đó là câu chuyện mẹ anh bịa ra, anh hoàn toàn không nói vậy. Thậm chí, lúc đó, anh còn tức giận đến mức bẻ gãy đôi đũa để phản ứng về hành động mẹ mình vừa làm. Nhưng đổi lại bà chỉ cười cho qua: "Chuyện bình thường mà, mẹ xin lỗi".

Rốt cục, đúng như chàng trai dự đoán, hôm sau anh đến lớp bị thầy bêu riếu rằng "lười, không chịu khó hoàn thành nhiệm vụ được giao, lại còn nói dối bố mẹ". Nhìn ánh mắt thầy nghiêm nghị nhìn mình, đối diện với những nụ cười chế nhạo của bạn bè. Lúc đó, cậu trò rất xấu hổ.

Đó không phải lần đầu mẹ cậu nói vậy với thầy chủ nhiệm. Những lần trước chàng trai chỉ thấy thầy nhìn mình chằm chằm mà không hiểu nguyên nhân. Nhưng giờ thì hiểu ra rồi.

Những mẩu chuyện phụ huynh thường tặc lưỡi "bình thường mà", nhưng lại vô tình "xây tường thành" với con cái, khiến chúng khóa miệng, không còn cởi mở  - Ảnh 1.

Chưa hết, hồi anh học cấp 2, khi cơ thể đang tuổi dậy thì, cao gần bằng mẹ mình, mọi thứ với trở nên nhạy cảm. Thì bất ngờ trong tủ quần áo của anh xuất hiện rất nhiều bộ quần áo nữ, còn mới, nguyên tem mác. Nào là sơ mi thêu hoa, áo t-shirt bó eo, quần ống loe, chỉ còn thiếu mỗi bộ váy nữa thôi là đủ set thời trang mùa hè.

Lúc đầu anh còn tưởng là do mẹ cất nhầm, nhưng khi nói với bà, kết quả lại nhận được câu trả lời: "Không sai, đây là đồ của con mà, lúc trước không phải đã từng mặc qua rồi à?". Hóa ra, đó là quần áo mẹ mua nhưng không thích nữa thì tống sang tủ của cậu. Một người mẹ sao lại có thể để cho đứa con trai đang tuổi dậy thì mặc đồ phụ nữ như vậy?

Một lần dậy muộn, cậu mặc nhầm. Và thế là thành trò cười của cô bạn cùng lớp.

Cậu mang bực dọc về nói với mẹ, nhưng bà đều phủ nhận và nói rằng đó là quần áo của anh. Phải đến khi trưởng thành, khi anh chất vấn lại, bà mới cười - điệu cười vô tội: "Hóa ra con trai mẹ biết hết à, thôi bỏ đi, chuyện này có đáng là gì".

Những câu chuyện đó lặp đi lặp lại nhiều lần. Dần dần anh mất niềm tin vào mẹ. Tình cảm nhạt dần, chàng trai không chủ động kể cho mẹ 1 việc gì hết trong quá trình trưởng thành. Có lần bà than vãn: "Sao con không quan tâm bố mẹ một chút nào vậy? Tại sao trước giờ chưa từng gọi điện về nhà?". Anh chỉ im lặng nhìn mẹ, không giải thích điều gì. Bởi thực sự anh không biết gọi điện về rồi phải nói gì với bà ấy nữa.

Người lớn hay kiểu như vậy, phủ nhận những gì bản thân đã làm. Hoặc thừa nhận thì lại coi đó là vấn đề bình thường. Quên đi cảm xúc của các con, vô tình cha mẹ sẽ khiến con cái không còn tin tưởng.

02

Tôi cũng ít gọi điện về nhà. Trường đại học cách nhà cũng không quá xa, nhưng hiếm khi tôi chủ động về.

Từ nhỏ, tình cảm của tôi với bố mẹ đã không tốt (nhà tôi trọng nam khinh nữ). Bản thân là người nhạy cảm, nhưng năm lớp 12 tôi bị bạo lực học đường. Tôi sợ hãi với việc đến lớp. Cộng thêm việc cuối cấp phải ôn thi rất vất vả và áp lực khiến tôi càng rối loạn. Ở lớp như thế nhưng về nhà cũng không ổn, bố mẹ luôn cho tôi thấy sắc mặt không tốt của họ. Hai người cằn nhằn đủ mọi chuyện, không bao giờ hỏi tôi học có mệt không, ôn thi có quá sức không? Nhưng họ lại vô cùng hi vọng về tôi...

Sau đó, điểm thi không được như ý. Tôi buồn lắm. Bố suốt ngày cằn nhằn (bố tôi trọng sĩ diện, ông cảm thấy mất mặt khi con cái của những nhà xung quanh đỗ đại học còn tôi thì không). Cả mẹ và bố đều mắng chửi tôi thậm tệ, nhiều lời còn thô tục. Ông ý không thèm hỏi tôi có điền nguyện vọng nào nữa không, mà đã nói với người ta rằng tôi trượt đại học. Điều này khiến tôi xấu hổ.

Sau này tôi xin tiền lên thành phố học thì ông hỏi tôi lên đấy làm gì? Cho dù tôi không học đại học thì cũng sẽ đi làm chứ chẳng lẽ cả cuộc đời chỉ ở một nơi này? Từ nhỏ bố tôi có chút cổ hủ, không cho tôi đi chơi vì thế tuổi thơ của tôi rất cô độc. Hiện tại bạn bè cũng rất ít.

Chuyện này cũng trôi qua lâu rồi nhưng vì trong lòng có khúc mắc từ nhỏ tới lớn tích tụ lại, nên tôi không muốn chủ động gọi điện hay về nhà. Mà tôi không gọi cho họ, họ cũng chẳng thèm gọi cho tôi. Chỉ khi nào có việc gì cần, bố mẹ mới gọi lên. Bản thân tôi càng ngày càng lạnh nhạt, thật sự rất giống một kẻ không có trái tim.

Những mẩu chuyện phụ huynh thường tặc lưỡi "bình thường mà", nhưng lại vô tình "xây tường thành" với con cái, khiến chúng khóa miệng, không còn cởi mở  - Ảnh 2.

03

Năm lớp 8, mình có thích một bạn nam. Mình có thủ thỉ kể cho mẹ thì bà cười khúc khích. Sau đó, mình có viết nhật ký (chuyện này mình không nói với mẹ) nhưng bà đã lén đọc trộm. Mẹ còn lén vào Facebook của mình đọc hết tin nhắn. Vụ crush, mẹ cứ nói bóng nói gió mãi. Thế rồi không hiểu sao những bà hàng xóm của mình cũng biết. Họ không nói thẳng mà chỉ nói bóng gió những câu đại loại như: "Cái L. sắp cho bác ăn cỗ rồi nhỉ", "Cố mà học đi cháu, yêu đương sớm rồi tương lai không ra gì",...

Một hôm, mình làm mất cái tai nghe của mẹ, mẹ hỏi: "Đem đi cho thằng khác rồi à?". Trong một lần mẹ bực mình, mẹ cũng lôi chuyện crush ra chửi mình, bảo không lo học đi yêu đương viết linh tinh, không khôn không khéo sẽ sớm trở thành con đ*. Mình không thể tin được, tại sao mẹ có thể thốt ra lời đó?

Lên lớp 10, mình thần tượng nhiều idol nên có nick phụ. Trên đó mình hay viết những điều vu vơ, tâm sự với mấy người bạn qua mạng.

Một đêm mình nằm nói chuyện với mẹ, tâm sự đủ thứ, rồi vô tình nói ra bí mật này. Mình bảo cảm thấy thoải mái khi viết tâm sự trong lòng. Cảm thấy có sự thấu hiểu khi nói chuyện với người lạ và nghe an ủi của họ.

Mình cứ tưởng là mẹ hiểu mình. Nhưng sau đó bà mò vào tài khoản phụ, đọc hết mấy cái bài tâm sự mà mình không muốn cho ai ngoài đời biết được. Thế rồi, bà chửi mình, nói mình "rảnh", "mơ mộng",... và còn cười ngặt nghẽo khi kể cho bố mấy bài đăng của mình. Từ đó trở đi không bao giờ mình muốn tâm sự với mẹ nữa.

Những mẩu chuyện phụ huynh thường tặc lưỡi "bình thường mà", nhưng lại vô tình "xây tường thành" với con cái, khiến chúng khóa miệng, không còn cởi mở  - Ảnh 3.

04

Ngày xưa, lúc còn đi học, khi ăn cơm mẹ sẽ luôn nói là "ăn nhanh mà còn lên học/ rửa bát xong thì lên học đi". Tôi cực kì dị ứng với kiểu đấy, ai chẳng biết là ăn cơm xong sẽ đi học bài, ngày nào cũng nhắc làm tôi rất khó chịu. Cơm ăn cũng chẳng ngon nữa.

Tôi ít khi cho bạn bè đến nhà chơi. Vì chơi chưa được bao lâu, mẹ sẽ lên phòng tôi và bắt đầu hỏi: "Thế cái T. ở lớp nó học như nào? Có hay dơ tay phát biểu không? Mấy đứa bảo nhau học....". Tất cả đều là học, học, học.

Đến ngay bây giờ tôi đã đi làm, mẹ vẫn nhắc "ăn xong thì lên làm việc đi".

Khi stress với công việc, tôi nói với mẹ là không hợp làm cô giáo, thì bà bảo: "Cả nghìn người làm giáo viên chẳng thấy ai kêu như con", "con cứ tự nghĩ ra như thế", "thế nào mà không hợp, không hợp ở đâu, nói mẹ nghe xem nào?", "Dậy mà vận động đi, nằm lắm nó mụ mị đầu óc ra đấy" ," chơi điện thoại ít thôi"... Rồi bà bắt đầu đem tôi so sánh với con ông A, bà B cũng làm giáo viên. Bà thẳng thừng chỉ trích tôi thụ động, kém năng lực. Rồi thì những câu than thở tôi nghe phát chán: "Giá mà, nó làm con tao thì phúc biết mấy. Con nhà người ta không bao giờ khiến bố mẹ chúng thất vọng...". Nói chuyện với mẹ chỉ thêm rước bực vào người.

Mẹ đâu có biết là tôi trốn tránh thực tại bằng cách đi ngủ, tôi cảm thấy thoải mái nhất khi ngủ, tôi thậm chí còn chẳng muốn thức dậy, không có động lực để làm việc, tôi chơi điện tử vì cuộc sống của tôi chẳng có gì thú vị hết.

Những mẩu chuyện phụ huynh thường tặc lưỡi "bình thường mà", nhưng lại vô tình "xây tường thành" với con cái, khiến chúng khóa miệng, không còn cởi mở  - Ảnh 4.

05

Mẹ tôi còn là người không bao giờ biết xin lỗi con cái, dù mẹ tôi chính là người sai. Một cuộc hôn nhân của bà thất bại, bà không dám thay đổi, nhưng lúc nào cũng nói là muốn tốt cho con, mặc dù chẳng bao giờ hỏi chúng tôi muốn gì. Đem cái cuộc hôn nhân đứt gánh giữa đường và bất hạnh đó, áp đặt lên hạnh phúc của con gái mình. Bảo sao cuộc đời mãi khổ!

Mỗi lần có người yêu, tôi rất sợ mẹ biết. Chỉ cần mẹ nghe ngóng được tin tôi có bạn trai là bà sẽ tra hỏi cho bằng được: Nó ở đâu? Tên gì? Công việc thế nào? Học vấn ra sao? Đi làm chưa? Bố mẹ nó có dễ tính không... khiến tôi rất đau đầu.

Và sau đó bà nhất quyết bắt tôi dẫn về để xem có ưng mắt không. Chỉ cần không thích, bà làm đủ cách khiến tôi phải chia tay, đôi khi còn tạo áp lực để những người bạn trai đó xa lánh tôi.


Mọi người có thấy bóng dáng mình trong những câu chuyện nho nhỏ trên không? Nhiều người thường nói, lớn lên chính là quá trình chúng ta càng bước càng xa bố mẹ. Phụ huynh thường hờn trách con cái vô tâm, càng lớn càng không coi bố mẹ ra gì. Nhưng nhiều khi họ không hiểu được rằng, chính những lúc đối xử với con cáu gắt, thiên vị, xâm phạm đời tư, không biết giữ bí mật cho con, làm con tủi hổ... lại khiến chúng tự động khép mình, đề phòng bố mẹ.

Mỗi bậc phụ huynh hãy tạo một môi trường an toàn và tràn đầy yêu thương, khiến con cảm thấy dù có chuyện gì xảy ra, con vẫn luôn có bố mẹ ở bên bảo ban và che chở.