Du lịch biển đem lại cho chúng ta cảm giác sảng khoái, thoải mái. Đây cũng là thời gian con bạn không phải đến trường, những kỳ nghỉ tại nơi làm việc bắt đầu rậm rịch. Chúng ta có nhiều thời gian dành cho gia đình, bạn bè và những chuyến du lịch biển là điều không thể thiếu.

Tuy nhiên, một số mối nguy tiềm ẩn vào mùa du lịch biển rất có thể sẽ rình rập, làm hại bạn và gia đình. Do đó, điều quan trọng là bạn cần phải biết để phòng tránh những rủi ro xấu nhất. Một số nguy cơ tiềm ẩn vào mùa du lịch biển có thể gây tổn hại sức khỏe chính là:

Những mối nguy tiềm ẩn vào mùa du lịch biển cần phải biết để phòng tránh - Ảnh 1.

Du lịch biển đem lại cho chúng ta cảm giác sảng khoái, thoải mái.

Nguy cơ bị sứa cắn

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), sứa là động vật không có xương sống, sống ở biển hay những nơi nước mặn. Sứa còn sống chứa nhiều độc tố và khi chạm phải, con người sẽ bị dị ứng.

Độc tố của sứa biển, thường tập trung ở các xúc tu, chúng sử dụng các tế bào châm được gọi là nematocyst. Các tế bào này đều rất nhỏ và có độc. Một số loài sứa có đến hàng triệu nematocyst trong xúc tu, được sử dụng khi sứa bắt mồi và tự bảo vệ. Khi bị sứa cắn, các độc tố này sẽ ngấm qua da người xâm nhập vào cơ thể, nếu nhẹ, nạn nhân chỉ có phản ứng ngoài da, tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều. Toàn thân chỉ cảm thấy khó chịu, không nên quá lo lắng.

Ở thể nặng có thể gây đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt... cần đưa ngay vào bệnh viện để chống sốc phản vệ.

Những mối nguy tiềm ẩn vào mùa du lịch biển cần phải biết để phòng tránh - Ảnh 2.

Độc tố của sứa biển, thường tập trung ở các xúc tu, chúng sử dụng các tế bào châm được gọi là nematocyst.

Ở thể cấp hay bán cấp, sau chừng 15 phút chạm phải sứa, nạn nhân ngứa ở bàn tay, bàn chân, trên da nổi ban đỏ từng vùng, nổi mày đay toàn thân, tim đập nhanh đều, huyết áp hạ thấp, ho khan, khó thở khò khè. Thanh quản phù gây khó thở. Nạn nhân buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, chảy nước mắt, chảy nước mũi, vã mồ hôi thì phải đến viện ngay để được hồi sức và chống sốc.

Giải pháp: Nên mang theo một số loại thuốc giảm ngứa, thuốc kháng sinh và một chai dấm để khi bị sứa đốt thì chủ động xử lý để bảo vệ mình và người thân khi tắm biển. Khi xuống tắm nếu thấy cơ thể bị ngứa cần lên bờ ngay kiểm tra xem có phải bị sứa cắn hay không để còn điều trị kịp thời.

Giun biển đang vào mùa hoành hành

Mới đây, trên mạng xã hội đang truyền nhau thông tin rết biển hay còn gọi là giun biển, chuột biển được ghi nhận xuất hiện dày đặc ở Vũng Tàu. Theo đó, chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, khách du lịch liên tục ghi nhận và chia sẻ các clip liên quan đến sự xuất hiện dày đặc loài sâu biển trên các bãi cát ở Vũng Tàu.

Giun biển thường xuất hiện nhiều vào mùa sinh sản. Chúng có hình dáng bên ngoài gần giống con rết và có cơ chế gây ngứa bằng lông giống như sâu. Khi chạm phải giun biển, nhất là ở các vùng da mỏng, nhạy cảm, con người có thể bị rộp. Đối với những người dễ bị dị ứng thì tình trạng có thể trở nên nặng hơn, phải vào viện xử lý.

Những mối nguy tiềm ẩn vào mùa du lịch biển cần phải biết để phòng tránh - Ảnh 3.

Giun biển thường xuất hiện nhiều vào mùa sinh sản.

Giải pháp: Để phòng chống nguy cơ chạm phải giun biển, chuyên gia khuyên, khi đi tắm biển mọi người cần hết sức thận trọng, quan sát kỹ để tránh chạm vào. Tốt nhất là không chạm vào những vật thể lạ khi đi biển để tránh rủi ro. Nâng cao tinh thần cảnh giác cho mọi người, nhất là trẻ nhỏ có tính tò mò, hiếu động.

Nếu chẳng may chạm vào giun biển cần nhanh chóng rửa sạch bằng nước biển, sau đó sử dụng một số loại thuốc bôi da theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Nếu lo lắng giun biển tấn công, trước khi đi biển tốt nhất nên đến gặp bác sĩ da liễu để mua một số loại thuốc phòng chống côn trùng biển gây tổn thương da, sẵn sàng ứng cứu kịp thời.

Đồ hải sản, đồ ăn tái sống ẩn chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, việc lựa chọn thức ăn luôn là khâu quan trọng. Dù có được giới thiệu là ngon, bổ hay hấp dẫn đến mấy thì tất cả các món gỏi, món sống đều là loại thức ăn không an toàn, nguy cơ chứa mầm bệnh rất cao.

Các món cá gỏi, thịt sống là ổ chứa mầm bệnh của nhiều loại tác nhân gây bệnh đường tiêu hóa và từ đường tiêu hóa tới các cơ quan, bộ phận khác. Có thể kể đến như ăn gỏi cá là nguy cơ mắc bệnh sán lá gan nhỏ, ăn nem thính có nguy cơ mắc bệnh sán dây lợn và ấu trùng sán lợn, ăn hải sản nấu chưa chín có nguy cơ mắc tiêu chảy...

Những mối nguy tiềm ẩn vào mùa du lịch biển cần phải biết để phòng tránh - Ảnh 4.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh , việc lựa chọn thức ăn luôn là khâu quan trọng.

Giải pháp: Trong mọi trường hợp khi đi du lịch, thức ăn chín luôn là sự ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Đối với người bụng dạ yếu, dễ bị bệnh đường tiêu hóa cần hết sức cẩn trọng, không nên thử đồ ăn lạ một cách tùy tiện. Để phòng tránh bệnh, bạn có thể mua thêm men tiêu hóa hoặc thuốc trị tiêu chảy để phòng tránh.

(Nguồn: Tổng hợp)