Nếu có thời gian dạo quanh mạng xã hội, lặn lội vào hội nhóm nhỏ to tâm sự của hội chị em, chẳng khó tìm thấy những thành viên tích cực trong team “anti mộng chè”. Ba vạn chín nghìn lời thở than được buông ra từ các nàng dâu, dù mới cưới đôi năm hay đã qua nhiều sóng gió, nào là mẹ chồng ki bo đưa 100 nghìn bắt làm cơm đãi khách, nào là giày dép mẹ chồng mua cho cháu nhìn đã thấy “nhà quê”; rồi thì mẹ chồng lười, chơi rong, xem Youtube cả ngày mà không chịu trông cháu…
Nghe quá nhiều những lời phàn nàn về mẹ chồng, nên chúng ta dễ dàng vẽ ra một chân dung mẹ chồng “quốc dân”, đích thị là một bà già (hoặc chưa quá già thì cũng cau có) xấu tính, bẻ hành bẻ hẹ, xét nét, cổ hủ, thẩm mỹ kém, thiên vị, cay nghiệt… Nhưng nói cho công bằng, không phải nàng dâu nào cũng vô tội và mẹ chồng nào cũng muôn phần đáng ghét.
SỐNG CHUNG VỚI CON DÂU, MẸ CHỒNG CŨNG KHÓC
Một mối quan hệ, một tình cảm phải đến và được xây dựng từ hai phía. Các nàng dâu ấm ức thì mẹ chồng cũng có nỗi lòng riêng. Không ít người cảm thấy “bị đe dọa”, “bị thừa ra” ngay trong chính căn nhà quen thuộc của mình. Nhiều mẹ chồng cũng khao khát được “ra riêng” chẳng kém gì con dâu, để có cho mình những khoảng trời tự do, để khỏi trở thành “osin không công” của con cháu...
Cô Nguyễn Thị Kim Oanh (Thanh Xuân) thở dài kể, cô rất buồn vì nhà có một nàng dâu lấn át mình, còn con trai thì đúng là “đội vợ lên đầu”.
“Vừa cưới xong, con dâu tôi đã yêu cầu chồng mua mới toàn bộ nội thất, giường tủ trong phòng riêng. Chăn gối cưới tôi tự tay chuẩn bị, dù đã chọn loại nhập khẩu rất xịn, con dâu nằm được 1 tuần là đem bỏ đi, mua lại mấy bộ khác.
Rồi sau đó 1 tháng, tôi về quê chơi cuối tuần, lúc lên còn tưởng mình vào nhầm nhà, vì tất cả đồ dùng trong nhà từ tủ lạnh, tivi, đến cả bếp ga tôi đang dùng quen cũng bị vứt bỏ, thay vào bếp từ, bếp hồng ngoại mà chỉ có hai đứa biết dùng. Chúng tự ý làm mà không hỏi một tiếng. Tôi góp ý thì con dâu quát lại là mẹ lạc hậu, con trai còn bênh vợ, bảo mẹ lẩm cẩm, sướng thế còn không biết điều....”, cô Oanh ấm ức.
Cũng có những mẹ chồng, mang trong lòng tổn thương, nước mắt nuốt ngược vào trong vì làm gì con dâu cũng không vừa ý. Cô Đỗ Thị Hà (Hoàng Mai) vốn xuề xòa trong cách nấu nướng, trái ngược hoàn toàn với nàng dâu 9X kén ăn. Cô chỉ muốn xào nấu thật nhanh cho xong bữa, trong khi con dâu vào bếp thì tối mịt cả nhà mới được ăn.
“Con dâu hay về muộn, tôi sốt ruột nấu hộ con 10 bữa thì 9 bữa con dâu bực dọc, sưng mặt lên hờn dỗi. Mua thức ăn về để đấy, hiếm lắm mới có ngày nó không chê, khi “sao thịt nạc thế”, khi “gà bở bùng bục thế này thì ăn gì”... Để nó tự mua thì toàn đồ siêu thị đông lạnh. Tôi bảo cho chúng nó ăn riêng để thoải mái thì hai đứa nặng nhẹ, bảo chắc mẹ muốn đuổi khéo ra đường thuê nhà. Chuyện mớ rau con cá rất nhỏ, nhưng rất ức chế.
Tôi cũng muốn dành thời gian thể dục, gặp gỡ bạn bè như hồi trước, nhưng giờ phải “chôn chân” ở nhà trông cháu cho con đi làm. Vừa xoay với cháu, rồi tranh thủ đi chợ, nấu cơm, giặt giũ, lau nhà… Tôi cứ nghĩ mình chấp nhận hy sinh, con dâu phải biết ơn. Đằng này, nó lại nghiễm nhiên coi đó là nhiệm vụ của tôi. Nhiều khi tôi nghĩ mình là osin của con chứ không phải mẹ chồng…”.
Còn vô vàn những mâu thuẫn bắt nguồn từ những thứ nhỏ nhặt như thế trong gia đình, từ chuyện nói năng, sinh hoạt của những người lớn cho đến việc cho trẻ con ăn gì, mặc gì, chơi đâu… Sống chung với con dâu, nước mắt mẹ chồng cũng đổ, cũng nhiều bức xúc chẳng kém gì, chỉ khác là họ không thường nói ra, không dễ thổ lộ công khai.
TỪ TỔN THƯƠNG ĐẾN YÊU THƯƠNG
Trên thực tế, khi xảy ra mâu thuẫn, cả 2 bên thường hay quy đổ lỗi lầm cho nhau. Ai trong chúng ta cũng là kẻ xấu trong câu chuyện của người khác. Nếu con dâu cho rằng mẹ chồng quá khắc nghiệt, hay soi xét thì mẹ chồng cũng lại chê con dâu trẻ con, hỗn hào, quá đáng… Mẹ chồng nàng dâu, sống chung cũng phức tạp mà sống gần cũng không tránh được va chạm, nhưng có khi mẹ chồng chịu thiệt nhiều hơn, ấy là vì… không ai bênh.
“Cuộc chiến” mẹ chồng nàng dâu nổ ra, nhiều khi chẳng vì lý do gì khủng khiếp mà từ những mâu thuẫn, hiểu lầm vụn vặt, nhưng bị thổi bùng lên vì định kiến. Chúng ta rất dễ yêu thương mẹ ruột của mình, và rất dễ để ghét mẹ chồng, coi mẹ chồng như kẻ thù. Các nàng dâu tìm ra rất nhiều lý do để “ghét” mẹ chồng: Vì bà ấy không sinh ra mình, vì bà ấy khó tính, vì bà ấy đối xử với mình không tử tế, vì bà ấy thiên vị con gái, vì bà ấy bênh chằm chặp con trai, vì bà ấy có tâm địa hẹp hòi…
Nhiều nàng dâu chưa bước vào nhà chồng với cái đầu đầy định kiến, chưa chi đã lăm le chia phe, và mặc nhiên muốn chồng phải ủng hộ mình (đồng nghĩa với việc từ bỏ mẹ). Các cô cũng muốn tạo ra những tiêu chuẩn mới cho gia đình của mình và yêu cầu các thành viên khác (bao gồm mẹ chồng) tuân phục. Khi bị phản ứng lại, nhiều nàng dâu khó chịu, mệt mỏi và áp lực.
Còn về phía mẹ chồng, thực ra, luôn mong mỏi đón một cô dâu hiếu thuận, vui vẻ và hòa nhập. Việc mẹ chồng “tấn công” nàng dâu cũng không quá khó hiểu. Hãy thử tưởng tượng có một người lạ đến sống ở nhà bạn, mang theo văn hóa xa lạ vào gia đình bạn, muốn thay đổi cả nếp sống ổn định mấy chục năm, muốn “chiếm lấy” vị thế quan trọng của bạn, bạn có hoàn toàn thoải mái không?
Và bạn phải mở lòng, dang tay với họ; phải giao người con trai mà bạn yêu thương ấp ủ suốt ngần ấy năm - “tài sản” lớn nhất của bạn cho họ, phải chấp nhận việc người đó sẽ “nhuộm màu” con trai mình, sẽ trở thành chủ gia đình trong tương lai. Đó là người mà tài sản bạn vun vén bao nhiêu năm sẽ về tay họ quản lý, khi bạn lùi về phía sau… Bạn có thấy đó là việc dễ dàng không?
Mẹ chồng hay nàng dâu vốn là hai người phụ nữ xa lạ, chỉ trở thành mẹ - con nhờ một người đàn ông mà cả hai đều yêu thương hết mực. Trước khi thực sự gắn kết, có tình cảm với mẹ chồng, tôn trọng, yêu thương bà, nếu nàng dâu có thể biết điều một chút, kìm nén cái tôi của mình một chút, nhà cửa đã đủ êm ấm rồi!
Thử nghĩ xem, tài sản lớn nhất trong đời mình, mẹ chồng còn trao cho con dâu được, còn gì mà toan tính? Mẹ chồng thì cũng chỉ là một phụ nữ thôi. Và sức mạnh dữ dội nhất của phụ nữ không phải là ganh đua, mà là biết ơn và yêu thương.
Các nàng dâu hay than vãn rằng mẹ chồng không bao giờ yêu thương mình như con gái. Nhưng chính bản thân con dâu cũng không thực lòng coi mẹ chồng như mẹ ruột, thì sao có thể mong cầu điều tương tự?
Con dâu chỉ cần hiểu rằng, mẹ chồng không phải là một bà lão càm ràm hay soi xét, mà chỉ là người đã sinh ra và nuôi dạy người đàn ông tuyệt vời mình chọn làm người đồng hành suốt đời, người đang lo lắng sẽ bị con trai cho “ra rìa”, thì sẽ biết thương bà, thay vì ra ngoài “đấu tố”, tìm chiêu để “xử lý” mẹ chồng.
“Tổn thương” và “yêu thương” người phụ nữ ấy, đằng nào cũng có một chữ “thương”. Chọn chữ nào là do mình thôi!