Đứng trước ngưỡng cửa đại học, chọn ngành học gì đúng sở thích, năng lực nhưng quan trọng vẫn đảm bảo đầu ra là những yếu tố sĩ tử nên lưu ý. Đành rằng cơ hội việc làm còn phụ thuộc vào nỗ lực, ý chí, khả năng của mỗi người, tuy nhiên lựa chọn ngành học có tiềm năng trong tương lai để bớt lâm vào cảnh cặm cụi 4 năm học rồi phải chật vật tìm kiếm việc làm là điều cần cân nhắc. Bởi có rất nhiều những ngành nghề hiện nay đang rất hot, rất "khát" nhân lực song cũng có nhiều nghề kiếm việc rất vất vả.
Trong khi đó, nhiều ngành khoa học cơ bản, truyền thống đang vô cùng khan hiếm nhân lực nhưng lại chưa được thí sinh quan tâm bởi chưa thực sự hiểu hết về chương trình đào tạo và cơ hội việc làm.
Một số ngành điển hình như: Y tế công cộng, môi trường, Nông - lâm - thuỷ sản, Địa chất... Thạc sĩ Phùng Quán - Trưởng phòng Thông tin Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - cho hay: Học các ngành trên đang có cơ hội việc làm rất cao. Nhu cầu xã hội lúc nào cũng cần, còn nhân lực lúc nào cũng thiếu. Cơ hội việc làm rất rộng mở, nếu sinh viên giỏi kiến thức và ngoại ngữ sẽ có cơ hội làm việc tại các tập đoàn nước ngoài với mức lương "khủng".
1. Y tế công cộng
Theo Trường Đại học Y tế công cộng, trong đại dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy rõ vai trò, thiết yếu của y tế công cộng, tuy vậy, tỉ lệ nhập học so với chỉ tiêu ngành Y tế công cộng của các trường đào tạo mã ngành này giai đoạn 2016-2020 chỉ chiếm khoảng 60-70%. Năm 2020, có 4 trường không tham gia tuyển sinh ngành này nữa vì những năm trước tỷ lệ tuyển sinh thấp.
Trong khi đó, cơ hội việc làm rất rộng mở khi cả nước có tới 63 trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hơn 500 huyện đều có trung tâm y tế, khoảng 100 các tổ chức phi chính phủ làm việc trong lĩnh vực y tế công cộng và rất cần những nhân lực được đào tạo bài bản.
Phạm vi làm việc của ngành Y tế công cộng hiện nay khá phát triển và luôn rộng mở. Một số nguồn tin cho biết, tỷ lệ sinh viên học ngành Y tế công cộng hiện nay có việc đúng ngành ngay và luôn sau khi ra trường là rất cao.
Đại học Y tế công cộng lấy điểm chuẩn năm 2020 ngành Y tế công cộng là 15,5 điểm. Đại học Y Dược TP. HCM lấy 19 điểm.
2. Nông - lâm - thuỷ sản
Các thí sinh tỏ ra thờ ơ với các ngành khối nông – lâm - ngư vì cho rằng đây là những ngành không "sang trọng", khó kiếm việc thu nhập cao, công việc vất vả,… Trên thực tế, ngành học này được đánh giá sẽ có vị thế cao trong tương lai gần, việc áp dụng công nghệ cao cũng khiến công việc của nhân sự trở nên dễ dàng hiệu quả hơn.
Theo con số thống kê từ các đợt khảo sát: 88% sinh viên Lâm nghiệp tốt nghiệp có việc làm ngay trong năm đầu tiên, trong đó 68% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành (32% có việc làm trái ngành). Kết quả khảo sát nhiều năm cũng cho thấy rằng có 95% sinh viên có việc làm trong 3 đến 5 năm đầu.
Rất nhiều ngành như: Khoa học môi trường, Quản lý tài nguyên rừng, Kiến trúc cảnh quan, Công nghệ chế biến lâm sản số sinh viên tốt nghiệp ra trường 100% có việc làm và thu nhập cao từ 10 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra thị trường nước ngoài cũng có nhu cầu lớn về kỹ sư nông lâm nghiệp có chuyên môn cao và sẵn sàng tiếp nhận lao động Việt Nam với mức lương từ 40-50 triệu đồng/tháng. Các chương trình thực tập sinh, thực tập nghề nông nghiệp được hưởng lương và việc làm quốc tế có thu nhập cao tại Israel, Nhật Bản, Mỹ, Australia…
Đại học Lâm nghiệp lấy điểm chuẩn ngành Lâm học năm học 2020 là 18 điểm; Đại Học Nông lâm – Đại Học Thái Nguyên 15 điểm; Phân hiệu Đại học Nông lâm TP. HCM tại Gia Lai 15 điểm; Nông Lâm TP.HCM (Điểm chuẩn năm học 2020 là 16 điểm.
3. Khoa học môi trường
Học Khoa học môi trường thì sẽ làm việc về các vấn đề về quản lý môi trường, tài nguyên đất, khí, nước, hệ thống định vị, luật môi trường, quản lý đất đai. Công nghệ kỹ thuật môi trường thì đi sâu về xử lý nước thải, rác thải, khí thải…
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong 63 sở tài nguyên môi trường, mỗi tỉnh có rất nhiều phòng tài nguyên môi trường, các cơ quan ban ngành, công ty, doanh nghiệp thuộc hệ thống nhà nước và ngoài công lập.
Năm 2020, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) lấy điểm chuẩn ngành Khoa học môi trường là 17 điểm; Đại học Nông lâm TPHCM 16 điểm; Đại học Sài Gòn 16 đến 17 điểm...
4. Địa chất
Kỹ thuật địa chất là ngành kỹ thuật ứng dụng khoa học địa chất để xác định các yếu tố địa chất ảnh hưởng đến thiết kế, thi công, vận hành công trình. Hiểu đơn giản, ngành này nghiên cứu và đưa ra các đề xuất, phân tích, thiết kế về địa chất, địa kỹ thuật liên quan đến sự phát triển của thế giới.
Mức lương của các kỹ sư ngành địa chất có kinh nghiệm từ 0 – 3 năm sẽ dao động từ 7 – 10 triệu đồng/tháng. Đây được đánh giá là mức thu nhập tương đối ổn với công việc này dành cho những người có kinh nghiệm làm việc chưa nhiều. Với những người có kinh nghiệm làm việc từ 5 năm trở lên mức lương có thể lên tới 20 triệu/tháng.
Mỗi lĩnh vực khác nhau các kỹ sư địa chất sẽ có mức lương trung bình khác nhau. Chẳng hạn: Mức lương của kỹ sư Hóa Dầu: 9 – 12 triệu/tháng; Mức lương của kỹ sư Mỏ: 12 – 15 triệu/tháng; Mức lương của kỹ sư Hóa: 7 – 12 triệu/tháng.
Năm 2020, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lấy điểm chuẩn ngành Địa chất từ 14 đến 18 điểm; Trường Đại học Mỏ địa chất là 18 điểm...