Dự báo về thị trường lao động những tháng cuối năm 2023, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ  việc làm Hà Nội cho biết, quý 4 là thời gian cuối năm có nhiều dịp lễ lớn như 20/10, Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Như thông lệ, hàng năm quý 4 các doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng lao động cao hơn so với những tháng trước đó.

Với TP Hà Nội, dự kiến từ nay đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng từ 35.000-40.000 lao động. Trong đó, thương mại – dịch vụ là lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao nhất, bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất cũng có nhu cầu tuyển dụng cao lên đến hàng ngàn chỉ tiêu để phục vụ các đơn hàng cuối năm. Ngoài ra các lĩnh vực khác có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn như văn phòng, tài chính – ngân hàng, công nghệ thông tin, thương mại điện tử.

Những ngành nghề nào có nhu cầu tuyển dụng lớn cuối năm 2023? - Ảnh 1.

Cuối năm, nhiều ngành nghề về sản xuất, dịch vụ có nhu cầu tuyển dụng lớn. (Ảnh minh họa)

Sở LĐ-TB-XH Hà Nội cho biết, trong 2 tháng cuối năm, Sở cũng sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội TP Hà Nội. Đồng thời, Sở thực hiện Kế hoạch thu thập, lưu trữ tổng hợp thông tin thị trường lao động trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023; định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm.

Tại Bắc Giang, theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh, thời điểm này các doanh nghiệp có vốn đầu tư  nước ngoài trên địa bàn tỉnh đang tập trung tuyển dụng lao động. Hiện có khoảng hơn 20 doanh nghiệp đã đăng ký tuyển dụng lao động với số lượng chỉ tiêu lên đến hàng chục nghìn lao động.

Ở khu vực phía Nam, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương nhận định, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới. Điều này cũng sẽ tác động trực tiếp tới đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động. 

Dự báo trong những tháng cuối năm, tỉnh Bình Dương có nhu cầu tuyển từ 20.000-22.000 lao động, trong đó tập trung ở nhóm lao động có tay nghề cao, lao động phổ thông chiếm khoảng 70%, còn lại là nhóm lao động có trình độ chuyên môn. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông nhưng tháng cuối năm sẽ chủ yếu để bổ sung nguồn lực hao hụt và một số ít nhằm phục vụ mở rộng sản xuất.

Còn theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng, những tháng cuối năm những ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn như du lịch, dịch vụ. Nhiều doanh nghiệp trong  lĩnh vực này đang mở rộng quy mô đầu tư. Trong đó khu vực Đà Lạt thiếu hụt lao động tất cả các trình độ đào tạo, các địa phương còn lại cũng đang trong đà thiếu hụt lao động thực hiện công việc chuyên môn do hoạt động du lịch, dịch vụ đã và đang phát triển tại các địa phương.

Bên cạnh đó, nhóm ngành nông nghiệp cũng có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.500 lao động. Các ngành nhóm công nghệ thông tin, máy tính có xu hướng cần tuyển thêm nhiều lao động đã qua đào tạo có kỹ năng nghề cao do yêu cầu chuyển đổi số, số hóa trong các hoạt động quản lý, kinh doanh, sản xuất.

Các nghề khác như nhân viên bán hàng, kế toán, tài chính trình độ đại học tiếp tục có nhiều cơ hội việc làm do đã và đang có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng trong khi nguồn cung hiện tại vẫn chưa đáp ứng.

Theo Bộ LĐ-TB-XH trong bối cảnh kinh tế - xã hội thời gian qua có nhiều khó khăn, song thị trường lao động nhìn chung tương đối ổn định, các chỉ số thị trường lao động vẫn có sự tăng trưởng nhẹ, điều này thể hiện ở cung và cầu lao động đều tăng, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm không có nhiều biến động.

Từ những quan sát và qua các dữ liệu của thị trường lao động, Bộ LĐ-TB-XH đánh giá, về tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục duy trì đà phục hồi nhưng vẫn bộc lộ những vấn đề bất cập và hạn chế. Lao động có việc làm dù có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, nền kinh tế diễn biến gặp nhiều khó khăn dẫn đến ảnh hưởng rất lớn đến phục hồi thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động cần cụ thể vào từng đối tượng thì càng hiệu quả. 

Vừa qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ người lao động, nhưng tôi cho rằng các chính sách cần hoàn thiện theo hướng hỗ trợ nhiều hơn nữa, chú trọng vào đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động một cách bền vững chứ không chỉ chú trọng trợ cấp cho họ khi mất việc làm. Bảo hiểm thất nghiệp phải hướng tới đảm bảo việc làm, bảo đảm tay nghề cho người lao động. Trong thời gian tới, các chính sách phải duy trì, tạo ra việc làm bền vững, chất lượng cao. Bởi hầu hết người lao động mất việc nhiều thời gian vừa qua là lao động tay nghề thấp, không có tay nghề.