Những "nghề lạ" chỉ có ở thời nay

Nguyệt Nguyễn (TH từ Người đưa tin/Kênh 14),
Chia sẻ

Làm ma-nơ-canh "sống", buôn fanpage trên Facebook hay ngồi cho muỗi đốt... là những cách kiếm tiền khá lạ, xuất hiện ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây.

Nghề ngồi cho muỗi đốt

Đó là công việc của các tình nguyện viên tại phòng thí nghiệm của Khoa Côn trùng và Động vật y học ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Mỗi tình nguyện viên phụ trách cho hai lồng muỗi ăn vào hai tay hoặc hai chân. Một trong số những tình nguyện viên cho công việc lạ lùng này là Trinh, sinh viên ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. 

Những

Niềm đam mê công việc, mong muốn tìm ra một phương pháp phòng chống SXH hiệu quả hơn là động lực của những tình nguyện viên "cho muỗi ăn". (Ảnh do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung cấp)

Buộc chặt túi nilon bảo vệ bàn chân, chỉ để hở phần bắp chân, Trinh từ từ đưa chân mình vào lồng. Đàn muỗi đói đang đậu trên thành lồng thấy "thức ăn" liền xông tới bâu kín. Vài phút đầu, cô gái xuýt xoa nhưng vẫn cố gắng ngồi yên, không cử động chân làm muỗi "giật mình" bỏ ăn. Đau, tê nhưng Trinh chỉ dám "uốn éo" cơ thể rồi cắn răng chịu đựng. Sau khoảng 4 phút đầu được đàn muỗi "khởi động", khuôn mặt Trinh bắt đầu giãn ra và dần thích nghi. Khi không đau nữa, cô quay ra nói chuyện với các bạn.

Thay vì cho muỗi ăn ở bắp chân, Quang (nam sinh ĐH Tự nhiên) lại chọn bàn chân. Để quên đi cảm giác đau ban đầu, Quang và cậu bạn vừa nghe nhạc, vừa hát. Thỉnh thoảng, Quang nhăn mặt, "Á!" lên một tiếng rồi cười xòa: "Em quen rồi".

Nói tới công việc đặc biệt này, các tình nguyện viên như Trinh và Quang cho biết, mới đầu đều thấy tò mò. Buổi đầu tiên khi mới đưa chân, tay vào lồng muỗi, cảm giác đau và ngứa khiến họ nhớ mãi. Tuy nhiên, muốn cống hiến cho khoa học và thấy ý nghĩa vì cộng đồng của dự án, họ đều đặn đến cho muỗi ăn, dù có hôm rơi đúng vào kỳ nghỉ lễ dài.

Những

Chuyên gia côn trùng học Nguyễn Thị Yên với một phần công việc của nhà khoa học, bà thường xuyên trực tiếp cho muỗi ăn thế này. (Ảnh do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung cấp)

Bà Nguyễn Thị Yên, cán bộ phòng thí nghiệm côn trùng y học, cho biết các sinh viên trên đang làm tình nguyện viên cho dự án muỗi ăn máu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Khánh Hòa. Dự án nhằm đánh giá khả năng muỗi Aedes Aegypti (muỗi vằn) mang vi khuẩn Wolbachia (ít có khả năng lây truyền bệnh sốt xuất huyết) thay thế quần thể muỗi vằn tự nhiên (lây truyền bệnh sốt xuất huyết) trên đảo Trí Nguyên (Khánh Hòa).

"Người cho muỗi ăn máu ngoài tự nguyện phải có sức khỏe tốt, không bị mắc sốt xuất huyết, mắc bệnh truyền nhiễm hay bệnh gan. Trước khi cho ăn, tình nguyện viên được dặn ăn no, có thể uống một chút nước đường. Ngoài ra, họ được khuyến cáo không dùng thuốc kháng sinh để đảm bảo trứng muỗi thu được có chất lượng tốt nhất", bà Yên nói.

"Buôn" fanpage Facebook

Nắm trong tay những fanpage có vài trăm nghìn người ấn nút like, nhiều bạn trẻ đang kiếm hàng chục triệu mỗi tháng từ việc cho các cửa hàng online thuê để quảng cáo.

Sinh năm 1995 tại Đắk Lắk, Bảo đang nắm gần chục fanpage trên Facebook. Cô nữ sinh này chỉ cho thuê chứ không bán đứt các trang của mình. Đối tượng khách của cô là những cửa hàng buôn bán trên mạng, cần quảng cáo qua Facebook.

Với mỗi trang page từ hơn 200.000 like trở lên, cô sẽ cho khoảng 3 shop cùng thuê. "Mỗi lần cập nhật rao vặt trên trang là 200.000 fan cũng nhìn thấy nội dung quảng cáo của bạn. Fanpage càng nhiều người theo dõi thì phí thuê càng cao nhưng hiệu quả kinh doanh cũng rất ổn", cô nữ sinh này giải thích.

Những

Chủ nhân một fanpage rao bán với 65 triệu đồng. Ảnh chụp màn hình.

Anh Kiên (Hà Nội), một người hành nghề "buôn like" từ những ngày đầu cho biết, dịch vụ này manh nha từ cuối năm 2010 khi có nhiều người sử dụng Facebook để kinh doanh, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, sản phẩm… Từ giữa năm 2011 trở đi, số lượng người hoạt động dịch vụ này tăng lên đáng kể. Những người tham gia chủ yếu là sinh viên, đặc biệt những bạn học ngành công nghệ thông tin. Công việc này không đòi hỏi nhiều vốn nên một số nhóm sinh viên tự tổ chức hoạt động với nhau. Điều quan trọng là phải thường xuyên thay nhau online để chăm sóc cho fanpage.

Trên mạng, không khó để bắt gặp những lời rao vặt cho thuê "mặt bằng" kinh doanh trên Facebook của những ông, bà địa chủ "fanpage" như Bảo. Duy Nam, Hà Nội (người sở hữu 5 page với số fan toàn từ 500.000 like trở lên) cho hay: "Nguyên tắc của mình là chỉ cho thuê, không bán. Cho khoảng 10 người thuê 5 page cũng được ít nhất 30 triệu mỗi tháng rồi. Mình có một page người ta trả mua đứt 80 triệu nhưng vẫn chưa bán".

Khác với Bảo và Duy Nam, Đoàn (Hà Nội) lại nuôi fanpage để bán khi đạt lượng fan nhất định. Đoàn đang rao bán một fanpage có hơn 200.000 like với giá 30 triệu đồng.

Đoàn "nuôi" fanpage trong vài tháng, khi lượng like lên trên 100.000 thì cậu sẽ bán. Bắt đầu hành nghề từ năm 2011, đến nay Đoàn bán thành công 3 fanpage với giá thấp nhất là 3 triệu đồng. 

"Nghề" săn tìm dữ liệu sex làm "kho giải trí bệnh hoạn"

Nhu cầu xem phim, tìm hiểu các thông tin về lĩnh vực tình dục thiếu lành mạnh vẫn tồn tại và trở thành thực trạng nhức nhối, đặc biệt là trong giới trẻ. Nắm bắt nhu cầu trên, nhiều cá nhân, tổ chức đã tìm mọi cách thỏa mãn nó với một "nghề" mới: Nghề chuyên săn dữ liệu sex.

Trên thực tế, các văn hóa phẩm đồi trụy đều bị pháp luật cấm cản tàng trữ, phát tán một cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên, bằng những mánh lới nhất định, những cá nhân, tổ chức chuyên buôn bán, cung cấp các mặt hàng về sex như băng đĩa phim khiêu dâm, tranh ảnh "người lớn", truyện, nhạc mang tính kích dục... vẫn hoạt động để thỏa mãn nhu cầu cho một bộ phận khách hàng.

Những

Hành vi sản xuất, tàng trữ, phát tán các văn hóa phẩm đồi trụy đều vi phạm pháp luật - (Ảnh minh họa)

Ghi nhận từ một chủ sạp bán các mặt hàng "dành cho người lớn" trên đại lộ Châu Văn Liêm cho thấy hầu hết các mặt hàng trái phép trên đều được các chủ hàng "bí mật" thu mua từ những tay chuyên nghề săn dữ liệu sex. L. "đen", người từng là tay săn ảnh nóng, ảnh khiêu dâm thuần Việt có hạng cho trang web đen Lauxanh..., Tinhdonphuong... cho biết: "Theo tôi, đây cũng là một loại hình dịch vụ, phục vụ nhu cầu cho những người có hứng thú với nó chỉ là không đúng theo pháp luật mà thôi. Vì vậy, theo thời gian, tùy vào nhu cầu của khách hàng mà dịch vụ này phát triển ở những mức độ, lĩnh vực khác nhau".

Những

Dịch vụ bán đĩa phim "đen" phát triển thông qua giới bán hàng rong cần phải dẹp bỏ - (Ảnh minh họa)

M.T., một tay chuyên săn dữ liệu sex cho các trang web khiêu dâm tiết lộ: "Tuy nhiên, xem mãi những hình ảnh tươi mát, cảnh quay giường chiếu cũng chán. Thế nên, ở một mức độ nào đó, nhiều tín đồ của sex đòi hỏi những nhu cầu mới không giống ai. Một trong số đó là việc nghe nhạc sex, đọc truyện sex". 

Để có thể tồn tại, các chuyên gia săn tìm dữ liệu sex chuyển mình thành các chuyên gia sáng tác các loại "nghệ thuật" về sex. Từ chỗ lồng ghép các hình ảnh có nội dung thiếu lành mạnh vào trong các clip âm thanh, các chuyên gia trên tiến hành sáng tác các ca khúc mang ca từ thiếu văn hóa, đặc sệt ngôn ngữ tình dục một cách thô thiển, thiếu văn hóa.

Tất nhiên, những tay săn dữ liệu sex biết rất rõ đây là một "nghề" vi phạm pháp luật nhưng khoản lợi nhuận không nhỏ kiếm được từ nó khiến nhiều người đã vào nghề thì không muốn rút chân.

Hot girl kiếm bộn tiền từ viết status quảng cáo

Facebook đang là mạng xã hội được ưa chuộng số 1 của giới trẻ Việt Nam. Chính sự phổ biến của nó kèm theo sự nổi tiếng, sức ảnh hưởng tới giới trẻ nhất định của các hotgirl đã tạo ra những hiệu ứng kèm theo. Và khi “ngôi nhà riêng” của các hotgirl sở hữu lượng người follower (theo dõi) tăng vùn vụt thì đó là nơi lý tưởng mà các nhãn hàng, thương hiệu dành cho tuổi teen, giới trẻ hướng đến.

Và đó chính là cách mạng xã hội tưởng chừng rất “ảo” này mang lại một nguồn thu nhập đáng kể cho các hotgirl. Với mỗi lần đăng tải, các cô gái nhận được 500.000 - 4.000.000 đồng. Chính vì thế, việc đăng status quảng cáo trên trang cá nhân các hotgirl thời gian này đang nở rộ.

Những

Những

Hot girl Kelly đang tuyên truyền cho một hội chợ quyên góp và mua bán đồ

Điểm cộng của cách làm này trước tiên là chi phí thấp, nhưng chưa chắc hiệu quả đã thấp hơn. Vì suy cho cùng, khi quảng cáo, truyền thông rộng rãi thì có thể rất nhiều người biết tới sản phẩm, thương hiệu của bạn. Tuy nhiên trong số những người đó có bao nhiêu phần trăm là những người trẻ - đối tượng khách hàng tiềm năng nhất lại là điều chưa dám chắc.

Những

An Japan quảng cáo cho 1 trình duyệt web down phim.

Nhưng khi những người yêu quý và nhấn nút “theo dõi” trang cá nhân của các hot girl phần lớn là teen thì việc hot girl nói gì, làm gì, sử dụng sản phẩm nào, quảng cáo cho cái gì sẽ hoàn toàn nằm trong “vùng phủ sóng” của một bộ phận đông đảo giới trẻ. Điều đó đồng nghĩa với việc mặt hàng được quảng cáo sẽ bán chạy hơn.

Tuy vậy, không phải hotgirl nào cũng được nhãn hàng tin tưởng “chọn mặt gửi vàng”. Những điều kiện cần chung chung là ngoài mật độ phủ sóng rộng rãi trên các mặt báo, hotgirl này cần hoạt động một cách chăm chỉ, có lượng người theo dõi lớn và có hình ảnh rõ ràng trong mắt công chúng.

Những

Hot girl Hà Min cũng "lăng xê" một trình duyệt down phim

Những

Hà Lade khá đắt show quảng cáo.

Hotgirl Hà Lade bộc bạch: “Tùy từng sản phẩm và số lượng post, dao động từ 1.500.000 - 4.000.000 đồng một post. Nếu là những nhãn hàng lớn và có tên tuổi thì tất nhiên mức giá sẽ cao hơn những dòng sản phẩm mới, ít người biết tên". Thông thường một tháng, Hà Lade có order từ 3 - 5 nhãn hàng và chia đều qua các tuần.

Hà Min thì cho biết: “Status có rất nhiều dạng như up status đơn thuần, đăng kèm ảnh, up kèm clip. Còn tùy vào thương hiệu và bên nhãn hàng đó muốn up số lượng bao nhiêu... Như với mình thì sẽ khoảng từ 500.000 - 4.000.000 đồng/lượt tùy vào mọi điều khoản. Thông thường thì mình chỉ nhận sao cho 1 tuần mình chỉ up 1-2 status quảng cáo cho các nhãn hàng”.

Như vậy, làm một phép tính nhân đơn giản thì trung bình một tháng, một hotgirl nổi ở mức bình thường đã có mức thu nhập trên dưới 10 triệu đồng chỉ nhờ vào trang cá nhân của mình.

Cao hơn mức trên, một hotgirl khá nổi ở Hà Nội có lượt theo dõi rất lớn cho biết một lần đăng lên "tường nhà" trên Facebook cá nhân của cô có giá 6 triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ mang đến mức thu nhập "khủng" mỗi tháng.

Sinh viên kiếm tiền triệu mỗi tháng từ viết thiệp cưới

Chữ viết đẹp, tính cách cẩn thận, tỉ mỉ là yêu cầu bắt buộc cho những người làm nghề viết thiệp cưới. Trúc Linh, sinh viên năm 3 ngành sư phạm đang sống ở quận 8 (TP.HCM) cho biết, chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ có thể viết xong 200 tấm thiệp. Cô sinh viên hài lòng với mức thù lao 1.000 đồng mỗi thiệp. Cao điểm mùa cưới từ tháng 8 tới tháng 2 năm sau, có khi mỗi tháng Linh nhận 1.500 thiệp, tương đương 1,5 triệu đồng. 

Những
Không chỉ viết thiệp cưới thuê, nhiều sinh viên hay những người đã đi làm vẫn tranh thủ thời gian để viết thư hộ, viết thư tay, viết hồ sơ xin việc.

Bình, ở quận 5, thường rao tin nhận viết thiệp cưới trên các trang rao vặt, diễn đàn… để mở rộng khách hàng thay vì chủ yếu do bạn bè, người quen giới thiệu. Hiện Bình làm nhân viên văn phòng nhưng vẫn gắn bó với công việc viết thiệp cưới.

Những
Nhận viết thiệp cưới chủ yếu là sinh viên, học sinh. (Ảnh minh họa)

Bình cho hay, ngoài khiếu viết chữ đẹp, thao tác cũng phải nhanh nhẹn, chính xác, chứ không ngồi rề rà, nắn nót mất thời gian. Bởi có khách giao thiệp rất gấp và yêu cầu chuyển trả trở lại ngay để còn kịp gửi tới mọi người. Thông thường, khách chỉ yêu cầu viết tên người được mời ở bên ngoài và bên trong thiệp, còn giờ mời tiệc, địa điểm, tên và địa chỉ gia đình của cô dâu và chú rể… đã in sẵn.

Nghề ma-nơ-canh “người sống” trên phố

Ở Việt Nam, việc sử dụng người thật làm ma-nơ-canh còn khá mới mẻ, bởi xưa nay người ta vẫn quen thuộc với hình ảnh một cô "canh" vô tri, vô giác đứng ở các cửa hàng thời trang.

Cách đây hơn một năm, Nguyễn Kiều My - sinh viên khoa Kế toán, trường cao đẳng Du lịch Hà Nội nhìn thấy tờ thông báo tuyển "canh" gần nhà mình, cô vào cửa hàng "thử xem mình có làm được không". Sau khi phỏng vấn cô, chủ cửa hàng đã đồng ý cho cô làm ma-nơ-canh ở cửa hàng thời trang. Việc của cô là đứng sau cửa kính, mặc quần áo đẹp, có thể cử động, nói cười tự nhiên để gây sự chú ý đối với người đi đường...

Những
Nguyễn Kiều My một ma-nơ-canh “người sống”. (Ảnh: Nguoiduatin)

Kiều My cho biết, giờ làm việc của cô chỉ trong khoảng 7h - 9h tối nên ma-nơ-canh vẫn giữ được vẻ tươi tắn và tinh nghịch, làm tăng sự sinh động cho cửa hàng. Theo Kiều My, làm ma-nơ-canh, điều quan trọng nhất là sự tự tin và kiên nhẫn, công việc thì không có gì vất vả, "canh" chỉ việc mặc quần áo đẹp, ngồi tạo dáng là có thể "nhận việc" được rồi.

Mỗi ngày, Kiều My làm mẫu trong hai giờ và được trả từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng, mức lương này không phải là cao nhưng công việc nhàn, lịch sự và vì thế bố mẹ cô hoàn toàn đồng ý.

Kiều My cho biết thêm: “Công việc làm ma-nơ-canh khá thoải mái, trong thời gian 2 tiếng có thể sử dụng điện thoại, trò chuyện với bạn cùng làm và thay đổi các tư thế, chứ không phải đứng im đóng giả ma-nơ-canh. Bởi, phải cử động thì người đi đường mới biết là người thật, nếu đứng im thì chẳng khác gì ma-nơ-canh bình thường cả".

Là một người ưa thích thời trang nên việc mỗi ngày được "khoác" lên mình một bộ cánh mới là điều thích thú đối với Kiều My. Tuy nhiên, cô cũng chia sẻ thêm, để làm được ma-nơ-canh bằng người thật trong suốt gần một năm qua đòi hỏi sự kiên trì rất lớn của bản thân. Bởi là một người trẻ và năng động, việc ngày nào cũng phải ngồi làm "canh" thì không phải ai cũng làm được.

Chia sẻ