1. Nhân viên ngân hàng
Hỏi chuyện 10 nhân viên ngân hàng thì đa số đều than thở là đừng có mà vào làm, khổ lắm, lương thấp lắm. Theo khảo sát, hiện nay nhân viên mới vào làm ngân hàng chỉ được hưởng mức lương cứng từ 2,5 đến 4 triệu đồng/tháng (đối với những ngân hàng trong nước). Thậm chí có ngân hàng không trả lương cứng cho nhân viên mới vào trong thời gian thử việc mà chỉ trả lương kinh doanh theo phần trăm công việc. Chưa kể cứ vài tháng lại xét đuổi việc một lần.
Lương người mới vào ngân hàng ở mức thấp, thậm chí có nơi không trả lương trong quá trình thử việc - (Ảnh minh họa).
Tình trạng phổ biến hiện nay ở các ngân hàng tư nhân Việt Nam là người ra người vào như đi chợ. Các ngân hàng đăng tin tuyển dụng liên tục, có khi cùng 1 vị trí, cùng 1 nơi làm việc mà tháng trước tuyển, tháng sau lại tuyển tiếp. Rất nhiều người nghỉ việc chỉ sau một thời gian ngắn ngủi, phần vì chỉ tiêu nặng, phần vì lương lèo tèo.
Chị Dung (32 tuổi), nhân viên kiểm quỹ của một ngân hàng ở Hà Nội chia sẻ “Mang tiếng hàng ngày tiếp xúc với tiền, làm việc sổ sách toàn ghi con số lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng nhưng thực tế chẳng có xu nào trong túi.”.
2. Nhân viên kinh doanh chứng khoán
Ngày ngày khớp hàng trăm lệnh mua bán chứng khoán - tương đương với số tiền ảo tính theo đơn vị tỷ đồng. Tuy nhiên, lương của một nhân viên chứng khoán mới đi làm chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Thời điểm vài năm về trước, các nhân viên chứng khoán còn kiếm thêm được nhờ việc tự doanh cho chính mình. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, khi kinh tế lao đao và chỉ số chứng khoán chao đảo, thị trường ảm đạm, nguồn thu này không còn màu mỡ với các nhân viên chứng khoán như trước.
Lượng "tiền ảo" nhân viên chứng khoán tiếp xúc mỗi ngày rất lớn nhưng "tiền thật" vào túi lại chẳng được bao nhiêu -(Ảnh minh họa).
Hơn nữa, nghề này có tính đào thải rất cao. Chị Hương (29 tuổi), nhân viên môi giới chứng khoán ở Hải Phòng tâm sự: “Dù đã là nhân viên chính thức nhưng mình vẫn có nguy cơ bị sa thải bất cứ lúc nào. Gánh nặng doanh số lúc nào cũng đè lên vai. Trong khi thời điểm này có mấy ai chơi chứng khoán. Khách hàng rút khỏi thị trường nhiều vì không kiếm được lãi. Chắc tháng này mình cũng bị cho thôi việc, mấy tháng rồi không đạt chỉ tiêu doanh thu.”
3. Nghề môi giới bất động sản
Thêm một nghề nữa luôn tiếp xúc với khối tài sản kếch xù mà thu nhập chẳng được bao nhiêu, đó là nghề môi giới bất động sản.
Kể từ khi thị trường nhà đất đóng băng, nghề này đang từ thời hoàng kim trở nên hết chỗ sống. Một “cò đất” tâm sự rằng thời hoàng kim năm 2007, anh từng kiếm được 70-80 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, anh đã phải bỏ nghề, ở nhà phụ giúp vợ bán quán.
Cùng với sự đóng băng của thị trường nhà đất, nghề môi giới bất động sản cũng lao đao theo - (Ảnh minh họa).
Với giá nhà đất xuống thảm hại, có căn được rao bán với giá chỉ 2.000 đồng/m2 mà vẫn chẳng ai mua, nghề môi giới bất động sản gần như không còn chỗ sống. Những người môi giới làm việc tại các công ty chuyên nghiệp cũng chỉ còn mức lương cứng từ 2-4 triệu đồng/tháng vì thị trường quá ế ẩm.
Đa phần những người làm môi giới bất động sản phải chuyển sang kiếm cơm bằng nghề khác hoặc làm thêm nghề tay trái. Thời hoàng kim của nghề này nay đã tàn lụi.
4. Mở showroom ô tô
Ít ai nghĩ rằng chủ của một showroom với cả chục chiếc ô tô trị giá hàng tỷ đồng như Trung lại phải đi vay tiền để… ăn hàng tháng. Ngồi trong showroom tráng lệ của mình, Trung thở dài thườn thượt kể lể: “Cả tháng nay chẳng bán được chiếc nào. Ế ẩm lắm. Thu thì bằng 0 mà chi thì vô số khoản: tiền thuê mặt bằng, thuê nhân viên, tiền tiếp thị, lãi ngân hàng,… Tôi sắp ôm đống xe tiền tỷ này phá sản đến nơi rồi.”
Tình trạng của Trung cũng là tình trạng của nhiều người làm nghề kinh doanh ô tô khác. Kinh tế khó khăn, nuôi một con xe ô tô chẳng dễ dàng gì khi muôn thứ tiền đổ vào nó: tiền xăng, tiền bảo dưỡng, tiền gửi xe… Bởi vậy, nhu cầu mua xe của người dân giảm hẳn. Nhiều showroom rơi vào tình trạng buôn bán ế ẩm, nợ nần chồng chất và phải phá sản giữa đống hàng hóa “sang chảnh” của mình.
Nhiều chủ showroom ô tô đang ôm đống xe tiền tỷ của mình và chết chìm luôn với nó - (Ảnh minh họa).
Không chỉ có ô tô, nhiều người kinh doanh các mặt hàng “đẳng cấp cao” khác cũng lâm vào tình trạng khó khăn không kém. Hàng loạt cửa hàng nữ trang, đồ điện gia đụng đắt tiền, nội thất,… lao đao trong thời buổi kinh tế khủng hoảng.