9h sáng, trong khi hàng trăm lao động cửu vạn tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) người về quê, người nghỉ việc ở nhà thì anh Phạm Văn Luận (SN 1978, quê xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) cùng vài người khác vẫn cố "bám trụ" lại góc chợ này.

Những cửu vạn "bán sức" tại chợ Đồng Xuân lao đao vì dịch - Ảnh 1.

Chợ Đồng Xuân vắng vẻ sau khi TP ra Công điện số 15 tạm ngừng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu để phòng dịch.

Hàng nghìn ki ốt tại chợ Đồng Xuân phải tạm đóng cửa phòng dịch theo Công điện 15 của UBND TP Hà Nội cũng là lúc hàng trăm người làm nghề bốc vác như anh Luận đứng trước cảnh thất nghiệp. 

Chút hi vọng trong ngày của anh chính là vẫn còn một số mặt hàng thiết yếu như nông sản, thực phẩm vẫn được bán. Nhiều tiểu thương trong chợ từ lâu quen biết anh nên hễ có hàng họ lại "bốc máy" gọi anh đến khuân vác. 

Theo lời Luận, anh làm công việc bốc vác thuê ở chợ Đồng Xuân đến nay gần 20 năm nhưng chưa bao giờ anh được "ngồi chơi xơi nước" như hiện tại. Từ sáng tới giờ, anh Luận chưa được "cuốc" nào.

Những cửu vạn "bán sức" tại chợ Đồng Xuân lao đao vì dịch - Ảnh 2.

Khi hàng nghìn ki ốt đóng cửa cũng là lúc hàng trăm lao động làm nghề bốc vác ngồi chơi xơi nước "đợi việc".

"Ở quê cuộc sống khó khăn nên tôi cố bám trụ với nghề bốc vác hàng tại chợ suốt những năm qua. Tuy công việc ướt đẫm mồ hôi nhưng đổi lại tôi có một nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống gia đình, cùng vợ lo cho các con.

Hầu như rất hiếm khi tôi nghỉ việc trừ dịch bệnh, nhà có công việc đột xuất. Hằng ngày tôi cứ dậy từ 4h sáng, chuẩn bị rồi bắt xe buýt từ quê lên Hà Nội, cũng là lúc chợ Đồng Xuân bắt đầu hoạt động", anh Luận chia sẻ.

Cứ thế, những ngày không có dịch bệnh, bất kể nắng mưa, gió rét… công việc của anh Luận cứ đều đặn như vậy. Cả chợ Đồng Xuân hầu như các chủ hàng đều thuộc mặt anh.

Những cửu vạn "bán sức" tại chợ Đồng Xuân lao đao vì dịch - Ảnh 3.

Anh Luận chia sẻ chưa bao giờ người đàn ông này phải ngồi chơi xơi nước nhiều như hiện tại.

"Ai thì tôi không biết nhưng tôi có một nguyên tắc đó là hễ ai thuê bốc hàng tôi đều làm hết sức mình, không đặt nặng về giá cả. Ai trả tôi bằng nào thì trả chứ không yêu cầu bao nhiêu tiền thì mới làm. 

Ngày Tết cũng như ngày thường không bao giờ lên giá, chủ hàng họ sẽ lựa vào công việc mình làm rồi tự trả tiền. Chính vì vậy mà nhiều người quý cách làm việc của tôi ở điều đó. Cứ có hàng là họ lại gọi tôi", anh Luận tâm sự.

Từ khi chợ Đồng Xuân tạm ngừng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, hàng nghìn kiot phải đóng cửa, nhiều đồng nghiệp của anh Luận đã bắt xe về quê, người không có việc thì nghỉ ở nhà, còn anh Luận vì tiếc nuối vẫn ra chợ xem ai bảo gì làm nấy.

Cả buổi sáng chưa được "cuốc hàng" nào, anh Luận chỉ biết đi đi lại lại giết thời gian.

Ra chợ gần hết buổi mà vẫn chưa có việc, đôi chân tập tễnh cứ đi tới đi lui, hết bên này tới chỗ khác. Anh mong sao dịch bệnh sớm kết thúc để những người lao động như anh lại có việc để làm.

"Nếu không có dịch bệnh trung bình mỗi ngày tôi làm được khoảng 300.000 đồng tiền công, còn đợt này dịch ngày nhiều thì được khoảng 150-200.000 đồng. Từ sáng tới giờ còn chưa được cuốc hàng nào. Công việc bấp bênh nên mình cứ ngồi đây chờ, hàng hoá về cũng không cố định, thôi cũng vì miếng cơm manh áo", anh Luận chia sẻ.

Những cửu vạn "bán sức" tại chợ Đồng Xuân lao đao vì dịch - Ảnh 5.

Đôi tay vốn không có ngày nghỉ bỗng chốc không có gì để làm.

Gắn bó công việc bốc vác hàng thuê tại chợ Đồng Xuân đến nay đã tròn 30 năm. Từ lúc còn thanh niên trai trẻ, ông Phạm Văn Hưng (48 tuổi, quê Yên bái) đã xuống Hà Nội mưu sinh. Cuộc sống ở quê nghèo khó khăn trăm bề, ông Hưng lại không có bằng cấp gì lại càng vất vả hơn.

Để tiện cho công việc, ông Hưng thuê trọ ở gần chợ, mỗi ngày 15.000 đồng. Gọi là chỗ trọ, nhưng thực chất là nơi nghỉ ngơi tạm bợ, chợp mắt qua đêm bởi phần lớn thời gian trong ngày ông Hưng đều ở chợ, bất kể nắng mưa.

Những cửu vạn "bán sức" tại chợ Đồng Xuân lao đao vì dịch - Ảnh 6.

Chợ nghỉ, ông Hưng vẫn đều đặn ra chợ để làm những công việc có khi chỉ 10.000 đồng/lượt.

Thi thoảng ông tranh thủ về quê thăm vợ con, gia đình. Sau đó lại vội vàng xuống đi làm kiếm thu nhập lo cho người con đang là sinh viên năm 2, Đại học Công nghiệp Hà Nội.

"Chỗ ở trọ thiếu thốn, nóng lắm. Họ kê tấm phản dài cho mọi người đa phần là người lao động bốc vác hàng ở chợ như chúng tôi ở. Giờ dịch mọi người về nhiều rồi chỉ còn một số ít ở lại. Ở nhà trọ chán quá, phần vì dịch bệnh không về được nên tôi ra đây ai thuê gì thì làm. 

Giờ hy vọng có ai thuê bốc vác nhưng công việc cũng ít lắm. Từ sáng tới giờ chưa được chuyến hàng nào", ông Hưng thở dài.

Những cửu vạn "bán sức" tại chợ Đồng Xuân lao đao vì dịch - Ảnh 7.

Còn nuôi con ăn học nên người đàn ông này lại chạy ra chợ với hi vọng kiếm được đồng nào hay đồng đó.

Ít phút sau, có người đến nhờ ông Hưng chở một số mặt hàng sang đường. Ông bảo mỗi chuyến cũng chỉ khoảng 10.000 đồng nhưng nhiều chuyến tích cóp lại ngày cũng kiếm được 100-200.000 đồng. Số tiền đó không lớn, nhưng cũng giúp người cha này trang trải tiền đóng học phí cho con trong kỳ học sắp tới.

Theo lời ông Hưng, những người làm nghề bốc vác như ông hầu như ai cũng ít về nhà. Mấy ngày nay rơi vào tình huống có quê mà không được về, người đàn ông này lại chạy ra chợ với hi vọng kiếm được đồng nào hay đồng đó.

Những cửu vạn "bán sức" tại chợ Đồng Xuân lao đao vì dịch - Ảnh 8.

Chợ tạm đóng cửa khiến hàng trăm người lao động tự do ngồi đợi việc.

"Cả chợ to như thế này đóng cửa khiến hàng trăm người lao động tự do như chúng tôi thất nghiệp, chỉ một số ít có việc. Một số về quê, những người không về được thì chờ đợi đến ngày chợ mở cửa trở lại. Dịch bệnh khiến cuộc sống của chúng tôi chật vật lắm", ông Hưng chia sẻ.

Tại chợ Đồng Xuân, nhiều người không nghĩ họ sẽ gắn bó với công việc cửu vạn tại chợ này lại lâu đến vậy. Nhưng người vì thất nghiệp, người gia đình đông con, hoàn cảnh khó khăn nên họ chấp nhận là những phận người "bán sức" để mưu sinh.