Sau 50 ngày chi viện cho TP.HCM chống dịch, các học viên của Học viện Quân y (Hà Nội) phải nói lời chia xa thành phố mang tên Bác. Hơn 1 tháng qua là khoảng thời gian đầy cung bậc cảm xúc của những người lính trẻ hai màu áo.

Những trải nghiệm khó quên

Nhớ lại khoảng thời gian đầu mới đến thành phố, Lưu Phương Linh học viên của Học viện Quân y vẫn chưa khỏi bàng hoàng: “Lần đầu tiên mình vào đây cảm giác thành phố tĩnh lặng vô cùng, chỉ có tiếng còi xe cấp cứu vang vọng. Dọc các con đường đều giăng dây đỏ cách ly nên mình có chút sợ hãi. Mình nghĩ đây vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn đối với bản thân.

Thời gian đầu cả địa phương và nhân viên y tế ai cũng khó khăn vì mới quen nhau, phối hợp chưa tốt, người dân chưa tin tưởng. Thế nhưng sau khoảng thời gian cùng làm việc, cùng ăn chung, ngủ chung mọi người trở nên gắn kết hơn, tỷ lệ dịch bệnh giảm, tụi mình rất vui và người dân cũng bớt lo lắng”.

Những người lính trẻ hai màu áo bịn rịn nói lời chào tạm biệt TP.HCM: Cảm ơn Sài Gòn! - Ảnh 1.

Với Linh đây là lần đầu tiên cô gái trẻ xa nhà lâu đến thế, là lần đầu tiên làm việc ngoài cộng đồng nhưng cũng là quãng thời gian mà bạn chẳng thể nào quên. Và nay khi sắp rời khỏi thành phố, điều bạn nhớ nhất vẫn là tình cảm nồng hậu của người dân nơi đây. 

Ban đầu Linh cũng sợ hãi vì nguy cơ lây lan dịch bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với F0 nhưng dần về sau, khi nhìn thấy tình cảm, sự nhiệt thành của người dân, Linh đã thực sự yêu quý thành phố này.

“Vừa rồi có người dân gọi cho mình bảo là đã ra khỏi khu cách ly và muốn đến trạm thăm bọn mình để cảm ơn nhưng mình bảo là đã về Hà Nội rồi. Lúc trước mấy anh chị có hay dặn tụi mình khi nào sắp về Hà Nội thì nhắn để anh chị ghé thăm trước khi về, nhưng giờ khi đi mình không báo ai cả, mình không muốn mọi người đến thăm vì sợ lưu luyến, giây phút chia xa lúc nào cũng buồn nhất”, Phương Linh bộc bạch. 

Những người lính trẻ hai màu áo bịn rịn nói lời chào tạm biệt TP.HCM: Cảm ơn Sài Gòn! - Ảnh 2.

Trong 50 ngày đồng hành cùng TP.HCM vượt qua dịch bệnh, buồn có, vui cũng có, mọi cảm xúc đều luôn hiện hữu trong tâm trí cô gái nhỏ này. Khi phóng viên hỏi về kỷ niệm trong khoảng thời gian công tác tại đây, Linh ngậm ngùi trải lòng ký ức về lần đi cấp cứu một bệnh nhân đái tháo đường. Bệnh nhân này có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhận điện thoại trong đêm muộn, Linh cùng đồng đội tức tốc lên đường. 

“Khi mình tới nơi thì bệnh nhân đã rất yếu. Gia đình chỉ có mẹ và 2 con nhỏ. Sau đó em bé lớn đi bệnh viện cùng với mình, hai chị em cứ cố gắng động viên nhau. Sau khi tới trạm y tế phường thì mình không ở lại được, thực sự lúc đó mình rất muốn ôm em bé khóc nhưng vì mặc đồ bảo hộ, không thể tiếp xúc gần. Khi ấy, hai chị em chỉ biết nhìn nhau khóc. Bây giờ nghĩ lại em vẫn còn xúc động. Có rất nhiều câu chuyện cảm động khác, khi làm việc em tiếp xúc với rất nhiều hộ dân, mỗi nhà mỗi cảnh và để lại nhiều ấn tượng”, Linh nghẹn ngào nói.

Những người lính trẻ hai màu áo bịn rịn nói lời chào tạm biệt TP.HCM: Cảm ơn Sài Gòn! - Ảnh 3.

Linh cũng cho hay: “Đây là lần đầu em vào Sài Gòn, về sau em nhất định sẽ quay lại khi Sài Gòn đã khỏe, trải nghiệm cuộc sống bình thường nhất của Sài Gòn và thăm lại các gia đình F0 bọn em để lại nhiều tình cảm ở đấy. Họ hẹn bọn em ngày không xa quay lại sẽ dẫn đi chơi và khám phá Sài Gòn”.

Tuy không được công tác cùng đơn vị, Nguyễn Thị Thanh Hoài bạn cùng lớp với Linh tại Học viện Quân y cũng có những trải nghiệm khó quên trong đời. Điều lưu lại nhất trong tâm trí của Hoài về nơi đây đó là tình người. Hoài cho biết những tháng ngày công tác tại phường 2, quận 8 Hoài gặp rất nhiều người dân khó khăn và cô gái này đã xúc động khi nhìn thấy những hành động tử tế của người dân nơi đây.

Những người lính trẻ hai màu áo bịn rịn nói lời chào tạm biệt TP.HCM: Cảm ơn Sài Gòn! - Ảnh 4.

“Những lúc xuống tận nhà dân phát thuốc, em cảm nhận được cuộc sống cơ cực của bà con. Mặc dù khổ đó, nhưng họ vẫn luôn nhiệt tình với bọn em. Từ những điều tuy nhỏ nhưng rất đáng trân quý, một chai nước lọc, một hộp cơm hay bọn em có thiếu gì họ đều hỗ trợ. Thực sự em rất xúc động vì những hành động tử tế đó của người dân Sài Gòn. Sau chuyến đi này, bọn em đã dần trưởng thành hơn và đó là hành trang quý báu trên con đường hành ngành y sau này”, Hoài tâm sự.

Món quà đặc biệt ngày trở về

Gần 2 tháng qua là khoảng thời gian đầy vất vả nhưng cũng rất đáng tự hào của 304 học viên Học viện Quân y khi được điều động từ Hà Nội vào TP.HCM để tham gia chống dịch COVID-19. 

Nhớ lại những ngày đầu, mệnh lệnh từ trái tim của người thầy thuốc đã thôi thúc họ, những người lính trẻ lên đường làm nhiệm vụ. Phạm Hùng Cường, học viên của Học Viện Quân y cho hay lúc nhận lệnh từ cấp trên dù muốn hay không muốn thì đồng đội ai cũng rất hào hứng. 

Những người lính trẻ hai màu áo bịn rịn nói lời chào tạm biệt TP.HCM: Cảm ơn Sài Gòn! - Ảnh 5.

“Ban đầu rất háo hức vì có nhiều bạn lần đầu tiên đến TP.HCM, nỗi sợ dịch bệnh rất nhỏ, bọn em chỉ có sự thích thú và nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn được cống hiến, nhiệt huyết sục sôi ai cũng muốn nhanh nhanh vào đây. Nhưng khi vào đây rồi mọi thứ lại rất thực tế, tình hình dịch bệnh những ngày đầu tiên cực kỳ căng thẳng”, Cường nhớ lại.

Trong những ngày công tác tại đây đối với Cường có rất nhiều thứ đặc biệt. Cường bảo cuộc sống ở đây khác xa với cuộc sống của bạn ngoài Hà Nội. Từ những con người xa lạ, khác biệt với nhau về giọng nói, tính cách, sở thích ăn uống, sinh hoạt..., nhưng rồi chính sự nỗ lực, quyết tâm cùng nhau giúp Sài Gòn sớm khỏe đã giúp họ vượt qua tất cả.

“Tụi em ở cùng với người dân, chữa trị cho người dân, ngoài ra còn có các bạn tình nguyện viên là người bản xứ. Ấn tượng đầu tiên em cảm nhận được là sự thân thiện của người dân TP.HCM, rất nhiệt tình, từ ban chỉ đạo đến nhân viên, tình nguyện viên đều lo chỗ ăn ngủ cho bọn em rất đầy đủ, hướng dẫn và chăm sóc bọn em rất chu đáo”, Cường nói. 

Những người lính trẻ hai màu áo bịn rịn nói lời chào tạm biệt TP.HCM: Cảm ơn Sài Gòn! - Ảnh 6.

Điều khác lạ mà người lính trẻ cứ cười hoài khi kể lại đó là việc tìm đường. Mỗi lần nhận lệnh xuống cơ sở cấp cứu cho người bệnh Cường cứ loay hoay trong việc tìm địa chỉ nhà, thậm chí có lần bạn còn lạc đường. 

“Ngoài Bắc địa chỉ nhà khác trong đây nên bọn em chưa hiểu lắm, khi đến các hẻm thì có nhiều người dân ra tận hẻm nhiệt tình chỉ đường cho bọn em mà không cần hỏi, mọi người rất nhiệt tình”, Cường hào hứng kể.

Dịch bệnh 4 tháng khiến cho cuộc sống và kinh tế của người dân TP.HCM trở nên khó khăn hơn, sự xuất hiện của những người lính trẻ đã phần nào khiến bà con Sài Gòn ấm lòng.

“Khi bọn em xuất hiện họ rất vui mừng, nhưng vì tình hình dịch bệnh quá kinh khủng, có nhiều người đã tử vong. Bọn em lập 1 tổ 3 người, vừa nhà này xong thì nhà khác gọi cấp cứu nhưng khi đến bệnh nhân đã tử vong rồi và bọn em chưa hết sự bàng hoàng thì lại tiếp tục có ca tử vong. Thực sự đó là những khoảnh khắc ám ảnh đối với em”, Cường bộc bạch.

Có những lần xuống trực tiếp thăm bệnh nhân, Cường tư vấn cho bệnh nhân mua máy đo SPO2 nhưng họ bảo: “Tiền đâu mua chú”. Nhìn mắt họ rưng rưng muốn khóc mà Cường xúc động vô cùng. 

“Khi đó em thấy mình bất lực không biết làm cách nào để giúp họ, chỉ biết kê đơn”, Cường nói.

Có lẽ không chỉ riêng ai mà tất cả người dân TP.HCM nói chung, sự hiện diện và có mặt của các lực lượng, đơn vị hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch là một điều vô cùng ý nghĩa. Ngày trở về, những người lính trẻ này mang theo món quà đặc biệt, nó không phải là những phần quà vật chất mà đó là tình cảm của người dân Sài Gòn.

Những người lính trẻ hai màu áo bịn rịn nói lời chào tạm biệt TP.HCM: Cảm ơn Sài Gòn! - Ảnh 7.

“Khi chia tay TP.HCM thì em thấy vừa vui vừa buồn. Mình sống ở đây có rất nhiều tình cảm với nhiều người từ ban lãnh đạo phường, các anh chị tình nguyện viên, đặc biệt là người dân. Đây sẽ là món quà quý giá nhất mà em mang theo ngày trở về. 

Em cảm thấy đây như giấc mơ vậy, ngừng lại cuộc sống bình thường và được gặp những con người mới, trải nghiệm cuộc sống mới, khi đang sung sướng trong giấc mơ giờ tỉnh lại ai cũng bàng hoàng và ngỡ ngàng. Nhưng khi nhìn lại tất cả, TP.HCM đang dần hồi sinh, đã đến lúc bọn em phải về và chắc chắn sẽ quay trở lại trong một dịp nào đó TP.HCM tươi đẹp hơn”, Cường chia sẻ.

Chia tay Sài Gòn, 304 học viên của Học viện Quân y (Hà Nội) đều mong một ngày gần nhất, Sài Gòn sẽ hết dịch, mọi thứ đều quay lại nhịp sống thường ngày. Trước khi lên đường trở về, những người lính trẻ không quên lời hẹn một mai ta lại gặp nhau khi Sài Gòn khỏi bệnh. 

"Cảm ơn tất cả mọi người, cảm ơn các bạn Sài Gòn, cảm ơn các chiến sĩ áo trắng, cảm ơn trạm y tế...", và Sài Gòn cũng cảm ơn các bạn, vì đã cùng nhau vượt qua chuỗi ngày khó khăn nhất trong cuộc chiến với đại dịch.