Tối ngày 04/05, sân khấu kịch Idecaf mở bán vé Ngày xửa ngày xưa số 34 - Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai đã tạo ra một cơn bão lớn. Ticketbox.vn đã bán hết khoảng 14000 chiếc vé cho 23 suất diễn trong vòng một giờ đồng hồ.
Sau đêm tạo ra cuộc chiến tranh vé, ngày 05/05, trên khắp mạng xã hội đang có rất nhiều cuộc thảo luận lớn. Ai nấy cũng đều cập nhật tình hình tham gia cuộc chiến, có người than thở mình không thể mua nổi một vé dù đã trực web trước cả tiếng đồng hồ, có người bức xúc vì vé chợ đen dội lên gấp 3 gấp 5 giá gốc, có người lại hớn hở vui mừng vì săn được tối đa số lượng vé mà một tài khoản có thể mua vì đó là một "kỳ tích".
"Chuyến đi săn thành công"
Kịch Ngày xửa ngày xưa 34 trở nên khát vé như hiện tại là vì không chỉ các bậc phụ huynh cần vé mua cho các bé đến xem, mà cả các bạn trẻ đang muốn ôn lại tuổi thơ và quay lại các bộ môn giải trí cũ, thêm vào đó là văn hoá xem kịch mà người TP.HCM đã ưa chuộng từ lâu.
Được biết những ai đã săn được vé Ngày xửa ngày xưa 34 trong "chuyến đi săn" vừa qua, đều có một quy trình trang bị cực kì tỉ mỉ. Mua vé xem kịch, nhiều người so sánh vui rằng nó kịch tính hệt như một doanh nghiệp tham gia buổi đấu thầu giành dự án, một sinh viên đăng kí học phần, hoặc một dân nghiện mua sắm tham gia kì "Black Friday" thế kỉ.
Đơn cử, nhóm bạn Phương Thi chia sẻ, để săn được 10 vé, nhóm bạn phải có 5 người, tìm hiểu hết tất cả các thông tin, tập dượt quy trình và phân việc cực kì "khoa học".
Nguồn: Phương Thi
"Đầu tiên, tụi mình đã qua một vở diễn khác để tập luyện đặt vé thử trước để làm quen toàn bộ thao tác, xem những thông tin mình cần điền, lưu ý khâu thanh toán online.
Thứ hai, điều rất quan trọng là phải tìm hiểu trước địa điểm sân khấu mà Ngày xửa ngày xưa biểu diễn để tìm hiểu sơ đồ kĩ càng.
Khi đăng nhập tài khoản trên trang Ticket Box phải xác định trước thứ tự ưu tiên các suất diễn mình sẽ đặt, thống nhất các chỗ ngồi mình sẽ đặt. Nhất định phải có các phương án dự trù nếu chỗ ngồi đó, suất diễn đó hết, thống nhất sẵn trước để săn không được ưu tiên A sẽ đến ưu tiên B, C... lần lượt, để nếu không có chỗ mong muốn thì hãy ứng biến vào chỗ gần nhất để không bị lúng túng.
Chúng mình chia việc rõ ràng cho mỗi người, ngồi cùng nhau để tiện điều phối. Cụ thể phân cho một bạn săn hàng ghế D4567, một bạn chịu trách nhiệm nhấp mua hàng E4567... Trong lúc chọn vé thì sẽ bị nghẽn vì rất đông người mua, mọi người kiên nhẫn và phản ứng nhanh theo các phương án mua vé dự trù thì sẽ mua được thôi.
Vì sau 20 phút không thanh toán, vé sẽ được web nhả ra để người khác mua, nên nếu có ai bị nghẽn hoặc wifi yếu không thể thanh toán được, có thể sẽ là cơ hội lần hai của mình. Cứ đợi nhả vé và nhấp nhanh mua tiếp.
Tuy nhiên công cuộc mua vé này cũng tuỳ thuộc may mắn và wifi mạnh đến mức nào, vì rất nhiều người trực để chờ nhả vé giống mình."
Những người mua được vé Ngày xửa ngày xưa cho biết, để sở hữu tấm vé với giá gốc là một sự chuẩn bị cực kì kĩ càng từ nhiều người hỗ trợ, nếu không thực sự khao khát muốn ngồi tại sân khấu xem những suất diễn đầu tiên, nên bình tĩnh đợi sang tháng 7 hoặc tháng 8 sẽ dễ mua vé hơn.
Câu chuyện săn vé tại "chợ đen"
Bên cạnh cuộc thảo luận sôi nổi sau cuộc chiến ai thắng ai bại, một vấn đề còn bật lên hẳn là câu chuyện "săn vé đợt hai" ở chợ đen.
Sáng ngày 05/05 đến hiện tại, công cuộc tìm kiếm vé ở chợ đen vẫn chưa hết nóng. Tại các hội nhóm, mọi người vẫn đang đăng bài ráo riết hỏi mua vé và chấp nhận mức giá được cộng thêm khoảng chi phí "mua chậm", "săn giúp"... tầm khoảng 50.000đ, 100.000đ. Và lạ là số lượng bài đăng cần nhượng lại vé cũng nhiều không kém.
Rất nhiều người đã đưa ra thắc mắc: "Tại sao nhu cầu xem kịch Ngày xửa ngày xưa nhiều như thế, tình trạng khát vé kinh khủng như thế, mà nhu cầu nhượng lại vé hiện tại đang rất nhiều?". "Có thật sự mọi người bán lại vé vì bận đột xuất chỉ khi vừa mua vé chưa đầy 24 giờ hay không?".
Càng thêm nghi ngờ, khi mức giá nhượng lại vé lại được dội lên gấp 3, gấp 5 lần giá gốc. Và ai cũng lăn tăn, tại sao các hàng ghế bị khoá không cho phép mua khi vừa mở bán vé lại được rao bán trên chợ đen với mức giá ngất trời?
Tình trạng "đầu cơ tích trữ" này khiến những người yêu thích Ngày xửa ngày xưa nói riêng và kịch nói chung đang rất bức xúc. Vấn nạn này, chưa có phương án xử lý từ tổ chức bán vé chính thức của kịch Idecaf, cũng chưa có hướng ngăn chặn triệt để từ những người xem kịch nói chung. Tất nhiên, người chịu ảnh hưởng trực tiếp vẫn là những khán giả yêu văn hoá xem kịch.
Từ tình trạng khát vé như đang tìm nước giữa sa mạc, mức độ ảnh hưởng của Ngày xửa ngày xưa lại kích cầu xuất hiện thêm một nghề mới - nghề săn vé. Những ai bỏ cuộc trong hành trình mua vé giá gốc, sẽ đặt hàng trước những người chuyên gia "camp" vé, trả một mức phí sẵn coi như tiền cọc. Tinh thần ủng hộ văn hoá xem kịch của nước nhà tốn nhiều công sức và tiền bạc như hiện tại, chắc chắn sẽ làm nản lòng không ít người, và đây không phải tín hiệu vui.
Chưa kể, vì lòng yêu Ngày xửa ngày xưa quá lớn, rất nhiều người đang bị lừa khi giao dịch mua vé trên chợ đen. Tình trạng cả tin khi "chuyển khoản trước, nhận vé sau" đang xảy ra hai trường hợp: Một là sau khi chuyển tiền, tài khoản đang trao đổi bỗng dưng biến mất không tung tích bằng một thao tác block, hai là mã QR vé vẫn được gửi cho bạn, nhưng cùng lúc sẽ gửi bán cho rất nhiều người, hôm đến xem kịch, ai quét mã này đầu tiên ở rạp thì may mắn là người bị lừa nhưng không có thiệt hại.
Trên mạng xã hội đang bắt đầu kêu gọi ráo riết hơn với thông điệp đừng tiếp tay mua vé cho những kẻ trục lợi. Từ đây cho đến ngày diễn ra suất diễn Ngày xửa ngày xưa 34 đầu tiên, vẫn chưa biết lời kêu gọi này có thành công không, chỉ mường tượng được tình cảnh nếu người "kinh doanh đen" ôm vé, thì sân khấu trống người xem sẽ rất buồn.