Những ngày nắng cuối cùng của mùa thu, trên những cánh đồng muối Hải Long, Hải Thịnh (huyện Hải Hậu, Nam Định), những tấm lưng đẫm ướt mồ hôi, những đôi chân trần vẫn miệt mài “dán” xuống cánh đồng muối. Hạt muối trắng tinh các bà, các chị vẫn dùng nấu nướng hằng ngày, ngó đơn giản vậy nhưng để làm ra chúng, những diêm dân phải mất rất nhiều công sức từ vệ sinh ruộng, đầm ruộng, vào cát, trang nước, chờ nước kết tinh, cào thành muối…
Những nữ diêm dân mải miết gom “quà của biển” 1
Trên cánh đồng Hải Long, Hải Thịnh, những nữ diêm dân miệt mài làm nên hạt muối – “món quà của biển”.


Vất vả nhất là khâu cải tạo ruộng muối trên nền bùn đất: người làm muối phải nén đất cho đến khi đạt độ cứng và mịn như… xi măng thì muối mới có thể kết tinh được. Sau đó, họ trải cát mặn đã phơi dưới nắng mặt trời vào đồng để làm bộ lọc rồi, tưới nước biển vào, dùng dụng cụ cào nước cho đến khi hạt muối có thể kết tinh. Một mẻ muối kể từ khi bắt đầu hút nước biển vào cho tới lúc bán được hạt muối thành phẩm kéo dài khoảng 7 - 10 ngày, tùy theo trời nắng hay không.

Những nữ diêm dân mải miết gom “quà của biển” 2
Cát mịn sau khi đã được sàng sạch, phơi nắng …

Những nữ diêm dân mải miết gom “quà của biển” 3
… sẽ được phủ lên bề mặt ruộng muối…

Những nữ diêm dân mải miết gom “quà của biển” 4
… giúp lọc sạch và làm tăng độ mặn của nước biển.

Những nữ diêm dân mải miết gom “quà của biển” 5
Diêm dân cần mẫn tưới nước có độ mặn cao lên các ruộng phơi.

Những nữ diêm dân mải miết gom “quà của biển” 6
Qua tay người “trang” (cào), lượng muối kết tinh tăng thêm độ dày.

Có lẽ, chẳng có nghề nào vất vả và lắm rủi ro như nghề làm muối. Diêm dân ở cánh đồng Hải Thịnh, Hải Long nói đùa, mỗi ngày ra đồng làm muối là một phen “đánh bạc với trời”. Trong khi người khác tìm chỗ trú, tránh né cái nắng gay gắt, họ lại “nướng” mình lao động. Nắng càng to, họ càng mừng. Nhưng chỉ vài giọt mưa thôi cũng đủ làm giảm độ mặn của nước biển, ít thì mất 2 - 3 ngày, nhiều thì phải đợi cả tuần, thậm chí nửa tháng sau, khi có nắng, họ mới tiếp tục công việc của mình được. Trong khoảng thời gian chờ đợi thu hoạch, diêm dân phải thường xuyên ở bên ruộng muối để kiểm tra chất lượng muối, tránh bị những tạp chất khác lẫn vào.

Chị Tiềm, một nữ diêm dân vừa múc nước đổ vào ruộng đã rải cát, vừa lẩm bẩm: “Nước loãng quá, không biết có đóng diêm nổi không…” Chị chia sẻ: “Nghề làm muối sợ nhất những cơn mưa bất chợt đến, nhất là vào cuối ngày, khi hạt muối đã tương đối thành hình. Chỉ một cơn mưa, công sức của diêm dân bao ngày nhọc nhằn trên đồng ruộng sẽ tan thành bọt nước, đổ sông đổ bể mà không có cách nào cứu vãn cả. Muối không như những hàng hóa khác, không thể mang tới chỗ này, chỗ kia để bán hay để dành được mà thường phải bán luôn sau khi thu hoạch được, vừa để nhường ruộng cho những mẻ muối sau, vừa vì không có cách nào giữ muối khỏi tan nếu bị mưa hoặc gió táp”.



Những nữ diêm dân mải miết gom “quà của biển” 7
Dưới ánh nắng và bàn tay cần mẫn của diêm dân, những hạt muối dần thành hình.

Những nữ diêm dân mải miết gom “quà của biển” 8
Sự mặn mòi của biển đã hóa thành những hạt muối trắng tinh…

Những nữ diêm dân mải miết gom “quà của biển” 9
… đậm đà như sự kiên trì của người làm muối.

Những nữ diêm dân mải miết gom “quà của biển” 10
Chờ thu hoạch.

Điều lạ nhất là ở những cánh đồng muối này, những người cúi mặt vào biển, phơi lưng cho trời này chủ yếu lại là những phụ nữ, rất hiếm gặp những đôi vai lực lưỡng đàn ông. Những nữ diêm dân làm tất cả các công đoạn nặng nhọc, vất vả nhất của nghề. Đôi vai họ thấm đẫm cái nắng rát như lửa, cái mặn chát của nước biển hòa với mồ hôi.

Những nữ diêm dân mải miết gom “quà của biển” 11
Những “bóng hồng” trên cánh đồng muối Nam Định.


Chị Nguyễn Thị Tuyết thoăn thoắt xúc muối lên xe cút kít. Theo chân chị, những guồng quay của chiếc xe cút kít đưa cát vãi trên mặt ruộng vào buổi sáng, để rồi buổi chiều lại đưa cát về nơi chắt lọc, giúp lấy nước cho mẻ muối tiếp theo, trong cái nắng nóng đến héo cây héo cỏ. Chị chia sẻ: “Cực lắm, cả ruộng muối này đều trông vào mỗi mình tôi nên dù sức khoẻ yếu vẫn phải cố gắng làm. Chồng tôi tranh thủ đi làm thợ xây kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống. Những hôm không ra đồng muối, ai thuê gì tôi làm nấy chứ không thì nhà 6 – 7 miệng ăn, khó sống lắm!”.

Những nữ diêm dân mải miết gom “quà của biển” 12
Chị Tuyết bên thành quả của một đợt lao động cực nhọc.

Chị Tuyết tính toán, một năm, những diêm dân như chị có thể bám nghề khoảng 5 – 6 tháng, nếu thời tiết thuận, còn những ngày mưa bão đành “treo ruộng”. Mỗi ngày làm việc quần quật từ sáng sớm đến chiều muộn trên cánh đồng, chị thu về được khoảng 40.000 - 60.000 đồng, cũng có khi cả ngày chỉ được 10.000 – 20.000 đồng. “Đấy là còn đỡ, chứ hôm nào sắp đến lúc thu muối, ông trời ập mưa một cơn, coi như hôm ấy chả có xu nào…” – chị cho hay.

Những nữ diêm dân mải miết gom “quà của biển” 13
Bán mặt cho biển, bán lưng cho trời cả ngày, thu nhập của chị cũng chẳng đáng là bao.


Nhiều nữ diêm dân chia sẻ, cái nhọc nhằn, bấp bênh và nguồn thu khiêm tốn từ nghề muối đã khiến những người đàn ông, thanh niên trong làng bỏ đi các tỉnh khác, đổ về thành phố tìm việc khác, chỉ có cánh phụ nữ ở nhà còn bám trụ lại. Nhiều chị tâm sự thật lòng, lắm khi thấy vất quá, họ cũng nghĩ đến chuyện bỏ nghề, nhưng cái nghề muối nó như vận vào mình, cha truyền con nối bao đời rồi, bỏ cũng tiếc. Họ đành bám nghề, bám lấy cánh đồng muốn mặn mòi nơi cửa biển quê hương mà lần hồi mưu sinh.

Những nữ diêm dân mải miết gom “quà của biển” 14
Đàn bà làng biển mồ côi…


Sự vất vả, gian nan của nghề muối không chỉ để lại dấu vết trên những tấm áo đầm đìa mồ hôi, trên những đôi vai, tấm lưng như muốn cong đi vì sức nặng, mà còn khắc sâu vào gương mặt các chị.

Những nữ diêm dân mải miết gom “quà của biển” 15
Bước chân uyển chuyển soi mình xuống ruộng muối, họ chắt chiu từng hạt muối mà chẳng kịp nhận ra nhan sắc mình đang dần úa…

Chị Trần Thị Nga, một nữ diêm dân thở dài: “Dù tôi đã mặc quần áo thật dày, bịt khăn, đội nón lúc làm việc, nhưng ngăn sao được muối mặn ngấm vào da thịt. Mỗi hôm từ đồng muối trở về, những lớp da ở tay chân lại rộp lên, bong tróc ra như da rắn. Mặt mũi thì đen nhẻm, da dẻ khô hết cả. Nhìn vào gương mà thấy tủi, nhưng cũng chỉ biết khóc thầm. Lâu mãi rồi thành quen, tôi chả còn nghĩ, chả còn thiết tha gì đến chuyện đẹp xấu nữa. Tất cả hạnh phúc của tôi chỉ là mong làm sao hết ngày, có tiền mang về nuôi con, cho chúng nó học hành đến nơi đến chốn, thế là đủ rồi!

Những nữ diêm dân mải miết gom “quà của biển” 16
Đằng sau niềm vui được mùa là những vất vả, cực nhọc mà họ đã đối mặt.


Những nữ diêm dân mải miết gom “quà của biển” 17
Những hạt muối được hình thành là kết tinh nỗi vất vả của những nữ diêm dân.


Mùa đông sắp đến. Những nữ diêm dân trên cánh đồng muối Hải Long, Hải Thịnh đang nhọc nhằn nhỏ những giọt mồ hôi mặn chát xuống cánh đồng muối, tranh thủ từng giọt nắng cuối mùa để chắt chiu từ biển những hạt muối trắng tinh cho đời.