Nối niềm khó nói
Mỗi khi các chị em trong công ty rôm rả kể tội các ông chồng thì Chi lại ngồi im, cười trừ hoặc vờ như đang bận chuẩn bị tài liệu gì đó. Cô chẳng thể chia sẻ với ai nỗi ấm ức của mình. Chồng cô xem ra chẳng có “tội lỗi” gì, nhưng nếu kể ra thì cô lại thấy xấu hổ làm sao ấy. Khác với đa số các gia đình, trong nhà cô, người hay mắc lỗi, hay “bị kể tội” lại là cô chứ không phải chồng. Tại sao cơm ăn chưa hết lại đậy nồi, thiu thì sao? Sao cắt móng tay xong lại để ngay trên bàn cho kiến lên? Sao lại phát biểu như thế trong cuộc họp, có phải việc của em đâu? Vốn không quá nhan sắc, cũng không quá giỏi giang, dường như càng ngày Chi càng trở nên tự ti bởi có một người ngay bên cạnh rất hiểu cô, sẵn sàng chỉ ra chính xác mọi lỗi lầm của cô.
Trường hợp Lan lại khác. Vốn là chị lớn trong gia đình đông anh em, từ nhỏ Lan đã vừa học rất giỏi, vừa rất tháo vát, tay hòm chìa khóa, lo toan việc lớn việc bé của cả nhà. Lấy chồng, về ở cùng nhà chồng, sau mỗi “sự vụ”, Lan lại thấy như mình đang bị tiếm mất vai trò “nội tướng” và cả thiên chức làm mẹ nữa. Mà không phải bởi bà mẹ chồng chân chất, ba phải, mà bởi chính ông chồng cô. Cô khó chịu khi thấy chồng ghi chép tỉ mỉ từng công việc “dưa cà mắm muối”, nắm giá cả vững như “bản tin thị trường” và đong sữa pha cho con đúng tới từng mililít. Lan chưa nói ra cũng bởi cô không muốn thừa nhận thứ tình cảm mà khi chưa lấy chồng cô không bao giờ nghĩ tới “coi thường chồng”, vì thấy anh “đàn bà quá”.
Yêu nhau củ ấu cũng tròn?
Chi vẫn lặng lẽ sống với cái nhãn mà chồng gắn cho “cái gì cũng vụng lại còn bị cái thật thà quá!”. Chỉ cho tới lần mẹ chồng cô vì bệnh dịch phải vào nằm viện. Chi chủ động nhận phần chăm nom về mình vì “trong viện thì đã có bác sĩ, cái chính là luôn cần người nhà mình ở đó thôi. Anh mà ở lỳ trong đó thì các việc nhà lại rối tung lên, em có một mình thì chẳng làm được gì cả”. Và vì là khoa lây nên cô cũng gần như chỉ nhờ các anh chị em trong nhà thay cho cô một chút thời gian khi cô cần về nhà đổi quần áo và lấy thêm một số vận dụng cần thiết, “để một người chính thôi, giảm nguy cơ lây nhiễm”. Sau tuần ấy, tất cả mọi người trong gia đình “nể” Chi hơn đã đành, quan trọng chính là chồng cô. Anh chợt nhận ra cái sự “quá thật thà” của Chi còn giá trị hơn gấp nhiều lần những “chuyện vặt” khác. Anh nhìn vợ với ánh mắt âu yếm hơn và vì thế mà cô cũng ít “mắc lỗi” hơn. Bởi Chi đâu phải là người phụ nữ quá vụng về, nhưng sự tự ti đã khiến cô không dám làm, không dám thay đổi bất cứ điều gì mà không có sự “chỉ đạo” chồng.
Hãy đẹp dần lên trong mắt nhau
Thực ra những ông chồng kỹ tính thường có ưu điểm nổi bật là rất chí thú việc gia đình và sẵn sàng chia sẻ công việc nội trợ với vợ. Lan và Chi cũng là những trường hợp may mắn bởi các cô đã tìm ra được giải pháp trước khi vợ chồng đi vào khủng hoảng, hay tệ hơn là lâu dần, sự “chấp nhận”, “đành chịu” sẽ dẫn đến sự thiếu tôn trọng lẫn nhau. Điều tối kỵ trong cuộc sống vợ chồng. Đa số chúng ta có quan niệm sai lầm rằng yêu nhau và lấy nhau, và vì tình yêu chúng ta có thể thay đổi va làm được nhiều việc. Quan trọng là có còn tình yêu hay không. Hãy nghĩ khác đi một chút, tình yêu không thể tự nhiên có, ta phải tạo ra, xây dựng nó hàng ngày. Hãy đề hôn nhân là cánh cửa bước vào con đường bất tận nuôi dưỡng tình yêu chứ đừng là “mồ chôn tình yêu”. Hãy khám phá những điểm mạnh của bản thân và của vợ chồng mình, cùng giúp nhau dần đẹp hơn.
Thanh Ngọc