Hôn nhân giữa vợ Việt và những ông chồng ngoại quốc cũng có thăng có trầm, có những đồng cảm sâu sắc và cả những mâu thuẫn, rạn nứt đến từ những chi tiết nhỏ nhặt của đời sống, hệt như bất cứ cuộc hôn nhân nào trên đời. Có điều, sóng gió và cả những tràng cười vui vẻ trong những gia đình “đa chủng tộc” dễ đến từ sự khác biệt về ngôn ngữ, thói quen sinh hoạt của họ.
1.
Dung có một ông chồng người Canada khá ổn: Chiều chuộng vợ, chăm chỉ làm việc nhà, hòa nhã với mọi người (dù anh không nói được tiếng Việt). Có một điểm khiến Dung bực chồng nhất, đó là anh ấy đã không giỏi đoán biết cảm xúc người khác lại còn "lười" học tiếng Việt.
Ở nhà Dung, hai vợ chồng giao tiếp bằng tiếng Anh, còn nói chuyện với con thì tiếng ai người đó nói, xì xà xì xồ hết cả. Thằng bé mới 3 tuổi đã “cân” tất, ai nói tiếng Anh hay Việt bé cũng hiểu.
Cưới xong vợ chồng Dung định cư ở nước ngoài, bắt đầu từ năm ngoái chồng Dung về Việt Nam công tác, thêm ảnh hưởng dịch bệnh nên họ quyết về đây sống 1 thời gian. Mọi thứ luôn đảo lộn với khiếu tấu hài của chồng Dung khi anh sử dụng tiếng Việt. Lười học nhưng rất nhiệt tình thực hành và cái kết là Dung luôn đi sau thuyết minh lẫn giải thích cho chồng đừng có dùng từ lung tung.
Có lần, gia đình bên ngoại đến nhà ăn cơm. Đến lúc mọi người chào hỏi để ra về, Justin (chồng Dung) cười tươi, vẫy tay rất thân thiện: “Lượn đi”. Tất cả choáng váng, thất thần đổ dồn mắt nhìn vợ chồng Dung.
Biết chồng nói hớ, cô nhanh tay cấu nhẹ chồng một cái làm Justin ngơ ngác chưa hiểu mình làm gì sai. Hóa ra, mỗi khi giận dỗi hay trêu chồng, Dung thường quát Justin “lượn”, “lượn đi” và anh hiểu câu ấy nghĩa là “đi đi”, “tạm biệt nhé” rất bình thường. Đến khi Dung giải thích, cả nhà mới vỡ lẽ, cười ầm lên trêu chàng "rể ngố".
Một lần khác, sinh nhật Justin, mẹ Dung tặng anh một chiếc áo. Anh chàng cảm động quá, ôm ghì lấy mẹ vợ mà hôn má, rồi hồn nhiên nói: “Mommy, anh yêu em!”. Lỗi cũng do Dung, vì khi chồng hỏi “I love you” dịch sang tiếng Việt là gì, Dung dạy chồng: “Anh yêu em” và dĩ nhiên với một người mới bập bẹ tiếng Việt như Justin thì không thể phân biệt được ngôi thứ mà nói cho hợp cảnh.
2.
Rohde là người Philippines, sống ở Việt Nam đã khoảng 15 năm nhưng trình độ tiếng Việt khá bập bõm. Anh chỉ nói được mấy câu: “Xin chào”, “vợ ơi”, “ăn cơm thôi”... chứ không nói được cả câu dài. Hoa - vợ anh cũng không thấy thế làm phiền, vì cô cũng vui vẻ làm phiên dịch cho chồng khi cần giao tiếp với người thân của mình.
Có lần, cô và hội bạn thân tụ tập tại nhà nấu nướng, ăn uống. Hoa và hội bạn rôm rả nói xấu chồng, cười đùa ầm ĩ. Rohde ngồi ngay gần đấy nhưng chăm chú xem điện thoại, không phản ứng gì.
Sau khi bạn Hoa về hết, Rohde bảo vợ: “May thế, em không kể nốt chuyện giường chiếu của mình cho các cô ấy nghe. Nhưng sao đám bạn của em nhiều chuyện nhỉ, việc anh làm được bao nhiêu tiền, nặng hơn em bao nhiêu cân thì ảnh hưởng gì đến các cô ấy chứ?”.
Đó là lúc Hoa ngã ngửa phát hiện ra, hóa ra ông chồng mình hoàn toàn hiểu tiếng Việt, bao nhiêu chuyện kín chuyện hở đám bạn gái nói với nhau, anh ta nghe được hết. May mà Hoa không nói gì quá lời về chồng.
Rohde bảo anh không chịu nói tiếng Việt vì… phức tạp quá. Sau hôm ấy, cô bắt chồng phải học tiếng bằng cách tối tối lôi mic ra bắt chồng... hát karaoke, mà chỉ được hát bằng tiếng Việt thôi.
3.
Không phải lúc nào ngôn ngữ cũng là rào cản, mà chỉ là phong cách sống khác biệt cũng đem đến chuyện dở khóc dở cười. Như vợ chồng Linh - Josh đã từng cãi nhau vì sự cứng nhắc của Josh.
Mỗi lần bố mẹ vợ hay họ hàng ở quê vợ đến chơi, Josh đều giãy nảy khi vợ nhất định mời khách vào ngủ ở phòng riêng của hai vợ chồng, còn vợ chồng anh lại kéo nhau trải đệm ngủ ở sàn phòng khách.
Josh bảo khách “vô ý tứ”, “xâm phạm không gian riêng tư”, ấm ức khi phải rời khỏi căn phòng quen thuộc của mình. Còn Linh thì ra sức giải thích đó là truyền thống hiếu khách của người Việt. Sau mấy lần thấy chồng cáu kỉnh, nhà ngoại thì không vui vì Josh hờn dỗi, phụng phịu như trẻ con, thế nên mỗi lần có khách Linh đều thuê phòng khách sạn ở gần đó cho tiện cả đôi bên.
Đỉnh điểm là lần ấy cả nhà đi chơi đầu xuân, Linh rủ chồng đi cùng cho biết thêm văn hóa Việt. Trên đường đi gia đình Linh ghé qua 1 hàng phở để ăn sáng. Josh cứ tấm tắc khen phở ngon cho đến khi anh nhìn thấy rổ vỏ trứng vịt lộn. Dù đây không phải lần đầu nhưng Josh cứ rú lên, lắc đầu, tỏ rõ thái độ ghê sợ. Linh phải kéo chồng ra chỗ khác rồi giải thích với ông chủ quán. Lúc lên xe Linh kể cho cả nhà nghe lần đầu Josh thấy vợ ăn trứng vịt lộn thì phản ứng tiêu cực vô cùng. Anh kể với bạn bè bên Đức - nơi anh sinh sống rằng: "Vợ tôi ăn rất nhiều con vịt còn nguyên lông cùng 1 lúc, thật đáng sợ, tôi sợ cô ấy lắm". Cả nhà phá lên cười, họ cũng biết tính Josh vốn cẩn thận hơn người bình thường.
4.
Không vớ phải chồng Tây EQ thấp, không có anh chồng cứng nhắc hay “lươn lẹo” lười học ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam, Hương “sở hữu” một ông chồng người Pháp mê tít thức ăn Việt Nam. Vợ chồng cô sống chung với gia đình lớn và anh chàng tỏ ra hòa hợp với cuộc sống ở Việt Nam. Anh rất thích nấu nướng và đặc biệt “nghiện” các gia vị Việt, ăn riềng, gừng, ngải cứu, mắm tôm, mắm nêm...
Thế rồi có lần cả nhà cũng được một phen cười chảy nước mắt với con rể Tây. Chả là, vì hay phụ mẹ vợ và vợ nấu nướng, thi thoảng cũng làm đầu bếp chính nên anh rất tự tin về khả năng bếp núc. Hôm ấy, mẹ Hương bị cảm nên cô nấu nước xông với lá bưởi, sả, hương nhu, ngải cứu… cho bà.
Chàng rể đặc biệt ấn tượng với hương thơm rất lạ tỏa ra ngào ngạt từ căn bếp, anh tò mò mở ra thì thấy nhiều nguyên liệu quen thuộc mình đã biết, vì đã từng ăn ốc luộc và trứng rán ngải cứu. Anh chàng tự đoán đây là một biến tấu của món tiềm, nên muốn giúp vợ một chút bằng cách… hoàn thiện nó. Anh nếm thử, thêm chút muối, rồi quyết định thả con gà vào nồi, bật bếp và háo hức chờ chờ sôi để nêm nếm lại thành quả.
Khi chồng đang loay hoay trong bếp với nồi "gà tần" thì Hương đi vào tìm nồi xông cho mẹ. “Tôi sửng sốt khi mở nồi xông thì đã thấy chồng tôi biến hóa thành nồi gà tần. Tôi không thể nhịn cười, vì con gà kia vốn để nấu cháo cho mẹ ăn. Giờ thì nước xông cũng chẳng có mà gà cũng không ăn được. Tôi cười ầm ĩ không thể dừng được, chồng thì cứ gãi đầu không hiểu đã làm sai điều gì. Hôm sau, tôi làm lại món gà tần thuốc bắc “chính hiệu” để thị phạm cho anh. Và câu chuyện biến nồi nước xông thành nồi gà tần của chồng tôi chắc sẽ trở thành truyền thuyết của gia đình”, Hương kể lại.
Sống cùng với những khác biệt văn hóa, có lẽ ngoài tình yêu và sự say mê, các cặp vợ Việt chồng ngoại quốc có lẽ phải cố gắng hơn một chút những cặp đôi thuần Việt. Nhưng điều quan trọng là họ có thực sự phù hợp với nhau về quan điểm sống, về những giá trị cốt yếu trong gia đình hay không thôi, còn “sóng gió” hay chuyện dở khóc dở cười thì nhà nào chẳng có.