Bệnh viện Phong da liễu Văn Môn - Vũ Thư - Thái Bình, là "làng phong" lâu đời nhất của nước ta, nơi đã bao dung, che chở biết bao con người mắc bệnh phong hơn một trăm năm qua. Nhắc đến nơi đây, người ta vẫn thường kể về những con người khốn khó, những cuộc đời hẩm hiu, nhưng ít ai biết rằng, ở nơi tưởng chừng như tận cùng của khổ đau này lại có biết bao chuyện tình thật đẹp.
"Tôi không nhớ mình vào trại lúc nào. Nhưng ngày tôi quen bà ấy, tôi nhớ rõ lắm"
Sống với nhau hơn 60 năm nhưng hai cụ vẫn còn tình cảm, vẫn còn mặn nồng
Cụ Nguyễn Đức Bàng và cụ Đoàn Thị Thành năm nay đều đã 86 tuổi. Cả hai cụ vào làng phong từ năm 1954, khi chỉ mới ngoài đôi mươi, cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Được đưa vào đây để điểu trị, tưởng chừng như thanh xuân chấm dứt, tương lai không còn nữa. Nhưng chính các cụ đã tìm đến với nhau, an ủi nhau từ trong chính điều bất hạnh mà cuộc sống mang đến.
Cụ Thành lúc nào cũng trầm tư, ngại giao tiếp
Cụ Bàng may mắn hơn bao người ở đây khi tìm được một nửa của mình
Cụ Bàng tuy không còn minh mẫn, nhưng khi được hỏi đến chuyện tình yêu với cụ Thành, cụ ngượng ngùng chốc lát rồi kể với tôi một cách say sưa. Bởi cuộc đời đã quá bất công với cụ, và tình yêu là thứ duy nhất còn sót lại - đẹp đẽ, vẹn nguyên, lành lặn.
"Tôi và bà ấy cùng quê Hải Dương với nhau, tôi được đưa vào đây điều trị trước bà ấy vài tháng, ngày nào thì tôi không rõ nữa. Nhưng tôi nhớ đêm hôm ấy vào đây trời tối lắm. Tôi công tác ở đoàn thanh niên còn bà nhà tôi ở hội phụ nữ. Những người khốn khổ thì thương lấy nhau. Chúng tôi quen nhau ngay sau đó và hai năm sau tức là năm 1956 thì dọn về ở với nhau".
Nét khắc khổ đi theo năm tháng, hằn in lên khuôn mặt đầy ưu tư này suốt 86 năm qua
Không giấy tờ, không đăng ký kết hôn, hai cụ sống hạnh phúc với nhau từ lúc ấy đến tận bây giờ. Cụ ông ốm thì cụ bà lo thuốc thang, chăm sóc. Cụ bà bệnh, cụ ông lại lo lắng chạy vạy ngược xuôi.
Khi được hỏi có bao giờ hai cụ mong muốn một đám cưới đàng hoàng, một mái ấm hạnh phúc như bao người ngoài kia không, cả hai đều rưng rưng. Tất nhiên họ muốn, họ khát khao chứ, chẳng cần chi sang giàu, chỉ cần một mái nhà nhỏ, con cháu sum vầy là hạnh phúc rồi. Nhưng cái nghèo, cái đói, rồi bệnh tật không cho phép họ được bình thường như thế.
Những con người khốn khó chăm sóc nhau như vợ chồng dù chẳng đăng ký kết hôn, chẳng đám cưới
Chỉ dọn về sống với nhau, góp gạo thổi cơm chung, cùng nhau san sẻ những khó khăn có lẽ là quá hạnh phúc với những người như cụ Bàng, cụ Thành rồi. Sống với nhau 62 năm trời, có những cãi vả nhưng cái tình vẫn hơn tất cả. Biết mình không được may mắn như những người khác, họ sẻ chia, đồng cảm với nhau nhiều hơn.
Cụ Bàng tâm sự: "Muốn có người nhà vào thăm lắm cháu ạ, muốn được ở bên gia đình khi ốm đau, bệnh tật, già rồi mà, nhưng không thể. Anh em không có, bố mẹ thì mất hết rồi. Mấy chục năm nay chỉ có cụ nhà làm bạn, chia nhau từng bát cơm, bát canh sống qua ngày."
Những bàn tay không lành lặn tìm đến nhau, vẽ nên hạnh phúc vẹn tròn
Giữa chốn đông người, cụ Lô không ngần ngại nắm chặt bàn tay bị rụng hết ngón của "bà xã" mình
Nhìn cảnh cụ Lô cầm chặt bàn tay bị mất gần hết ngón của cụ Bình, chúng tôi bảo với nhau rằng, đây mới thực sự là hạnh phúc, đây mới là tình yêu. Cụ Lô năm nay đã ngoài 90 tuổi, cũng như bao cụ khác, vì vào đây khi còn nhỏ nên cụ không nhớ chính xác thời gian. Tuy đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Lô vẫn là điểm tựa tinh thần, người đồng hành đầy tin tưởng, mạnh mẽ cho cụ bà năm nay đã 86 tuổi.
Cụ Lô hào hứng chia sẻ với tôi: "Hai ông bà sống với nhau đã được 30,40 năm nay rồi. Ngày xưa cụ bà xinh lắm, tôi phải mất rất lâu để làm quen. Thời đấy tán tỉnh nhau vui lắm cháu à. Ngày lễ nào cũng phải kiếm hoa, kiếm quà để tặng bà."
Cả hai quyết định về ở với nhau để san sẻ cho nhau những điều mà cuộc sống đã lấy đi của họ. Cũng không đám cưới, không con cái, không giấy tờ, không danh phận... sống với nhau chỉ có tình yêu và trách nhiệm.
Những người khốn khó nắm tay nhau đi hết cuộc đời
"Cũng muốn có một cái đám cưới như người ta, cũng muốn được làm vợ danh chính ngôn thuận, cũng muốn có con cái để vui cửa vui nhà, để có người chăm sóc khi già yếu nhưng số mình nó thế, phải chấp nhận thôi. Tìm được người để về ở với nhau là quá may mắn rồi." - Cụ Nguyễn Thị Bình tâm sự trong nghẹn ngào.
Những con người cô đơn cả cuộc đời
Không được may mắn như cụ Bình, cụ Lô, cụ Bàng, cụ Thành... làng phong Văn Môn còn rất rất nhiều những thân phận khốn khổ khác, sống một cuộc đời cô đơn. Cụ Nguyễn Ba Chuyên năm nay đã 85 tuổi, cụ vào đây, sống thui thủi một mình từ năm 1953 đến giờ. Người thân không có ai, chưa bao giờ được người nhà vào thăm cả. Sống bao năm nay chỉ phụ thuộc vào trợ cấp của Nhà nước và tấm lòng của những nhà hảo tâm, ai cho ăn vậy. Cả cuộc đời cụ cũng chưa được đi đâu xa ngoài cái làng phong bé nhỏ này.
Cụ Chuyên với gói quà Tết của đoàn từ thiện
Năm mới rồi, hỏi cụ ước điều gì không, cụ chỉ lắc đầu: "Đến tầm tuổi này rồi chẳng còn mong gì nữa, cũng chả biết mong gì, sống được như thế này là cảm ơn Trời, Phật lắm rồi. Tết năm nay cũng như 85 cái Tết trước kia, không có gì để hào hứng nữa."
Bữa cơm trưa của các cụ
Ngày Tết, làng phong vẫn lạnh lẽo, cô độc
Đến làng phong Văn Môn - Vũ Thư - Thái Bình vào một chiều mưa phùn, giá lạnh đầu năm, chúng tôi mang theo những món quà Tết, mang theo tình thương của bao nhiêu người ngoài kia vào để các cụ ở đây có một cái Tết ấm hơn, vui hơn. Nhưng hôm nay, chúng tôi mới là người được nhận lại nhiều nhất. Những cái bắt tay ấm áp, những câu chuyện tình đầy xúc động theo chúng tôi về với thành phố.
Những người trong này đa phần đã sống quá nửa đời người, có nhiều người gần đất xa trời, họ chẳng cần gì nữa, chỉ cần thỉnh thoảng có ai đó hỏi thăm, có ai đó từ bên ngoài, mang theo cái nhộn nhịp ngoài kia vào để họ biết ngoài làng phong, có một xã hội nữa vẫn đang tồn tại, đang phát triển.