Tết cổ truyền là một trong những dịp lễ quan trọng nhất năm đối với người Việt. Để chào mừng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người Việt thực hiện rất nhiều nghi lễ, phong tục đặc sắc, công phu với nhiều ý nghĩa, mong muốn khác nhau như cầu may, bày tỏ lòng thành kính với Đất Trời, sự hiếu đạo với tổ tiên,…

Tuy nhiên, hòa theo sự phát triển của đất nước, Tết nay đã có ít nhiều thay đổi so với Tết xưa. Bên cạnh những món ăn bỗng “mất tích” chẳng thấy ai dùng, nhiều tập tục Tết xưa cũng đang dần biến mất trong sự bùi ngùi, tiếc nhớ của nhiều thế hệ con người Việt.

Tục xin chữ

Xin chữ - cho chữ là một phong tục có từ lâu đời, bắt nguồn từ truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa, tri thức của người dân Việt Nam. Mỗi độ xuân đến, rất nhiều gia đình sẽ ra phố thuê ông đồ viết chữ, câu đối để mang về trang trí trong nhà như xin một thứ phúc lộc may mắn, giỏi giang. Để rồi từ đó, hình ảnh ông đồ già “áo dài, khăn đóng” bày “mực Tàu, giấy đỏ” ngồi cho chữ, không biết tự bao giờ, đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống mỗi dịp tết đến xuân về trên đất Việt.

Thế nhưng, đứng trước làn sóng du nhập của tranh ảnh nước ngoài vào Việt Nam, có nhiều nơi không mấy ai chơi chữ ngày Tết nữa mà họ chuyển sang treo tranh, ảnh để trang trí. Dần dần, tờ giấy đỏ với nét mực đen giản đơn mà trang trọng được xin từ người thầy đồ như cái lộc đầu năm ấy nhanh chóng bị thay thế bằng những thứ tranh ảnh đủ màu rực rỡ, thiết kế lộng lẫy, cầu kỳ hơn. Từ đó, tục lệ này cũng dần mai một đi cũng như hình ảnh những người thầy đồ hiếm khi xuất hiện, nhất là ở trong khu vực miền Trung - Nam.

Ảnh: Dương Thị Thu Hương, @hoangthan.nguyen

Tục dựng cây nêu

Cây nêu ngày Tết là một nét đẹp trong tín ngưỡng của cộng đồng Việt vào dịp năm mới. Tùy theo địa phương mà trên ngọn cây nêu sẽ được treo những vật dụng khác nhau, nhưng tựu trung, cây nêu phải được dựng ở những nơi linh thiêng như trước sân nhà.

Tục này được kể rằng, ngày xưa, quỷ dữ chiếm hết đất đai và con người phải làm thuê, cống nạp cho chúng. Khi con người đến cầu cứu Đức Phật thì lũ quỷ đã tức giận và đòi lại đất. Phật bảo con người đến chỗ quỷ mua một mảnh đất nhỏ bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn tre. Sau khi con người trồng cây tre xuống, Phật hóa phép cho cây tre cao lên tận trời, chiếc áo cà sa che phủ toàn bộ đất đai khiến quỷ mất đất phải chạy ra biển Đông. Sau đó, chúng khóc than với Phật và xin mỗi năm được vào đất liền ba ngày để thăm phần mộ tổ tiên. Từ đó trở đi, cứ mỗi dịp Tết đến là những ngày Quỷ vào thăm đất liền nên người ta theo tục cũ trồng cây nêu để Quỷ không bén mảng đến chỗ người cư ngụ. 

Những phong tục làm nên nét đặc trưng Tết Việt Nam giờ đây hầu như bị lượt bỏ - Ảnh 2.

Ảnh: @ngoclinguyen

Bây giờ, phần vì không có đủ diện tích, phần vì không có thời gian chuẩn bị, nguyên liệu để làm cây nêu cũng khó tìm, nên ở thành thị, tục dựng cây nêu ngày Tết cũng dần biến mất. Để rồi hình ảnh những ngọn nêu phất phơ trong gió xuân chỉ còn lác đác xuất hiện ở những miền quê xa xôi, hay lúc mờ lúc tỏ trong tâm khảm của những đứa trẻ mới ngày nào hãy còn tíu tít phụ cha, phụ mẹ dựng cây nêu lên, nay đã trở thành cha, thành mẹ của một thế hệ trẻ khác.

Tục đốt pháo

Ngày xưa, cứ trước buổi tối đêm giao thừa, người người nhà nhà sẽ cùng ùa ra ngoài đốt pháo. Tùy theo nguyện cầu, mong ước của gia đình trong năm mới mà người ta sẽ đốt số lượng pháo khác nhau. Ví dụ gia đình nào muốn có người thi đạt tam nguyên sẽ đốt ba quả pháo. Nhà nào muốn gặp nhiều chuyện vui thì đốt bốn quả,... Tiếng pháo nổ vang trong niềm tin, sự mong mỏi đón chào một năm mới may mắn, bình an vọng khắp các ngõ hẻm, thắp sáng những khuôn mặt tươi cười rạng rỡ càng tăng bầu không khí náo nhiệt ngày Tết.

Những phong tục làm nên nét đặc trưng Tết Việt Nam giờ đây hầu như bị lượt bỏ - Ảnh 3.

Ảnh: internet

Sau này, vì để đảm bảo an toàn cho sức khỏe lẫn tình hình an ninh trật tự, Chính phủ đã cấm sản xuất, vận chuyển và đốt các loại pháo. Vì thế, giờ đây, chúng ta chỉ có thể thưởng thức pháo hoa trên bầu trời chứ không còn được nhắm mắt bịt tai hay chạy tán loạn mỗi khi nhà hàng xóm đốt pháo nữa. Tuy vậy, hồi ức về tiếng pháo giòn tan sẽ mãi là những kỷ niệm không thể xóa nhòa trong ký ức nhiều thế hệ con người Việt.

Tục thờ gậy ông vải

Ngày xưa, vào đầu năm mới, hai bên bàn thờ ngoài được trang trí bằng các chậu hoa rực rỡ sắc màu còn được chủ nhà trang trọng đặt thêm hai cây mía vừa to, vừa thẳng như một nghi lễ thờ cúng không thể thiếu. Theo tín ngưỡng của người Việt, cây mía tượng trưng cho cái thang vì thân dài, lại có từng đốt giống như từng bậc thang. Việc chủ nhà đặt cây mía bên cạnh bàn thờ giống như bắt một cái thang đón dẫn ông bà, tổ tiên từ trên trời quay về dương gian đón Tết cùng con cháu.

Việc cây mía được sử dụng trong nghi lễ thờ cúng trong ngày Tết cổ truyền vừa tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo của con cháu với mong muốn được đón tổ tiên về dương gian ăn Tết, vừa thể hiện ước mong một năm may mắn, tốt đẹp như vị ngọt của mía. Ngoài ra, tín ngưỡng này còn biểu trưng cho nền văn hoá nông nghiệp của người Việt từ xa xưa. Tuy là một sản vật không thể thiếu mỗi dịp Tết xưa, nhưng những năm gần đây, để tiện nghi và phù hợp với xu thế Tết hiện đại, người ta đã thay những cây mía bằng các giỏ quà sang trọng, đẹp mắt hơn. Và hình ảnh vươn cao của hai cây mía đặt hai bên bàn thờ gia tiên cũng hiếm khi còn thấy nữa.

Những phong tục làm nên nét đặc trưng Tết Việt Nam giờ đây hầu như bị lượt bỏ - Ảnh 4.

Ảnh: baohoabinh