Cô gái “nổi loạn” bỏ việc nghìn đô để khám phá thế giới
Võ Thị Mỹ Linh (26 tuổi) được biết đến là một trong số những người Việt may mắn sống sót sau khi chống chọi với cơn bão tuyết lớn nhất trong thập niên qua trên dãy Himalaya khiến ít nhất 42 người chết, 20 người mất tích trong tổng số 168 người leo núi, và sau đó là chủ nhân bức thư đáng suy ngẫm gửi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục về chuyện học tiếng Anh.
Trước khi đi sang Ấn Độ rồi Nepal trong 6 tháng, Linh bỏ vị trí chuyên viên truyền thông tại một ngân hàng ở TP HCM với mức thu nhập xấp xỉ 1.000 USD chỉ vì “Nhìn cái ghế lõm xuống của chị sếp, tôi sợ một ngày nào đó chỗ của mình sẽ chỉ in lên một vết lõm y như thế”. Sang Ấn Độ, Linh dành thời gian học tiếng Anh, sống chung với các bạn bè người quốc tế rồi đến Nepal để có thể hiểu hơn về cuộc sống. Ở đây, Linh tham gia vào các nhóm tình nguyện, đi dạy tiếng Anh cho trẻ em và quyết định thử sức mình với khao khát mở được tour leo núi giá rẻ cho người Việt.
Đã trở về Việt Nam, cô gái trẻ sẽ tìm việc làm mới để nuôi dưỡng những
dự án của cô, trước mắt là dự án Volunteer's House xây những căn nhà tình
nguyện ở khắp các địa phương trên cả nước dành cho khách du lịch có thể đến ở
miễn phí, đổi lại, họ sẽ đến trường dạy tiếng Anh cho trẻ em và ra đồng làm
việc với nông dân. Cô gái muốn tạo cơ hội giúp trẻ em vùng sâu vùng xa có điều
kiện học tiếng Anh tốt hơn cũng như thay đổi thói quen du lịch hời hợt của một
bộ phận người trẻ.
Có thể nói Mỹ Linh chính là một trong những đại diện khá tiêu biểu cho
giới trẻ bây giờ với quan niệm sống dám nghĩ, dám làm, dám chinh phục, nhưng cô
gái lại cho rằng: “Leo lên cái núi gần 6000 mét
đấy không phải là điều gì phi thường, vĩ đại lắm đâu! Những người phụ nữ ở nhà
chịu đựng chồng con, lam lũ để lo cho gia đình họ được vẹn toàn thì mới là
những anh hùng thật sự”. Cô gái trẻ
nhận định, chuyến đi mang lại cho cô nhiều thứ, nhưng thứ đáng giá nhất là
trước giờ những trăn trở, những tư tưởng của cô không được ai nghe thấu thì
giờ, mọi người chú ý lắng nghe.
Trần Thúy An – Chân dài 9X đi tình nguyện 13 nước
Cao 1m75, cô gái trẻ Trần Thúy An, 23 tuổi, không
chỉ là một "chân dài" xinh đẹp mà còn là thủ lĩnh sáng lập CLB
Children Link Club Sài Gòn, giành giải Siêu thủ lĩnh năm 2013, một trong 1000
bạn trẻ trên thế giới tham gia diễn đàn văn hóa thế giới do Liên hiệp quốc tổ
chức tại Bali, Indonesia. Cô gái 23 tuổi này đã trải nghiệm cuộc sống ở 13 nước
khác nhau trong các chuyến tình nguyện của mình.
Khi đến Ai Len, Thúy An cũng tham gia dự án lớp học nâng cao nhận thức
cho trẻ em về môi trường, tại đây cô rất ấn tượng về phương pháp tiếp cận với
trẻ em ở đất nước này. Cô cho biết: "Người lớn lắng nghe
nhiều hơn và tạo điều kiện cho trẻ em lên tiếng nhiều hơn. Tất cả các bài học
là bài học mở, hoàn toàn không có một cái “kết bài” nào được đưa ra từ người
lớn mà sau mỗi bài giảng, trẻ con sẽ tự đưa ra kết luận cho riêng mình. Bên
cạnh đó, qua việc tiếp xúc với trẻ con ở đây, tôi nhận thấy ý thức về bảo vệ
trẻ em của họ cũng khá cao, đơn giản như khi muốn chụp hình trẻ con thì phải có
giấy đồng ý từ bố mẹ".
Những chuyến đi của An hoàn toàn miễn phí nhưng không phải chỉ đi chơi, du lịch mà là những chuyến đi để học tập, trải nghiệm và giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới.
Cô gái bỏ việc nghìn đô theo đuổi đam mê nấu ăn
Để theo đuổi đam mê nấu nướng, Đào Chi Anh đã nghỉ một công
việc nhân sự cấp cao ở một tập đoàn lớn
của Singapore mà nhiều cô nàng khác mơ ước.
Tình yêu với ẩm thực bắt đầu từ năm 2009, khi Chi Anh bị áp lực lớn từ
công việc ở Singapore. "Một ngày, tôi nhận ra niềm đam mê lớn nhất của
mình là nấu nướng. Nó khiến tôi tìm ra ý nghĩa của cuộc sống mỗi sớm tôi vào
bếp sửa soạn một món ăn mới", cô kể.
Một nhà xuất bản uy tín của Singapore đã phát hiện ra "phù thủy bếp
núc Chi Anh" và cuốn sách đầu tiên của hai nữ tác giả người Việt ra đời.
Sách hướng dẫn nấu ăn có cái tên rất đẹp: "Hai căn bếp ngọt ngào"
khiến Chi Anh "hét ầm lên" khi được nhà xuất
bản ngỏ lời mời. Cô và Hoàng Anh cùng bắt tay viết sách trong 4 tháng. Sách
viết về các món bánh ngọt phương Tây nhưng lại mang cảm hứng từ hương vị Việt
Nam. "Nó khiến chúng tôi có cảm giác vui và hãnh diện như đang góp phần
khởi xướng cho xu thế mới", Chi Anh hạnh phúc chia sẻ.
Cô gái nghiện đồ da nghỉ việc nghìn đô đi may túi xách
Tương tự, cô gái Nguyễn Thu Thủy cũng đã bỏ vị trí trưởng phòng sản phẩm
với mức lương vài nghìn đô tại một công ty chuyên kinh doanh đồ nội thất châu
Âu nổi tiếng ở TP.HCM để ở nhà may túi xách.
“Về nhà, mình tập tành làm thử và nghiện chơi da luôn từ đó”, cô chia sẻ. Vì yêu thích nên Thu Thủy bắt đầu tìm tòi các phương pháp làm đồ da qua những người thợ trong xưởng ở công ty cũ, qua sách vở, video, các trang web của công ty bán dụng cụ làm da ở nước ngoài…
“Người dân các nước phát triển lương họ cao lắm nhưng cứ làm vài việc năm
thì họ lại xin nghỉ 1 - 2 năm để đi du lịch, xả hơi và tận hưởng cuộc sống.
Mình thấy đó là một ý tưởng thú vị, và sau nhiều cân nhắc, mình cũng quyết định
tạm nghỉ việc một thời gian để sống cho đam mê”, Thu Thủy tâm sự.
Thu Thủy mở Facebook bán hàng của riêng mình. Ý tưởng làm cho vui ban
đầu không ngờ đã khiến cô gái 8X có lượng khách hàng đông tới mức “quên luôn cả
ý định quay lại nghề cũ”.
Công việc từ niềm đam mê cá nhân đã giúp Nguyễn Thu Thủy có thu nhập tới
vài trăm triệu mỗi tháng sau 2 năm phát triển.
Đồ da handmade của Thu Thủy làm mê mẩn khách hàng trong và ngoài nước vì
màu sắc hợp thời, dễ phối, dựa theo tính cách, hợp phong thủy từng khách.
Điều đặc biệt là với mỗi sản phẩm bán ra, cô trích lại 10.000 đồng cho quỹ từ thiện vì trẻ em. Thủy tin tưởng vào một tương lai lâu dài với công việc cô đang theo đuổi đầy đam mê. “Mình ước sau này sẽ kết hợp được với một trại trẻ mồ côi nào đó, dạy nghề cho các em và cùng các em tạo nên thương hiệu đồ da handmade được khách hàng ủng hộ”, Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.