- Thế bây giờ bà có làm không?
- Không, lỗi do cả ông nữa đấy.
- Thôi được rồi, bà không làm thì tôi làm vậy.
Chồng tôi ngơ ngác sau khi nghe cuộc hội thoại của bố mẹ vợ. Anh ấy cười thích chí bình luận: "Bố mẹ em hay nhỉ, ở nhà anh thế này là mẹ anh ăn mấy cái bạt tai rồi đấy". Có lẽ là do môi trường sống và lớn lên của chúng tôi quá khác nhau nên anh ấy nhìn thấy cảnh tượng này có vẻ lạ lẫm nhưng tôi thì không. Bố tôi luôn như vậy. Kể cả những lúc mẹ tôi ỷ lại, mẹ tôi mắc lỗi, có ai đó hỏi bố "lấy vợ để làm gì?" thì ông vẫn dõng dạc một câu ghim chặt trong lòng suốt 30 năm qua: "Lấy vợ để yêu!".
01
Người ta bảo trong hôn nhân, quan trọng nhất là vị trí của người phụ nữ trong gia đình. Vì thế mẹ tôi thường đùa với chúng tôi: "Ngày trước khi yêu thì phụ nữ chỉ mong có một chỗ đứng trong lòng người đàn ông ấy. Nhưng giờ làm vợ rồi lại cần đứng đúng chỗ đó và không được di chuyển đi đâu cả".
Mẹ tôi là người Hà Nội gốc, mảnh khảnh, có chút tiểu thư và chắc chắn chẳng đáp ứng được tiêu chuẩn của một gia đình nông thôn có truyền thống lâu đời chăn nuôi, trồng trọt. Ngay từ lần đầu bố dẫn mẹ về ra mắt, bà nội tôi đã đánh giá: "Con gái trông yếu ớt thế kia thì sau này chửa đẻ làm sao?". Nhưng bố tôi rất khảng khái khẳng định: "Con thích cô ấy như thế, đó là người phụ nữ mà con đã chọn".
Bố là người điềm đạm, ôn nhu. Bố luôn cho rằng bản thân phải là trụ cột gia đình, là chỗ dựa của vợ, là tấm gương cho các con nhìn vào. Bố luôn nói chuyện với mẹ bằng giọng điệu tôn trọng, không bao giờ ra lệnh hay bắt ép. Thế nên tự mẹ cũng biết mình phải làm gì. Đó cũng là lý do vì sao gia đình tôi xảy ra ít xung đột.
Trái với quan niệm của nhiều người, bố tôi lại cho rằng: "Đàn ông mới là người quyết định hạnh phúc hôn nhân. Anh ta có tử tế thì mới mong vợ mình tử tế. Anh ta có yêu thương vợ thì mới mong vợ yêu thương lại. Vì ngay từ ngày đầu sau kết hôn, phụ nữ có khác gì các cô bé bắt đầu tung tăng vào lớp 1. Mình là đàn ông sức dài vai rộng, là 'chủ nhà' mình phải có nghĩa vụ tạo lập một hệ thống gia đình vừa nguyên tắc vừa thoải mái. Như một đường ray vậy con ạ, càng về sau cuộc sống sẽ càng dễ dàng hơn".
02
Khi tôi công khai bạn trai và nói muốn lấy anh ấy làm chồng, bố tôi có lời nhắn nhủ đến con rể tương lai: "Đầu tiên con hãy tôn trọng vợ, mọi lúc mọi nơi. Như thế, người khác sẽ tự biết tôn trọng cô ấy".
Mẹ tôi kể ngày trước ở quê hay có phong tục cỗ bàn, nhà có khách là đàn bà ngồi mâm dưới, thậm chí là dưới bếp và không được xen vào những câu chuyện của đàn ông. Nhưng kể từ khi bố tôi lấy vợ, luật lệ ấy đã được thay đổi. Bố yêu cầu mọi người phải ngồi ăn cùng nhau, người già thì ngồi trên cao cho thuận tiện, người lớn, thanh niên, phụ nữ, trẻ con có thể ngồi dưới chiếu, quây quần cùng nhau, không có sự phân biệt. Bố bảo, chỉ cần người chồng quát tháo hay sai vợ 1 câu, khách họ sẽ được đà. Người tử tế thì góp ý nhưng phải mấy gã bợm rượu lại được dịp thể hiện "cái uy của chồng". Và vợ mình bỗng dưng trở thành công cụ cho thói ích kỉ sĩ diện của đàn ông.
Tôi nhớ có lần anh tôi đi chơi về, lao vào mâm cơm ăn những món mẹ vẫn hay nấu. Bỗng nhiên anh ấy gào lên: "Sao vị lạ thế, chả ngon gì cả!". Bố tôi nhẹ nhàng cất hẳn bát đũa của anh tôi vào chạn rồi bình thản ngồi ăn tiếp. Lý do ông đưa ra: "Đó là mẹ con, không phải bảo mẫu hay giúp việc mà con có quyền đòi hỏi. Nếu thấy không hài lòng thì tự mình làm đi. Đừng có ngồi hưởng thụ rồi chê bai".
"Giàu vì bạn, sang vì vợ" ư? Không đâu, trong gia đình tôi thì quan niệm đó hoàn toàn lệch lạc. Nếu có ai nói, người làm vợ phải chăm chỉ, phải hi sinh, phải nghĩ đến lợi ích của chồng cùng gia đình chồng đầu tiên mới là làm đẹp mặt chồng mình thì người đấy chỉ đáng "vứt đi". Mặt chồng là mặt chồng, mặt vợ là mặt vợ, hà cớ gì vợ phải hi sinh bản thân mình để đổi lấy cái sĩ diện hão cho chồng?
Vậy nên các anh cứ nhớ, thể diện của một người đàn ông được quyết định bởi chính suy nghĩ và hành động của các anh chứ chẳng phụ thuộc vào một người phụ nữ nào khác. Đừng cho rằng phải là vợ chuẩn bị quần áo, giặt giũ, là lượt cho thì ra đường các anh mới được khen bảnh bao. Cũng đừng nghĩ vợ phải vùi đầu trong bếp, nhà có khách hay ra ngoài đường gặp ai là nem nép, 1 câu dạ, 2 câu thưa thì chồng mới được thiên hạ nể "ông này biết dạy vợ".
Tóm lại, gia đình có yên ấm, hạnh phúc hay không vẫn cần một người đàn ông tử tế biết cầm cân nảy mực.
03
Nói một cách hài hước thì hôn nhân cũng như việc chúng ta đầu tư một cuộc làm ăn lớn. Và tất nhiên cần xác định ngay từ khi quyết định "kí hợp đồng" với đối tác ấy chứ không phải người nào khác. Bố tôi hay chọc mẹ: "Xét về 'mẫu mã sản phẩm', 'tính năng sử dụng', 'độ bền theo thời gian' thì bố đầu tư vào mẹ con là lãi to rồi".
Ấy thế nhưng bố lại dạy con rể rằng: "Đừng quá kì vọng vào một cuộc hôn nhân dù nó có xuất phát từ tình yêu. Đừng nuôi ảo mộng phải có được cái gì từ đối phương, đừng nghĩ sẽ có lợi gì sau khi lấy vợ vì khi con càng tính toán, hi vọng nhiều sẽ càng thất vọng lớn. Cứ yêu thương và trân trọng nhau hết mình. Đàn ông cần phải hơn đàn bà ở sự bao dung".
Vợ nấu ăn ngon nhưng không có nghĩa chồng ngồi lướt điện thoại chờ cơm mặc nhiên đó là việc của phụ nữ. Vợ dọn dẹp, lo toan nhà cửa khéo không có nghĩa tỷ việc trong nhà đều đến tay vợ. Nếu cứ quy chụp theo ai giỏi gì làm nấy thì đâu còn là gia đình, đâu còn là vợ chồng đồng cam cộng khổ. Chỉ khi nào tình yêu được nuôi dưỡng trong một môi trường tốt, tình yêu đó mới phát triển, đẹp đẽ và bền vững theo thời gian.
Ngày hôm nay, chồng tôi háo hức chờ đợi trận bóng mà anh ấy yêu thích, nhắc nhở vợ cơm nước từ sớm để có thể ung dung thư thoái ngồi tận hưởng trận cầu mong đợi. Thế nhưng tôi lại có việc đột suất, phải ra khỏi nhà đúng lúc gay cấn nhất, kết quả anh ấy vừa cho con ăn vừa chơi với nó và thỏa mãn đam mê của mình. Đúng lúc tôi xong việc về đến cửa thì nghe anh hàng xóm sang chơi cười lớn: "Ôi giời ơi lấy vợ để làm gì mà một nách 2 con thế này?". Có lẽ nhớ đến lời bố vợ dặn, chồng tôi đáp nhẹ, giọng điệu đầy tự hào: "Lấy vợ để yêu chứ còn làm gì nữa!".
Đến một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, bạn sẽ nhận ra, tình yêu hoàn hảo là thứ tình yêu đơn giản, nhẹ nhàng và chân thật nhất: Em chưa nói anh đã hiểu, anh chưa tỏ em đã tường. Và giá trị lớn không phải câu "anh yêu em" hay "em yêu anh" mà là: "Chúng ta yêu nhau".