Nhiều người phát hiện bị nhiễm khuẩn whitmore và những tin đồn thổi không đáng có
Năm 2019, bệnh whitmore được nhiều người cho là bệnh "ăn thịt người", coi là "bệnh hiếm", "bệnh lạ"… quay trở lại Việt Nam làm nhiều người khiếp vía. Những thông tin đồn đoán lan truyền thiếu cơ sở khoa học làm cho người dân vô cùng hoang mang. Thực tế, công nghệ vi sinh hiện đại giúp phát hiện vi khuẩn whitmore được lan rộng đến các địa bàn nên người dân mới được chẩn đoán, xét nghiệm nhanh ra bệnh đến vậy.
Chỉ trong tháng 8/2019, Thống kê của Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết đã tiếp nhận 12 ca mắc bệnh whitmore, trong đó có 4 ca bệnh tử vong. Riêng vào tháng 11/2019, một gia đình ở Sóc Sơn (Hà Nội) đã mất liền 3 người con từ 1 đến 7 tuổi do nhiễm khuẩn whitmore.
Trước đó, vào tháng 9, tại Nghệ An ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh whitmore. Ngày 15/9, bệnh viện Sản nhi Nghệ An chia sẻ, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho 3 bệnh nhi cùng lúc mắc bệnh whitmore. Các bệnh nhi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng áp xe viêm tuyến nước bọt mang tai. Cũng trong tháng này, bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh tiếp nhận điều trị bệnh nhân 61 tuổi mắc bệnh whitmore với dấu hiệu sốt cao liên tục, 2 ngón chân phải sưng, nóng, chảy dịch có mùi hôi…
Ghi nhận tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu như trước đây 5-10 năm mới ghi nhận có 20 ca mắc bệnh whitmore thì đến năm nay số lượng đã tăng đột biến. Riêng tại đây, từ đầu năm 2019 đến nay đã ghi nhận 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này.
TS Trịnh Thành Trung (Trưởng khoa của Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học, Đại học quốc gia Hà Nội) vốn là người đi sâu, tìm hiểu kỹ về bệnh Whitmore nhiều năm qua, nhận định: "Whitmore là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể diễn tiến tối cấp và gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện đúng bệnh và thực hiện điều trị kháng sinh theo phác đồ hướng dẫn".
Do đó, điều quan trọng nhất là cần phải nâng cao nhận thức cho người dân về căn bệnh. Chuyên gia cũng khẳng định, whitmore không phải là một loại bệnh hiếm gặp như nhiều người đang suy nghĩ. Thực tế, đây là căn bệnh đang bị lãng quên tại Việt Nam.
Hàng loạt ca hôn mê, tử vong, gặp biến chứng hoại tử do phẫu thuật thẩm mỹ
Vào tháng 10, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân nữ 65 tuổi gặp biến chứng nặng dẫn đến tử vong sau khi xăm chân mày làm đẹp. Trước đó, trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận có 2 phụ nữ tử vong do tai biến sau làm đẹp căng da mặt và nâng ngực tại Bệnh viện Kangnam.
Ngay tại Hà Nội, vào tháng 4 năm nay cũng xuất hiện trường hợp tử vong sau khi hút mỡ bụng tại Bệnh viện An Việt. Theo đó, người phụ nữ rơi vào tình trạng hôn mê sâu, tổn thương thiếu máu não diện nặng, phù não nặng sau ngừng tuần hoàn, dẫn đến tử vong nhanh chóng khi vừa mang vào bệnh viện cấp cứu.
Đây chỉ là một vài ca chấn động dẫn đến chết người do phẫu thuật thẩm mỹ. Chưa kể, trong năm 2019 có vô số những ca phẫu thuật thẩm mỹ bị hoại tử, mù mắt, suy giảm thị lực nặng nề… do nâng mũi bằng chất làm đầy, nâng ngực, nâng mông… bằng filler. Có thể nói, phẫu thuật thẩm mỹ không có gì là xấu nhưng việc thiếu hiểu biết, chưa tìm hiểu kỹ nơi tiến hành làm đẹp đã khiến một bộ phận chị em phải nhận cái kết đắng.
Nhiều trẻ gặp phản ứng sau khi tiêm vắc-xin 5 trong 1 ComBe Five
Đầu tháng 1/2019, vắc xin ComBe Five mới đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng vừa qua khiến nhiều trẻ bị phản ứng sau tiêm như: sốt cao, khóc, khó thở... Đặc biệt có 3 trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin ComBE Five khiến nhiều bà mẹ lo lắng.
Tại thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, với trường hợp trẻ tử vong, có thể giải thích là do trùng hợp với một số bệnh lý ngẫu nhiên hoặc nhiều nguyên nhân như ngạt thở, sặc sữa, nằm nghiêng gây ngạt, suy hô hấp…hoặc do cơ địa trẻ mẫn cảm, phản ứng mạnh hơn với kháng nguyên có trong vắc xin ComBE Five. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng, trẻ có phản ứng sau tiêm song gia đình chưa phát hiện kịp thời, hoặc trẻ không được xử lý sốc phản vệ nhanh nhất. Đó là lý do loại vắc-xin này tiếp tục được sử dụng trong những chương trình tiêm chủng mở rộng.
Miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Sau cùng, điểm nổi bật của sự kiện y tế năm 2019 chính là việc Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Có rất nhiều đồn đoán xung quanh vấn đề này nhưng thực chất điều này bắt nguồn từ quy định về tuổi nghỉ công tác quản lý theo pháp luật và quy định của Đảng.
Bản thân nữ Bộ trưởng nhận định, bà luôn xác định nỗ lực hết sức, phải có những sản phẩm dù bé nhỏ nhưng có ích, cũng đấu tranh, chịu áp lực, làm việc và phải hi sinh. Suốt 8 năm qua, trên cương bị Bộ trưởng, bà nhìn nhận, ngành y tế được Quốc hội và Chính phủ hỗ trợ chính sách rất nhiều.