Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí thể thao Australia, Alimentary Pharmacology and Therapeutics cho thấy, áp lực sinh lý lớn lên cơ thể là thủ phạm dẫn tới hội chứng ruột rò rỉ (LGS) - một chứng bệnh khi thành ruột yếu đi, khiến cho vi khuẩn và độc tố dễ dàng đi vào máu.
Tình trạng rò rỉ các chất cặn bã độc hại là nguyên nhân chính gây đa xơ cứng (MS) và mệt mỏi mạn tính, đồng thời góp phần gây ra nhiều bệnh tật khác. Do không có thuốc chữa tức thời – dù một chế độ ăn kiêng không gluten có thể giúp ích nên những người dành hàng giờ liền trong phòng tập thể hình có lẽ nên dành bớt thời gian nằm nghỉ ngơi trên ghế sofa.
Vấn đề là không chỉ đường ruột phải gánh chịu hậu quả của việc tập thể dục, tập luyện quá mức. Có hàng loạt nguy cơ về sức khỏe liên quan tới việc này mà ngành công nghiệp thể hình và chăm sóc sức khỏe hoàn toàn không muốn bạn biết tới, cụ thể là:
1. Nhịp tim bất thường
Bài tập trên máy chạy dài nhưng nhẹ nhàng chắc chắn không gây tổn thương gì, liệu có đúng vậy không? Câu trả lời là "Sai". Những người thường xuyên tập luyện các môn thể thao sức bền có nguy cơ gây ra những thay đổi cấu trúc vĩnh viễn ở cơ tim – tình trạng này được các nhà khoa học mô tả là "ngộ độc tim".
Những thay đổi như vậy được tin rằng khiến vận động viên bị mắc chứng nhịp tim bất thường (arrhythmia) và tăng nguy cơ đột tử vì truỵ tim. Từ nhiều năm qua, những người yêu thích thể thao luôn nghĩ rằng thuốc lá, caffeine và chất kích thích mới là nguyên nhân chính gây nhịp tim bất thường. Nhưng nghiên cứu do Tạp chí Tim mạch châu Âu công bố năm 2013 cho thấy, lạm dụng các bài tập đốt mỡ, đặc biệt với những người có tiền sử gia đình bị nhịp tim bất thường, có thể dẫn tới sự suy giảm sức khỏe tim mạch.
Nghiên cứu được tiến hành với sự tham gia của hơn 52.000 người trượt tuyết trong khoảng thời gian 10 năm. Nhịp tim của họ đã được ghi chép lại. Kết quả, nguy cơ bị nhịp tim bất thường tăng lên sau mỗi lần họ hoàn tất một cuộc đua và tăng tới 30% với những người hoàn tất cuộc đua liên tục mỗi năm, kéo dài suốt 5 năm. Cường độ tập luyện cũng ảnh hưởng tới kết quả: những người kết thúc cuộc đua nhanh nhất lại thuộc nhóm có nguy cơ cao hơn bị nhịp tim bất thường.
2. Hệ miễn dịch yếu đi
Cortisol – hormone được tuyến thượng thận tiết ra trong các giai đoạn bị áp lực về thể chất – đã kích thích sản sinh ra glucose mới (gluconeogenesis) trong gan và tăng hiệu quả phân giải protein trong cơ.
Về cơ bản, việc này hoàn toàn tốt. Nhưng háo hức muốn được tận dụng lợi ích của hiệu ứng kháng viêm từ quá trình trên, các vận động viên chuyên nghiệp đã tiêm chất này vào các khối cơ vốn đã rệu rã của mình trong nhiều năm (giống trường hợp nhân viên công sở bị hội chứng tổn thương lặp đi lặp lại - RSI). Nhưng mới đây, các nhà khoa học đã đi tới kết luận rằng, ảnh hưởng tiêu cực của cortisol vượt quá những lợi ích của nó.
Trong khi cortisol có thể làm giảm tình trạng sưng và tấy đỏ do các chấn thương nghiêm trọng gây nên, hiệu ứng ức chế miễn dịch của nó lại đồng nghĩa với việc những người có hàm lượng cortisol luôn ở mức cao và duy trì liên tục phải đối mặt với nguy cơ cao đổ bệnh.
Có môt cách lý giải về hiện tượng này là xem xét đến bản năng "chống hay chạy" (fight or flight). Hàm lượng cortisol tăng lên đáng kể trong các khoảng thời gian bị áp lực mạnh mẽ - nhưng những khoảng thời gian này có xu hướng qua mau. Bạn chống trả và sau đó, hệ thống phản ứng tự giới hạn của cơ thể trở về trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, việc đó không diễn ra nhanh chóng khi bạn chịu áp lực quá nhiều. Về cơ bản, cơ thể bạn không có thời gian phục hồi, do đó, nó giữ nguyên hay gần như giữ nguyên chế độ "chống hay chạy". Kết cục, hệ miễn dịch của bạn phải trả giá.
3. Xương yếu đi
Không chỉ những người tập luyện quá nhiều bị nguy cơ đau ốm cao hơn mà họ còn có thể phải đối mặt với tình trạng liệt giường cao gấp đôi do sự can thiệp của cortisol với sức khỏe xương. Khi cortisol có trong máu, nhiều mô xương bị phân huỷ hơn so với được tích luỹ. Điều này có nghĩa là với những người nghiện tập luyện, mà cơ thể được đặt trong tình trạng stress mạn tính, nguy cơ rạn, vỡ xương của họ cũng tăng lên.
Mật độ xương giảm đi một cách tất yếu, sẽ dẫn tới nhiều chứng bệnh nghiêm trọng như loãng xương, viêm khớp – chúng sẽ trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với những người tập luyện quá mức ở quãng đời sau này.
4. Sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng
Nâng tạ nặng hàng ngày có thể là con đường nhanh chóng để sở hữu thân hình tuyệt đẹp mà bạn hằng mơ ước. Nhưng không ngừng nâng tạ nặng lại được chứng minh là để lại tác động bất lợi lên sức khỏe tâm thần.
Nghiên cứu về hội chứng tập luyện quá mức (Overtraining Syndrome) cho thấy, những người không đảm bảo được mức độ tập luyện phù hợp với cơ thể biểu hiện chỉ số sinh hoá (biochemical markers) tương tương với những người bị trầm cảm mạn tính – nghĩa là việc tiết ra serotonin và trytophan bị biến đổi bởi cả hai chứng rối loạn. Về mặt hành vi cũng vậy, những người tập luyện quá mức và những người bị trầm cảm mạn tính đều có biểu hiện của động lực kém, mất ngủ và dễ cáu bẳn.
Năm ngoái, Đại học Kỹ thuật Munich phát hiện ra, những vận động viên trẻ tuổi không có đủ thời gian để hồi phục sau stress và chấn thương tăng nguy cơ trầm cảm lên 20%.
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm động lực để lết cơ thể mệt mỏi của mình tới phòng tập thể hình? Có lẽ đã đến lúc để nói lời tạm biệt với những bài tập tạ nặng.
Làm thế nào để biết bạn đã tập luyện quá mức?
Triệu chứng của tập luyện quá mức không giống nhau ở mọi người và biểu hiện của riêng một triệu chứng không nhất thiết phải là dấu hiệu cho thấy bạn cần điều chỉnh lại chế độ tập cho vừa sức hơn, vì thế, danh sách dưới đây chưa bao hàm tất cả. Tuy nhiên, bất cứ sự kết hợp nào của các yếu tố dưới dây cũng cho thấy khả năng bạn đã tập luyện vượt mức cần thiết hoặc ít nhất, bạn cần chút thời gian nghỉ ngơi và phục hồi.
- Chứng ngủ lịm
- Giấc ngủ không ngon (mặc dù cơ thể mệt mỏi và bạn rất muốn ngủ)
- Đau cơ
- Thể hiện yếu kém trong khi tập
- Không thể hoàn thành buổi tập
- Dễ cáu gắt, khó tính
- Mất cảm giác ngon miệng
- Mất ham muốn tình dục
- Khả năng phối kết hợp yếu kém
- Hạch bạch huyết bị sưng
- Nhịp tim bất thường
Nếu bạn trải nghiệm bất cứ triệu chứng nào kể trên, việc quan trọng nhất cần làm là dừng tập luyện. Cơ thể cần thời gian để lấy lại sức lực. Hãy lắng nghe cơ thể mình. Các triệu chứng có thể mất nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng mới dần giảm bớt.
Khi bạn cảm thấy khá hơn, sẽ là khôn ngoan nếu từ từ tập luyện trở lại. Bắt đầu bằng việc tập trung vào những hoạt động thông thường như đi bộ, đạp xe với cường độ vừa phải trước khi thực sự trở lại với những bài tập nặng.
(Nguồn: Telegrph)