1 GS hoặc PGS/ 2 vạn dân

Từ năm 1976 đến hết năm 2013, sau 37 năm, tổng số GS, PGS đã được công nhận ở nước ta là 10.453, trong đó có 1.569 GS và 8.884 PGS, nhiều người đã mất và về hưu.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến năm 2012, tính tỉ lệ bình quân cả nước chỉ có xấp xỉ 1 GS hoặc PGS trên 2 vạn dân, không quá 5% giảng viên ĐH là GS hoặc PGS và 560 (nếu kể cả GV thỉnh giảng nữa thì khoảng 300) sinh viên trên 1 GS hoặc PGS.

GS đặc cách: Đều ở Hà Tĩnh

Theo thống kê của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, cho đến nay mới chỉ có hai người ở trong nước được xét đặc cách GS, là TS Trần Đình Hòa năm 2013 (thủy lợi) và TSKH Phùng Hồ Hải năm 2012 (Toán học), cả hai đều sinh năm 1970, đều quê Hà Tĩnh.

Hai vợ chồng 'lên' PGS cùng ngày

Điều thú vị thứ hai là trong ít nhất là trong 5 năm gần đây, chưa từng có cặp vợ chồng nào được giấy chứng nhận PGS ở cùng một địa điểm và cùng một thời điểm như năm nay. Đó là tân PGS Nguyễn Anh Tuấn (54 tuổi) ngành Y học và tân PGS Ngô Kim Chi (50 tuổi) ngành Hóa học.

Trong số 57 GS có 3 nữ (chiếm 5,26%), trong số 514 PGS có 116 nữ (22,57%). Dân tộc ít người: có 6 PGS (1,17%), trong đó 2 người dân tộc Hoa, 3 người dân tộc Tày và 1 người dân tộc Thái.

Số lượng giảng viên tăng dần đều

Đáng lưu ý, tỉ lệ giảng viên mỗi năm đều tăng lên trong tổng số các tân GS và PGS, còn số giảng viên thỉnh giảng giảm dần đi. Trong số 571 tân GS, PGS năm nay có 453 giảng viên, chiếm tỉ lệ 79,33%, nhiều hơn con số 76,97% của năm 2012.

Hơn 70% GS, PGS ở Hà Nội

Tuy nhiên, mật độ phân bố các GS, PGS chưa hợp lý. Kể từ năm 2009 đến hết năm 2013, số tân GS, PGS ở Hà Nội chiếm 73,17%, TPHCM 10,84%, ở tất cả các tỉnh và thành phố còn lại chỉ là 15,99%.

Nhìn chung, tuổi đời của các tân GS, PGS ngày càng trẻ hơn (nhưng vẫn chưa trẻ được như các nước phát triển).

Trong 57 GS năm 2013, người cao tuổi nhất là nữ TS Lê Nguyệt Nga, ngành TDTT; người trẻ nhất là TS Trần Đình Hòa. PGS cao tuổi nhất là TS Lê Văn Thơm ngành hóa học, 72 tuổi; PGS trẻ nhất là TS Lê Anh Vinh ngành toán học, 30 tuổi.

Biến động ở các ngành

Theo thống kê, những tân GS (và cả PGS) trẻ nhất trong 4 năm vừa qua hầu hết đều nằm trong lĩnh vực Toán học, sau đó đến Vật lý và Hóa học, nhưng năm nay là Thủy lợi – có hiện tượng “đổi ngôi”.

Cùng với Toán học, những ngành như Luyện kim, Văn học, cơ học, dược học trong 5 năm qua có ít tân GS, PGS được bổ sung.

Ngược lại những ngành được bổ sung nhiều hơn là Y học, Kinh tế học, Khoa học quân sự, Hóa học, Tâm lý học – Giáo dục học.