Nhiều năm nay, Tiktoker, Youtuber đã trở thành nghề mang tính cạnh tranh đối với nhiều người ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp... Nguyên do chính là bởi môi trường này quá “màu mỡ” trong việc kiếm tiền, tăng thu nhập.
Bên cạnh số ít những Tiktoker, Youtuber định hướng phát triển kênh theo cách bền vững, tạo giá trị, nội dung tích cực thì rất nhiều người bất chấp mọi thứ để được nổi tiếng. Điều này đang khiến “phong trào” Tiktoker, Youtuber trở thành vấn nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người và ảnh hưởng sâu xa đến xã hội.
"Miễn là có nhiều view"
Trong hàng triệu hot Tiktoker hiện nay, cái tên Nờ Ô Nô (tên thật là Phạm Đức Tuấn) vẫn được nhiều người dùng mạng nhớ đến với tai tiếng miệt thị người nghèo. Sau khi bị cộng đồng mạng đồng loạt tẩy chay, tài khoản 667 nghìn người theo dõi, 22,8 triệu lượt thích của Nờ Ô Nô đã bị Tiktok cấm vĩnh viễn vào cuối ngày 28/11/2022.
Dù Nờ Ô Nô đã tạo tài khoản mới, đăng video xin lỗi nhân vật bị miệt thị và người dùng mạng, thế nhưng cộng đồng mạng vẫt rất gay gắt khước từ sự trở lại của anh ta. Đỉnh điểm, ngày 7/1/2023, tài khoản mới 268 nghìn người theo dõi, 2,8 triệu lượt thích của Nờ Ô Nô tiếp tục bị cấm. Điều này chứng tỏ, việc “phong sát” của cộng đồng mạng không chỉ là chuyện đùa.
Sau hơn 2 tháng, khi cái tên Nờ Ô Nô ít được nhắc đến hơn, chúng tôi hẹn gặp anh ta để nghe những lời “ruột gan” từ chính người trong cuộc.
Nhắc về thời điểm bị cộng đồng mạng “phong sát”, Nờ Ô Nô nói đã có lúc anh ta có ý định tự tử vì hàng nghìn cuộc gọi, tin nhắn chửi bới được gửi đến trong ngày. Rối bời, anh ta chỉ còn cách khoá các tài khoản mạng xã hội và điện thoại cá nhân để né tránh chỉ trích. Tuy nhiên, Nờ Ô Nô cho rằng, ở sự việc đã qua, bản thân anh ta chỉ “lỡ lời” chứ không hề vi phạm pháp luật.
Bởi vậy, anh ta cảm thấy cộng động mạng đã quá “quá quắt” với mình: “Em chỉ lỡ lời, em cũng xin phép bà cụ trước khi quay là nói như vậy. Chẳng qua do chất giọng sẵn của em như này nên nghe chói tai chứ em thấy mình không quá sai. Tất nhiên, nếu được làm lại, em sẽ để ý câu chữ của mình hơn”.
Nờ Ô Nô cũng không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi về định hướng phát triển kênh của anh trước đây: “Làm gì cũng được, miễn nhiều người chú ý là được!”.
Theo quan điểm của hot Tiktoker này, Tiktok là nền tảng khuyến khích người dùng thể hiện sự sáng tạo của bản thân, và sự sáng tạo là không giới hạn. Nờ Ô Nô cho rằng anh ta đã sáng tạo kênh của mình bằng nét riêng “cục súc” , bằng hình ảnh “một Chí Phèo đi review đồ ăn” , miễn là không vi phạm pháp luật.
“Ban đầu thì em chơi Tiktok cho vui, thế nhưng một lần đi ăn, em thấy cái quán đó tệ quá nên đăng video review. Không ngờ video đó của em được lên xu hướng với hàng triệu lượt xem, hàng nghìn bình luận tán thành, từ đó em mới bắt đầu hướng review đồ ăn. Tuy nhiên, do mình bắt đầu muộn nên em quyết định đi ngược với mọi người bằng cách người ta kiếm chỗ khen thì mình kiếm chỗ chê”, Nờ Ô Nô kể.
Cũng từ đây, những video đập phá bàn ghế, chửi bới khách hàng, quát tháo nhân viên, hất chén đũa… trong các quán ăn lần lượt được Nờ Ô Nô đăng tải lên Tiktok. Và có vẻ, anh ta đã thành công bằng lối đi riêng của mình: Một Chí Phèo cục súc đi review đồ ăn.
“Mình càng làm cho người ta ngứa mắt thì lượt xem càng nhiều. Nhưng mà thật sự thì em không chê xạo, dở tệ thật thì em mới nói, nên các video em đăng dù cục súc nhưng chưa bao giờ bị ai ‘phốt’ lại”, Nờ Ô Nô nói.
Nờ Ô Nô cũng tiết lộ với chúng tôi về những kịch bản để kéo view, trong đó phải kể đến việc các chủ quán năn nỉ được cậu “bóc phốt”, bởi “phốt” cũng là một cách để nhiều người biết đến quán hơn.
“Anh chị nghĩ tự dưng em chửi ầm ầm, đập bàn đập ghế, chỉ mặt khách rồi quay video vậy mà chủ họ để cho em đứng đó à? Không có đâu, những video như vậy đều có kịch bản trước, chủ quán cũng đã nói với khách trước khi diễn. Nhiều chủ quán ăn còn năn nỉ em là “Nô ơi em tới bóc phốt dùm quán chị đi” là chị hiểu rồi đó”, Nờ Ô Nô nói.
Về thu nhập từ việc làm nội dung Tiktok, Nờ Ô Nô nói rằng anh ta chỉ mới nhận quảng cáo một thời gian ngắn trước khi tài khoản bị Tiktok cấm vĩnh viễn. Vì vậy, những lời truyền miệng về thu nhập khủng từ việc bất chấp tai tiếng của anh như một số người đồn đoán là “không đúng sự thật”.
Là một người trong “nghề”, Nờ Ô Nô cũng thừa nhận với chúng tôi hiện có rất nhiều Tiktoker, Youtuber khác bất chấp mọi thứ để được nổi tiếng. Trong đó phải kể đến những người thường xuyên livestream chê bai, hạ bệ người khác. Có những người lại livestream với lối ăn nói chợ búa, tục tĩu… suy cho cùng cũng chỉ để hút view.
Nô Ô Nô thắc mắc với chúng tôi: “Đấy, anh chị thấy những người như thế họ vẫn livestream phản cảm hàng ngày, vậy mà còn được cộng động mạng cổ vũ. Thế mà em, em chỉ lỡ lời mà bị đày nông nỗi này”.
Câu view bằng mọi giá là bình thường
PV VTC News tiếp tục liên hệ với L.Vlog – một chủ kênh Youtube sở hữu hơn 133 nghìn người theo dõi liên tục cập nhật về đám tang NSƯT Vũ Linh suốt thời gian qua.
Tính đến nay, kênh Youtube này đã có gần 100 video về tang lễ của "ông hoàng cải lương". Thậm chí có những video với tiêu đề bịa đặt như "Antifan tới phá đám tang NSƯT Vũ Linh", "Mỹ Tâm, Hoài Linh tới viếng Vũ Linh" hay "Trấn Thành nhận làm MC đám tang Vũ Linh"...
Bày tỏ quan điểm của mình, chủ kênh L.Vlog cho rằng, ngành nghề nào cũng có mặt tốt và mặt xấu, đối với một Youtuber thì “chuyện câu view là bình thường”.
“Việc quay đám tang với mục đích chia sẻ đến những người yêu mến nghệ sỹ, để người hâm mộ nghệ sỹ đó chia buồn cùng gia đình họ thì cũng không có gì sai. Mỗi người một cảm nhận. Làm sao đừng vượt quá quy chuẩn đạo đức, hay lăng mạ hay xúc phạm ai đó là được.
Chưa kể có những bạn mới vào nghề cũng muốn được nhiều khán giả biết đến. Chính vì vậy để cho kênh được nhiều người biết đến thì thử mạo hiểm giật tít mạnh sẽ nhanh chóng được bật kiếm tiền”, Youtuber này nói.
Người này cũng cho rằng trong những đám tang hay sự kiện, không phải tất cả những người cầm điện thoại lên quay chụp là Youtuber.
“Tôi nghĩ thực sự trong đám đông đó thì Youtuber chỉ chiếm 1/10 thôi. Đa số là những người dân hiếu kỳ cũng muốn ghi lại khoảnh khắc đó”, chủ kênh L.Vlog nói.
Anh này cũng nói tiền kiếm được từ việc quay đám tang không cao như những video khác vì bị hạn chế bởi một số quy định từ phía Youtube.
“Thay vì quay cuộc sống bình thường được 10 đồng, thì đi quay đám tang này chỉ được 1 đồng thôi. Chẳng qua chúng tôi cố gắng vì muốn chia sẻ hình ảnh tới những khán giả quan tâm. Đến khi không còn view và khán giả không còn muốn xem nữa thì chúng tôi sẽ ngưng lại”, người này nói thêm.
Admin trang fanpage P.Đ.Showbiz sở hữu 109 nghìn lượt theo dõi cho rằng hiện tại các kênh Youtube, Tik Tok hay Facebook luôn tìm mọi cách để tăng tương tác một cách nhanh chóng.
"Cách nhanh nhất để có lượt tương tác cao là nghĩ ra những tiêu đề giật gân và hình ảnh gây sốc. Hiện tại những mạng xã hội này vẫn rất thoải mái khi không bị kiểm soát chặt chẽ về nội dung như những trang báo mạng. Đó là lý do vì sao hiện nay có rất nhiều Youtuber, Tiktoker ra đời. Các Youtuber, Tiktoker có quyền giật tít để tăng tương tác cho kênh của họ, cái quan trọng là khán giả phải tỉnh táo chọn lọc thông tin chính xác", người này chia sẻ quan điểm.
Nghệ sỹ nên tự biết cách bảo vệ mình
Dù đã qua vài tuần nay, nhưng câu chuyện không đẹp, rất đáng phải suy ngẫm qua sự kiện đám tang của “ông hoàng cải lương” Vũ Linh vẫn còn đọng lại.
Khi tang lễ nghệ sỹ Vũ Linh đang được cử hành, hàng trăm Tiktoker, Youtuber đã đổ tới, tranh giành chỗ đứng, tất bật quay video, đưa tin thất thiệt gây náo loạn. Không chỉ thế, nhiều người còn cười cợt, thậm chí vỗ tay, hò reo như thể đây là sự kiện giải trí mỗi khi có nghệ sỹ lớn đến viếng.
Ngay khi đám tang đang diễn ra, hàng loạt video nhanh chóng được đăng tải với những tiêu đề giật gân, thậm chí nội dung và hình ảnh chẳng hề liên quan tới nhau những vẫn thu về hàng trăm ngàn lượt xem. Đây cũng chính là động lực để các “kền kền mạng” đua nhau “tác nghiệp”.
Chia sẻ với VTC New s, ca sỹ Hồng Phượng, cháu gái NSƯT Vũ Linh cho biết cô cảm thấy rất buồn, hụt hẫng khi đám tang của cậu mình bị nhiều người đưa tin sai sự thật. Những ngày qua gia đình cô không khỏi đau lòng khi chứng kiến một vài Youtuber cố tình đăng tải thông tin sai lệch.
"Thật ra thì ngày cúng thất đầu tiên cho cậu, sau khi cúng ở nhà xong thì cả gia đình cũng lên mộ cậu, cũng chứng kiến cảnh rất đông Youtuber. Tôi thấy họ cũng rất cực khổ khi phải ở trên đó suốt. Thật sự tôi cũng trân trọng tình cảm đó vì nhờ họ mà gia đình cũng phần nào nắm được tình trạng của cậu (khi nghệ sỹ Vũ Linh trong giai đoạn bệnh nặng-PV) . Thế nhưng cũng có một số Youtuber lợi dụng, đăng tải những thông tin sai lệch thì tôi cũng rất buồn”, ca sỹ Hồng Phượng nói.
“Mọi người quan tâm cậu là điều dĩ nhiên. Vì cậu là thần tượng của nhiều nghệ sĩ và khán giả. Cậu được thương tiếc khiến gia đình tôi hạnh phúc. Nhưng tôi mong các bạn Youtuber, Tiktoker để cho hình ảnh người nghệ sỹ luôn đẹp. Rất nhiều nghệ sỹ đã lâm vào cảnh này chứ không riêng gì cậu tôi", ca sỹ Hồng Phượng bày tỏ.
Ca sỹ Hồng Phượng cũng muốn nhắn nhủ đến những Youtuber kém văn minh, chuyên lợi dụng, dựng chuyện rằng, đừng nên đăng tải thông tin sai lệch và làm ảnh hưởng đến khu mộ của người đã khuất.
"Có thể do cậu tôi mới qua đời nên mọi người còn hiếu kỳ và quan tâm. Một thời gian nữa tôi nghĩ mọi thứ cũng sẽ ổn định trở lại. Hiện tại tôi chỉ mong mọi người đặt mình vào vị trí người thân của người khác, đặc biệt là những người đã khuất.
Nếu những khán giả yêu thương gia đình tôi thì sẽ hiểu, tuy nhiên những ai không biết thì đôi khi sẽ gây ảnh hưởng nếu đưa tin sai lệch. Có thể đối với họ Youtuber là một nghề, có thể nuôi sống họ nhưng làm gì thì hãy làm bằng cái tâm. Nếu còn tiếp tục như vậy thì nghệ sỹ chúng tôi sẽ rất áp lực", ca sỹ Hồng Phượng nói thêm.
Ca sỹ Đoan Trường, khi trao đổi với PV VTC News cũng bày tỏ sự bức xúc đối với những Youtuber kém văn hoá, bất chấp đạo lý câu view dựa vào tên tuổi của người nổi tiếng.
"Thật ra phải nói rõ là có những Youtuber chuyên nghiệp, chân chính nên chúng ta cần lên án chỉ là số Youtuber không chuyên, không trình độ, kém ý thức văn hóa mà muốn có view cao, lượt follow nhiều để có nhiều tiền. Nói dễ hiểu là vì tiền nên bất chấp tất cả, không chỉ quay đám ma, đám cưới mà còn những hình ảnh khác như tai nạn, hỏa hoạn, ẩu đả hay những hành vi không chuẩn mực, những phát ngôn vô văn hóa nơi công cộng”, ca sỹ Đoan Trường bức xúc.
Đoan Trường cho rằng, hiện tại rất khó xử lý Youtuber thiếu đạo đức nên cách tốt nhất, nghệ sỹ nói riêng và mọi người nói chung phải tự bảo vệ mình và người thân bằng cách tự “che chắn” khi xuất hiện nơi công cộng.
Trong những sự kiện như đám tang, đám cưới của các nghệ sỹ, anh vẫn chứng kiến khá nhiều đồng nghiệp thản nhiên cởi bỏ khẩu trang, cười nói, trả lời phỏng vấn của các Youtuber. Đây cũng chính là nguyên nhân để các Youtuber xấu có cơ hội lộng hành.
“Bản thân các nghệ sỹ này cũng muốn... câu view, lấy like, tự cho người theo mình quay video làm Youtube kiếm tiền thì cũng đừng trách các Youtuber khác lấy mình ra để câu view lại”, Đoan Trường nói.
Trong số hàng triệu "hot" Tiktoker, Youtuber đi lên bằng cách bất chấp tai tiếng thì cũng phải công bằng nhìn nhận có nhiều Tiktoker, Youtuber đã thành công trong việc truyền cảm hứng tích cực cho người trẻ và ghi dấu ấn trong các hoạt động xã hội.
Ví dụ, Lê Văn Phong (chủ kênh Youtube Phong Bụi với hơn 1,11 triệu người theo dõi), bằng kênh Youtube của mình đã trở thành cầu nối giữa các nhà hảo tâm với những phận đời bất hạnh. Tới thời điểm hiện tại, hàng nghìn hoàn cảnh khó khăn đã được giúp đỡ thông qua kênh Youtube của anh.
Ngoài việc giúp đỡ những phận đời khó khăn, gần đây Youtuber Lê Văn Phong còn khiến nhiều người thán phục khi sang Campuchia tham gia giải cứu nhiều người Việt bị bán vào các sòng bạc.