Thỉnh thoảng sẽ có lúc bạn bị con gọi là một "bà mẹ xấu tính" vì đã không cho phép con làm những gì con muốn. Bạn có thể sẽ bị bất ngờ nhưng khi người khác nhìn vào và thấy bạn rèn kỉ luật cho con tốt như thế nào, bạn sẽ được khen ngợi. Và đúng vậy, bạn đang làm rất tốt vai trò của mình. Chắc hẳn bạn đã từng nghe về những đứa trẻ hư hỏng trước đây, và đó là điều mọi ông bố bà mẹ đều sợ hãi. Nhưng bạn nên biết rằng đó không phải là lỗi của trẻ, mà chính là lỗi của bố mẹ. Vì thế, đừng buồn khi bị con gọi mình là "bà mẹ xấu tính", vì bạn đang làm những điều tốt nhất cho con. Một ngày nào đó, trẻ sẽ nhận ra rằng những gì bạn làm cho chúng giúp chúng trở thành những người tốt hơn.
Sau đây là 12 tình huống các bà mẹ bị coi là "bà mẹ xấu tính" trong mắt con:
1. Bắt con đi ngủ đúng giờ
Bạn đã bao giờ nói với con rằng không ngủ nhiều ngày liên tiếp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào đối với sức khỏe của con chưa? Bạn nên làm thế và con cũng không nên nổi cáu về điều đó bởi ai cũng cần phải ngủ cả. Và nếu con không ngủ, bạn cũng không thể ngủ. Vậy nên đó là điều tốt cả đôi đường.
2. Không cho con ăn vặt mỗi ngày
Những thứ ngon nhất chính là những thứ hiếm khi được ăn. Cũng như thế, thỉnh thoảng được ăn vặt một lần mới có thể biến nó trở thành một sự “chiêu đãi”. Trẻ cần biết được rằng quá nhiều đường có thể làm hỏng răng chúng nhanh hơn một cái chớp mắt. Hãy nói với con rằng con có muốn có một hàm răng đen thui trong suốt cuộc đời không hay con có muốn thường xuyên đến gặp nha sĩ không. Như thế, trẻ sẽ thấy sợ và biết ơn bạn.
Trẻ cần biết được rằng quá nhiều đường có thể làm hỏng răng chúng nhanh hơn một cái chớp mắt (Ảnh minh họa).
3. Dạy trẻ cách quý trọng những gì chúng có
Nếu bạn muốn có một thứ gì đó, bạn phải tự tìm cách để có được nó, đó là cách cuộc sống này vận hành. Vì tất nhiên trẻ chưa có tiền để có thể tự trả cho những đồ vật của chúng nên bạn có thể dạy con cách quý trọng những gì chúng có. Hãy nói với con về việc có thể toàn quyền quyết định những gì mình mua là điều tuyệt vời đến như thế nào. Dần dần sau này khi trẻ học cách tiêu tiền, chúng sẽ biết cách dùng tiền một cách khôn ngoan và quý trọng hơn những gì chúng mua.
4. Không cố sắp đặt để tạo lợi thế cho con
Dù bạn có cố gắng bao bọc con đến thế nào, thì rồi cũng sẽ có lúc con phải trải qua những tình huống mà mọi việc không thuận lợi cho chúng. Một ngày nào đó chúng sẽ nhận ra rằng chúng không phải là ngoại lệ đối với những luật lệ.
Vì thế, hãy dừng ngay việc luôn cố gắng sắp đặt, dàn xếp để con mình luôn luôn nhận được thứ chúng muốn. Làm như vậy, không phải là bạn đang chuẩn bị cho con cho tương lai, mà là đang sắp xếp để con thất bại một cách thảm hại.
5. Để con tự làm những việc khó
Khi trẻ tự mình vượt qua những thử thách khó khăn, chúng sẽ có thể tự củng cố năng lực bản thân và mạnh mẽ hơn (Ảnh minh họa).
Đừng cứ khi nào thấy con đang vật lộn làm thứ gì đó là ra tay giúp đỡ ngay. Hãy cứ để con vật lộn như vậy. Bởi vì khi chúng có thể tự mình vượt qua những thử thách khó khăn, chúng sẽ có thể tự củng cố năng lực bản thân và mạnh mẽ hơn.
6. Đưa cho con một cái đồng hồ đeo tay hoặc đồng hồ để bàn
Con bạn nên được học cách quý trọng và biết quản lý thời gian. Nếu chúng không thể, cuối cùng chúng sẽ đến muộn mọi thứ và không thể làm những điều chúng muốn. Một cái đồng hồ đeo tay cũng có thể làm tăng sự tự tin của trẻ, nó giúp trẻ cảm thấy có trách nhiệm và trưởng thành hơn.
7. Không mua cho con những thứ tốt nhất và tối tân nhất
Cưng chiều theo mọi ý muốn của con chính là cách nhanh nhất để làm hư con. Hãy là một người mẹ xấu tính và dạy cho con rằng không phải lúc nào con cũng có được tất cả những gì con muốn.
Trẻ nên biết rằng có được những thứ tốt nhất và tối tân nhất không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Hãy dạy cho trẻ một bài học về giá trị đích thực của mọi thứ. Và dạy chúng lòng biết ơn và sự thỏa mãn về những gì chúng đã có.
8. Để con cảm nhận được cảm giác mất mát và thất bại
Trải qua cảm giác thất bại khiến trẻ nhận ra rằng chúng phải làm một điều gì đó, phải nỗ lực hơn để đạt được thành công (Ảnh minh họa).
Nếu con làm hỏng một thứ gì đó của chúng, bạn không cần phải thay thế bằng một cái khác. Đừng làm gì cả, vì trẻ cần phải học được một bài học quý giá về việc giữ gìn tốt hơn đồ của chúng.
Và hơn thế nữa, hãy để con nếm trải thất bại. Trải qua cảm giác thất bại khiến trẻ nhận ra rằng chúng phải làm một điều gì đó, phải nỗ lực hơn để đạt được thành công, và rằng không phải là chúng sẽ được nhận tất cả mọi thứ. Thất bại sẽ dạy trẻ có trách nhiệm hơn.
9. Kiểm soát thời gian tiếp xúc với truyền thông
Vấn đề này chắc hẳn đã được đề cập đến rất nhiều lần, thời gian tiếp xúc với truyền thông của trẻ nên được giám sát chặt chẽ. Cho dù các ông bố bà mẹ khác vẫn mặc sức cho con dùng các thiết bị công nghệ, tiếp xúc với mạng xã hội thì không có nghĩa là bạn cũng nên như vậy. Chúng ta đều nhận thức được những tác hại ghê gớm của công nghệ, của truyền thông đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là khi trẻ chưa đủ khả năng nhận thức đầy đủ và biết cách tự bảo vệ mình. Vậy nên chính bố mẹ là những người đóng vai trò kiểm soát và bảo vệ con.
10. Bắt con phải xin lỗi
Nếu con làm điều gì đó sai, hãy khiến con nhận ra mình đã làm sai điều gì và để con tự đối mặt với hậu quả của những gì chúng gây ra (Ảnh minh họa).
Nếu con bạn không thể nhận ra khi có điều gì đó không ổn và không chịu nhận lỗi khi phạm sai lầm, thì làm sao chúng có thể trở thành những người trưởng thành có khả năng cân bằng tốt trong tương lai được? Nếu con làm điều gì đó sai, hãy khiến con nhận ra mình đã làm sai điều gì và để con tự đối mặt với hậu quả của những gì chúng gây ra. Làm như thế có nghĩa là bạn không phớt lờ đi sự hỗn láo, hành vi bắt nạt hay sự thiếu trung thực… của con.
11. Bắt con phải để ý đến hành vi của mình
Trẻ nên phải học cách để ý đến hành vi của chúng từ khi còn nhỏ nếu không những hành vi thô lỗ dần sẽ trở thành thói quen. Sự nhã nhặn và lịch sự nên được luyện tập, không chỉ con mà cả bạn nữa. Hành vi tốt sẽ có thể đưa con đi thật xa.
12. Dạy con làm việc miễn phí
Hãy dạy con giá trị của công việc tự nguyện, cho dù dó chỉ là việc lau nhà hay giúp ông bà làm việc gì đó. Nó dạy chúng về lòng trắc ẩn và hào phóng.
Để trẻ làm việc miễn phí để phục vụ những người khác, dù chỉ là những người trong gia đinh, sẽ dạy trẻ về sự đồng cảm. Nó dạy trẻ phải biết cách đặt mình vào vị trí của người khác và nhận ra rằng những người khác cũng có những nhu cầu của họ. Trẻ sẽ học được rằng con người ta có những vấn đề riêng của họ, và những vấn đề này thường lớn hơn nhiều so với những vấn đề mà trẻ gặp phải.
Nguồn: parent